Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinBỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có "cơ...

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có “cơ hội chiến lược”

Theo nhiều chuyên gia, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí để làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược với Việt Nam sẽ mang lại cho Mỹ những lợi ích to lớn.

Các thủy thủ Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam năm 2014.

Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã kéo dài 3 thập kỷ qua. Dự kiến quyết định cuối cùng sẽ được ông Obama đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22/5-25/5 tới. Trước đó, chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Namvào năm 2014. Hiện ở Mỹ đang có những ý kiến trái chiều giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng về vấn đề này.

Một số quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam lúc này là chưa nên. Trong khi đó, nhiều quan chức khác, đặc biệt tại Lầu Năm Góc phản bác rằng đó là điều đáng được ưu tiên trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia Christian Lewis thuộc hãng tư vấn Eurasia Group nhận định:

“Làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Việt Nam mang lại những lợi ích to lớn hơn tác động trái chiều mà người ta cảm nhận về vấn đề cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam”.

1. Tăng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) bắt tay Tổng thống Obama trong chuyến thăm Mỹ tháng 7-2015.

Giới chuyên gia nhận định, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sẽ giúp gạt đi những trở ngại còn sót lại từ thời chiến tranh và để hai nước gia tăng quan hệ ngoại giao, 21 năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ.

Sự hiện diện của vũ khí Mỹ, chẳng hạn máy bay tuần thám P-3C, sẽ góp phần tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 2.

Máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3 Orion của Hải quân Mỹ gần khu vực Guam. Loại máy bay đã cũ này của Mỹ đang được 21 nước sử dụng.

Theo tờ Washington Post, từ lâu Mỹ đã muốn hiện diện mạnh mẽ và bền vững hơn ở khu vực châu Á, và Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược này.

Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nỗ lực để tăng cường quan hệ của Mỹ tại Đông Nam Á.

Vào năm 2009, ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên họp với 10 thành viên của ASEAN.

Còn Ngoại trưởng Clinton đã có nhiều chuyến công du đến Đông Nam Á. Bà từng bày tỏ hy vọng sẽ đi thăm tất cả quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tại chức.

Theo ông Kurt M. Campbell, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, khối ASEAN đang và có khả năng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong tương lai, nhất là trong vấn đề an ninh biển.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 3.

Chuyến công du đầu tiên của ông Obama sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ là tới Đông Nam Á.

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.

2. “Cơ hội chiến lược”

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tháng 2 vừa qua, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Đô đốc Harry Harris cho rằng, Mỹ nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

“Tôi tin rằng chúng ta cần cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược tuyệt vời đối với chúng ta” – ông Harris đáp lại câu hỏi của Thượng nghị sĩ John McCain về tầm quan trọng của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận  vũ khí cho Việt Nam.

Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới còn nhận định: “Chính sách bán vũ khí không trói buộc đối với Việt Nam sẽ mang lại trọng tâm chiến lược để Mỹ tái cân bằng châu Á”.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 4.

Đô đốc Harry Harris đứng cạnh bản đồ cho thấy các hoạt động xây cất phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo trang Bloomberg View, việc bán radar, tàu tuần tra, máy bay và những vũ khí tương tự sẽ giúp các quốc gia trong khu vực Biển Đông như Việt Nam tăng cường khả năng giám sát hàng hải.

Trong khi đó, hợp tác quốc phòng với Việt Nam sẽ cho phép Mỹ bảo đảm được hoạt động quân sự của mình ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thông qua việc sử dụng các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật và tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm ở cảng Cam Ranh.

Việt Nam đã đầu tư xây dựng và khai trương khu dịch vụ kỹ thuật-hậu cần quốc tế ở cảng Cam Ranh, cho phép các tàu chiến, máy bay của quân đội tất cả các nước (trừ các phương tiện trinh sát, tình báo) có thể sử dụng hạ tầng và trả tiền theo phí dịch vụ.

