Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNga lập trạm GLONASS ở Indonesia, Việt Nam vẫn đang chờ đợi

Nga lập trạm GLONASS ở Indonesia, Việt Nam vẫn đang chờ đợi

Theo tin mới nhất, Nga sẽ triển khai các trạm mặt đất thuộc hệ thống định vị toàn cầu GLONASS của nước này ở Indonesia.

Nga đặt trạm mặt đất GLONASS ở Indonesia

Truyền thông Nga ngày 18/5 cho biết, trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đứng đầu Indonesia cho thấy, nước này đang đàm phán việc triển khai các hệ thống GLONASS tại Indonesia.

Được biết, hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN bắt đầu được tổ chức tại thành phố nghỉ mát nổi tiếng bên bờ Biển Đen của Nga là Sochi vào ngày 19 – 20/5. Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng thống Nga Putin sẽ lần đầu tiên gặp gỡ đủ 10 nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á.

Tài liệu ghi nhận rằng, các cơ quan chức năng hai nước đang tiến hành đàm phán về việc triển khai các trạm GLONASS của Nga Indonesia. Và đề tài này sẽ được nguyên thủ 2 nước tiếp tục bàn bạc ở cấp cao hơn, bên lề cuộc gặp thượng đỉnh ở Sochi.

Để tăng độ chính xác và chất lượng của việc xác định tọa độ các mục tiêu mặt đất, giới chức Nga tuyên bố nước này đã tiến hành đàm phán về việc bố trí các trung tâm định vị GLONASS trên lãnh thổ của 5 nước Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Việt Nam và Ai Cập.

Ngoài vấn đề đàm phán xây dựng các trạm mặt đất của Hệ thống định vị toàn cầu ở trên đất nước mình, Indonesia đã thông qua những quyết định nguyên tắc về mua thiết bị quân sự Nga, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và có thể là cả tàu ngầm diesel-điện đề án 636 Varszavyanka.

Ông Victor Kladov – Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực Công ty nhà nước Rostec của Nga cho biết, các quyết định chủ chốt về việc bán Su-35 cho Indonesia đã được thông qua. Hai bên đang khởi đầu tiến trình đàm phán các điều khoản cụ thể của hợp đồng.

Theo tiết lộ của các quan chức quốc phòng Indonesia, căn cứ vào nhu cầu và khả năng huy động tài chính của Indonesia, số lượng được đặt mua có thể sẽ là từ 12 đến 18 chiếc.

Nga lập trạm GLONASS ở Indonesia, Việt Nam vẫn đang chờ đợi - Ảnh 1.

Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga ứng dụng trong cả quân sự lẫn dân dụng

Ngoài ra, Nga và Indonesia đã bắt đầu tham vấn sơ bộ về hợp đồng bán tàu ngầm diesel-điện đề án 636 Varszavyanka cho Indonesia. Điều này thể hiện tham vọng rất lớn của nước này trong việc phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga, ở cả ba quân chủng lục quân, không quân và hải quân.

Được biết, trong thời gian qua, Nga đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến hợp tác kỹ thuật quân sự với các quốc gia ASEAN. Vừa qua, Moscow cũng đã quyết định xây trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay Liên Xô/Nga ở Thái Lan, phục vụ cho tất cả các nước Đông Nam Á.

Khái lược về Hệ thống định vị toàn cầu

GLONASS là Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu do Liên Xô/Nga nghiên cứu phát triển, có tính chất tương tự hệ thống GPS của Mỹ, cho phép xác định vị trí và vận tốc di chuyển của các mục tiêu trên mặt đất, trên biển và trên không với sai số chỉ 1 m.

Hệ thống GLONASS bắt đầu phát triển từ tháng 10/1982 và đã được vận hành thử nghiệm vào năm 1993 và chính thức từ năm 1995. Hệ thống bao gồm 24 vệ tinh đang hoạt động, cùng 19 trạm mặt đất (16 trạm trên lãnh thổ Nga, hai trạm tại Bắc cực và một trạm tại Brazil).

Cũng như GPS của Mỹ, hệ thống GLONASS của Liên Xô được phát triển với mục đích đầu tiên là sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, về sau nó được mở rộng cho mục đích dân sự, trong các lĩnh vực Hàng không-Vũ trụ, thông tin di động, giao thông, thăm dò, khai khoáng…

GLONASS có quỹ đạo bay ở độ cao 19.400 km so với Trái đất, với độ nghiêng 64,8 độ, trong thời gian 11giờ 15 phút. Hệ thống hoạt động tốt hơn GPS tại vị trí 2 cực của địa cầu.

Hệ thống huy động 24 vệ tinh làm việc, còn trên lãnh thổ Nga thì chỉ cần 18 vệ tinh. Các nhóm vệ tinh bay trên 3 quỹ đạo, với mỗi quỹ đạo có khoảng 8 vệ tinh. Khi muốn xác định tọa độ của vật, cần tín hiệu của ít nhất 4 vệ tinh, nếu chỉ dùng dữ liệu của 3 vệ tinh, khả năng sai số là khá cao.

Glonass hoạt động dựa trên 3 thành phần chính là nhóm vệ tinh trên không gian, hệ thống định vị dưới mặt đất và thiết bị nhận (như smartphone, hệ thống dẫn đường trên xe hơi…).

GLONASS ban đầu sử dụng phương pháp truy cập đa tần FDMA (Frequency Division Multiple Access Method) để liên lạc với các vệ tinh, với 25 kênh cho 24 vệ tinh. Đây là giao thức phổ biến trong liên lạc vệ tinh nhưng có hạn chế là dễ bị can nhiễu và gián đoạn.

Từ năm 2008, GLONASS đã sử dụng CDMA (Code Division Multiple Access Technique) để mang đến khả năng tương thích với các vệ tinh GPS. Bởi vì các thiết bị nhận GLONASS tương thích với cả FDMA và CDMA nên chúng chúng có kích cỡ lớn hơn và đắt đỏ hơn GPS.

Nga tỏ ý định đặt trạm GLONASS Việt Nam từ năm 2014

Ngay từ tháng 5/2014, Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn nguồn tin từ bộ phận báo chí của Chính phủ Nga cho biết, Moscow vừa chấp thuận dự luật về việc thông qua các hiệp định hợp tác song phương với Việt Nam và Nicaragua trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

Nga lập trạm GLONASS ở Indonesia, Việt Nam vẫn đang chờ đợi - Ảnh 2.

Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga

Trước đó, Nga và Việt Nam đã ký kết hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình. Văn bản được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các hiệp định vừa phê duyệt xem xét khả năng lắp đặt trên lãnh thổ hai nước Việt Nam và Nicaragua các trạm mặt đất thuộc hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS. Đến thời điểm tháng 6/2015, Nga tiếp tục đặt vấn đề đặt trạm mặt đất của hệ thống này tại Ai Cập.

Việc Nga đặt trạm mặt đất của GLONASS vào Việt Nam sẽ trợ giúp chúng ta rất nhiều về phát triển kinh tế và nâng cao các tiện ích trong cuộc sống. Hơn nữa, nó còn giúp Việt Nam có một kênh điều khiển vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh mà từ trước đến nay chúng ta chưa có.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 2 năm trôi qua nhưng vẫn chưa có thông tin gì về sự tiến triển của dự án đặt trạm mặt đất của hệ thống GLONASS. Với việc cả Trung Quốc và Indonesia đều được chọn, không rõ Nga còn có ý định đặt các trạm này trên lãnh thổ Việt Nam hay không?

RELATED ARTICLES

Tin mới