Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPhòng chống tham nhũng: Nghèo mà đi ôtô nhiều thế!

Phòng chống tham nhũng: Nghèo mà đi ôtô nhiều thế!

“Dân bảo sao cán bộ kê khai tài sản thấy ai cũng nghèo mà người ta đi ôtô nhiều thế!?”

Ảnh minh họa

Tiền nhỏ, phong bì dày, hạn chế tham nhũng?

Tại buổi hội thảo góp ý sửa đổi một số điều của Luật phòng chống tham nhũng (PCTN), dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2016, rất nhiều ý kiến tích cực nhằm tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ mong muốn, Luật PCTN mới sẽ là công cụ xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội nói không với tham nhũng, không thể tham nhũng.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Hoàng – Phó bí thư thường trực tỉnh ủy – cho biết địa phương này chống tham nhũng bằng việc làm đầu tiên là tách dần các dịch vụ công ra khỏi hệ thống cơ quan công quyền.

Bà cho biết, Quảng Ninh thành lập một trung tâm phục vụ hành chính công, người dân tới đây làm việc công khai, minh bạch, không tiếp xúc trực tiếp với người giải quyết việc của họ.

“Chúng tôi kiểm soát hoạt động của các bộ phận phục vụ thông qua hệ thống camera và chấm điểm của người dân”, bà Hoàng cho biết.

Cũng theo bà Hoàng, muốn chống được tham nhũng cần hạn chế thói quen tiêu tiền mặt trong các hoạt động giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

“Nếu cứ cầm tiền mặt đi mua bán rồi nói đó là khoản thu nhập phát sinh từ đầu tư, rất khó xác định tài sản có nguồn gốc không minh bạch”, bà nói.

Tham gia ý kiến, ông Nguyễn Đức Hiển – phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) – nói: “Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”.

Nghèo nhưng ai cũng đi ôtô

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, để thực hiện Luật PCTN thì thời gian qua cũng đưa ra nhiều giải pháp, quy định nhưng thực hiện lại hời hợt, hình thức, kém hiệu quả.

Biện pháp kê khai tài sản cũng vậy, “dân bảo sao cán bộ kê khai tài sản thấy ai cũng nghèo mà người ta đi ôtô nhiều thế!?”, vị đại biểu đặt câu hỏi.

Bày tỏ lo ngại trước mục tiêu trên, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: “Luật có từ 10 năm nay, đã sửa đổi, bổ sung hai lần rồi, mỗi lần sửa thì đều đặt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Mỗi lần sửa cũng nói rất hay ho nhưng cho đến nay, trong các văn bản chính thức, chúng ta đều nhận định rằng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đấy là thách thức đặt ra cho việc sửa đổi lần này”.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị việc kiểm soát thu nhập, tài sản đối với người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện liên tục.

Ông nhấn mạnh tới yếu tố tài sản phát sinh, tài sản bất minh, ví dụ, hôm nay đi xe máy, mai đi ô tô thì đều có quyền yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản. Việc giải trình cũng bao gồm với cả các đối tượng có quan hệ gần gũi, như cha, con, anh, chị, em, họ hàng.

“Quy định người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình khi phát hiện người thân gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột có tài sản tăng hoặc tiêu dùng lớn so với thu nhập.

Quy định trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó là tài sản tham nhũng, bị tịch thu và người đó bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản không giải trình được”, ông Hùng kiến nghị.

Cán bộ kê khai tài sản: Ba lần chưa hết đất, nhà

Từng trao đổi với Đất Việt – TS. Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục KTVB QPPL của Bộ Tư pháp) cũng đã chỉ ra mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, đặt ra cơ chế để đưa cả những người thân thích bố mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em và con của người đó vào diện phải kê khai tài sản. Nếu cứ e ngại việc buộc phải kê khai tài sản của người thân thích, họ hàng sẽ là một kẽ hở rất lớn, một đường thoát rất lớn cho kẻ tham nhũng và tài sản tham nhũng.

Thứ hai, phải kê khai tài sản từ thời điểm nào. Khi người đó bắt đầu được giữ chức vụ thuộc diện phải kê khai thì buộc phải kê khai đầy đủ và buộc phải có cam đoan trách nhiệm trong trường hợp che dấu các tài sản. Hàng năm, phải kê khai bổ sung.

Thứ ba, việc dựa vào cơ chế tự khai, tự tính cũng chưa thực chất, triệt để.

Thứ tư, trong diện kê khai còn có cả kim khí quý, đá quý… mà ở VN chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này. Vàng thì do tính tự giác của người khai, không ai kiểm đếm được. Đặc biệt là kim cương, chỉ cần một vài viên cũng là cả khối tài sản khổng lồ, không thể kiểm soát.

RELATED ARTICLES

Tin mới