Sử dụng các dịch vụ này sẽ giúp hải quân-không quân Mỹ nâng cao khả năng hoạt động không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn vươn sang cả Ấn Độ Dương, do cảng Cam Ranh nằm gần eo biển Malacca, nối sang đại dương này.

3. Gia tăng thị phần vũ khí ở Đông Nam Á

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của Tổng thống Mỹ (dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí) chính là tiềm năng của các hợp đồng quốc phòng giữa hai nước.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng cho biết, nếu Việt Nam mua nhiều vũ khí của Mỹ, đó sẽ là lợi ích tiềm năng, tạo ra việc làm tại Mỹ và giúp giảm bớt những ý kiến phản đối trong quốc hội Mỹ đối với vấn đề dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.

Song, vẫn có những nghi ngại về việc liệu Việt Nam, xưa nay là đối tác mua vũ khí của Nga, có sẵn sàng mua vũ khí Mỹ hay không.

Những vấn đề này cũng từng được đề cập đến khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10/2014.

Song khi đó, Jon Grevatt- chuyên gia mảng công nghiệp châu Á-TBD của tạp chí quốc phòngIHS Jane’s đánh giá, Đông Nam Á đã phát triển thành một thị trường nhập khẩu lớn đối với các trang thiết bị quân sự.

Trong đó, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là những khách hàng lý tưởng đối với ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 5.

Đoàn Bộ Công an Việt Nam tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc phòng châu Á (DSA) diễn ra tại Malaysia năm 2014. Ảnh: Vietnamplus

Jon Grevatt cho hay, các quốc gia này có tiềm lực kinh tế, có khả năng sử dụng các thiết bị tiên tiến và đều đang phải đối mặt với những sức ép chiến lược làm thúc đẩy nhu cầu mua sắm.

Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong khu vực, chiếm khoảng 40% thị phần trong những năm gần đây. Theo sau là Mỹ với 20% thị phần, còn lại là một số nước châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị phần của Nga đang suy giảm.

Các quốc gia trên đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí bởi họ “không muốn phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất” và bởi họ muốn lựa chọn để mua được trang thiết bị với mức giá tốt nhất.

Ngoài ra, Nga không sẵn lòng chia sẻ công nghệ với khách hàng như các nhà cung cấp đến từ châu Âu hoặc Hàn Quốc.

Steve Zaloga, chuyên gia phân tích cấp cao từ tổ chức tư vấn quốc phòng và hàng không vũ trụTeal Group cho hay, còn một lý do nữa khiến những quốc gia này tìm kiếm các nhà cung cấp khác ngoài Nga.

Đó là Moscow không sẵn lòng cung cấp một số loại trang bị mà Trung Quốc phản đối.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 6.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, Mỹ sẽ có cơ hội chiến lược - Ảnh 7.

Đoàn sĩ quan quân đội Việt Nam tới thăm máy bay săn ngầm P-3C Mỹ.

Theo Grevatt, Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm đối với máy bay tuần thám biển P-3 Orion (Lockheed Martin sản xuất) và các hệ thống radar của hãng Raytheon.

Mặc dù Mỹ sẽ chỉ cung cấp sản phẩm đã lắp ráp hoàn thiện, chứ hiếm khi chia sẻ công nghệ như các nhà cung cấp châu Âu nhưng Việt Nam muốn mua những khí tài này vì chúng “được xem là tốt nhất trên thế giới”.

Về vấn đề tài chính, Việt Nam khó có khả năng mua nhiều sản phẩm quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, theo Grevatt, Hà Nội có thể nhờ tới Quỹ tài chính quân sự nước ngoài do Mỹ cung cấp.

Mặc dù quỹ này vẫn chưa lớn lắm nhưng có thể là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam mua sắm.

Ngoài ra, theo ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương có thể mở ra khả năng hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng trong vài năm hoặc vài thập kỷ tới.

Chương trình hợp tác sản xuất sẽ có tính chất bền vững hơn và lâu dài hơn so với việc chỉ cung cấp các loại vũ khí dư thừa.

RELATED ARTICLES

Tin mới