Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ-Nhật nổi giận vì Anh thân Trung Quốc: Bài toán lợi ích

Mỹ-Nhật nổi giận vì Anh thân Trung Quốc: Bài toán lợi ích

Những lợi ích to lớn về kinh tế sẽ khiến Anh khó thay đổi lập trường ủng hộ Trung Quốc dù Mỹ và Nhật Bản tỏ thái độ không bằng lòng.

Mỹ và Nhật Bản được dự đoán sẽ nổi giận với Anh vì Trung Quốc tại hội nghị G7.

Mỹ, Nhật Bản sẽ phản ứng với Anh về vấn đề Trung Quốc

Theo đài RT của Nga, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại đảo Kashikojima sắp tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được dự đoán sẽ phản đối lập trường của Anh như là “đối tác tốt nhất ở phương Tây” của Trung Quốc – một tuyên bố từ phía Chính phủ Anh trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Anh tháng 10 năm ngoái.

Theo nguồn tin, Thủ tướng Abe đang nỗ lực đưa quan hệ với Trung Quốc thành một trong những chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh G7.

Đặc biệt, nhà lãnh đạo Nhật Bản đang tìm cách đạt được đồng thuận với các nước G7 trong bảo vệ các nguyên tắc luật pháp trên biển.

Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ đều muốn xây dựng một thỏa thuận chung giữa các nước châu Âu về phản đối vai trò ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông nơi Bắc Kinh đang có các dự án xây dựng đảo nhân tạo khơi nguồn căng thẳng với các nước láng giềng và Washington.

Giới chức Nhật Bản cho biết, Tokyo không mong muốn Anh cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà không chỉ trích các tranh chấp biên giới ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Lợi ích to lớn Anh – Trung Quốc

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các nước tỏ thái độ không bằng lòng trước thái độ của Anh dành cho Trung Quốc.

Còn nhớ hồi tháng 3 năm ngoái, London đã bị Mỹ lên tiếng chỉ trích và cáo buộc ủng hộ sách lược của Trung Quốc khi đất nước này đang nổi lên như một cường quốc thế giới: London đã vui mừng gia nhập hệ thống Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á- một dự án mang đầy màu sắc chính trị, quyền lực của Trung Quốc.

Quyết định của Anh được đưa ra không có sự tham vấn của chính quyền Mỹ, đặc biệt nó diễn ra vào thời điểm nhóm G7 đã đưa ra kế hoạch và thảo luận về việc thiết lập một ngân hàng mới.

“Chúng tôi rất quan ngại về chiều hướng ủng hộ Trung Quốc và đó không phải là các tốt nhất để ràng buộc với một cường quốc đang lên” – quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Ngoài việc tham gia ngân hàng do Trung Quốc sáng lập, London đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 40 tỷ bảng (khoảng 61,35 tỷ USD) với Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái.

Trả lời truyền thông, ông Cameron cho biết không có xung đột gì trong “mối quan hệ rất đặc biệt đó (với Mỹ)” và “mong muốn trở thành một đối tác mạnh mẽ của Trung Quốc khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển và Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn mạnh”.

My-Nhat noi gian vi Anh than Trung Quoc: Bai toan loi ich
Giữa Anh và Trung Quốc đang có nhiều lợi ích, giằng buộc lẫn nhau.

Theo giới phân tích, Anh chủ động làm sâu sắc mối quan hệ với Trung Quốc chủ yếu có sự trợ giúp của Bộ trưởng Tài chính George Osborne, người có thể trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh.

Ông Osborne cho rằng cơ hội cho nền kinh tế tương lai của Anh là sự phát triển của Trung Quốc, vì vậy đề xuất khởi động “10 năm vàng” quan hệ Trung- Anh.

Những người ủng hộ quyết định trên cho rằng năm 2005 khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Anh, quy mô nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn Anh, đến nay quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã gấp 3 lần khi đó, và theo dự đoán, đến năm 2030 sẽ gấp 2 lần Mỹ. Vì vậy chính phủ Anh cần chớp lấy cơ hội nhanh chóng củng cố quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, việc Anh quyết định chuyển hướng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cho thấy rõ những tính toán sâu xa của London.

Thực tế cho thấy thời đại bá chủ duy nhất của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh đang đi đến giai đoạn kết thúc. Động thái của chính quyền Thủ tướng Cameron thể hiện cùng lúc 2 điều: Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, trong khi Mỹ suy giảm tương đối sức mạnh của mình.

Báo chí Anh cho rằng quan hệ thương mại song phương phải là con đường đem lại lợi ích cho cả London và Bắc Kinh.

Bên cạnh các bản thỏa thuận hợp tác, Anh cũng cần cải thiện tỷ lệ xuất khẩu vào Trung Quốc hiện ở mức rất nhỏ. Tất cả những vấn đề trên cần phải giải quyết thông qua quan hệ hữu nghị và hợp tác thực chất chứ không phải những phát biểu, hành động chính trị mang tính xã giao.

Với những lợi ích to lớn với Trung Quốc, việc London tiếp tục thể hiện tiếng nói ủng hộ Bắc Kinh vào thời điểm này là điều có thể hiểu được.

RELATED ARTICLES

Tin mới