Những quốc gia áp thuế chống bán phá giá luôn là những thực thể, những thế lực “có máu mặt”, chứ những thực thể yếu và kém thì không thể và không dám sử dụng.
Ngành thép của Trung Quốc và Nhật Bản có thể bị thiệt hại vì thuế chống bán phá giá mới của Hoa Kỳ, nếu nó được áp dụng. Ảnh: Reuters.
BBC ngày 18/5 đưa tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo nâng thuế nhập khẩu đối với các nhà sản xuất thép Trung Quốc lên hơn 5 lần sau khi cáo buộc họ bán dưới giá thị trường. Theo đó, thuế suất được áp lên tới 522% cho thép cuộn nguội được dùng trong chế tạo xe hơi, thùng container và xây dựng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thông báo này, thép cuộn không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Nhật Bản cũng chịu biên độ 71,35% của thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Thuế suất trừng phạt sẽ được áp dụng sau khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng, dự kiến là vào ngày 30/6 tới. Nếu ITC bác bỏ thì việc kết quả điều tra đưa đến phán quyết này sẽ bị huỷ bỏ.
Thép là chủ đề rất nhạy cảm trong năm bầu cử tại Mỹ khi các ứng viên tranh cử Tổng thống lên tiếng nhiều về điều họ gọi là các tập quán mậu dịch không công bằng của Trung Quốc.
Số liệu chính thức của Mỹ cho thấy, trong năm ngoái, tổng trị giá thép cuộn không gỉ cán nguội nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản thuộc diện điều tra lần lượt là 272,3 triệu USD và 138,6 triệu USD.
Hiện ngành thép thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất và Trung Quốc có sản lượng thép chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới. Việc đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong những năm gần đây, Trung Quốc đang bị cáo buộc đã “làm ngập” thị trường thép toàn cầu với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.
Thậm chí trong một vụ kiện riêng biệt khác, các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ cho biết Ủy ban Mậu dịch Quốc tế Hoa Kỳ đang dự tính cấm nhập khẩu toàn bộ thép từ Trung Quốc.
Trong khi đó Trung Quốc cũng đang chịu áp lực với chính ngành công nghiệp này ở trong nước vì sản xuất quá nhiều trong khi nhu cầu nội địa giảm.
Như vậy là ngành thép Trung Quốc rơi vào thế “bất lợi kép” nếu thuế chống bán phá giá lần này của Hoa Kỳ được áp dụng.
Người viết cho rằng, dù Trung Quốc có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng để tạo ra lợi thế cho mình thì cũng không thể phủ nhận, việc áp dụng thuế chống bán phá giá là một kiểu bảo hộ mậu dịch, thậm chí còn triệt tiêu cạnh tranh bình đẳng.
Cuộc chiến chống bán phá giá đã làm thiệt hại, làm suy yếu thậm chí làm phá sản nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nhiều nền knh tế, trong đó có Việt Nam. Tác hại của biện pháp chống bán phá giá còn lớn hơn nhiều kiểu lập hàng rào bảo hộ mậu dịch truyền thống, chứ không chỉ đơn thuần là đưa các hoạt động kinh tế trở lại vận hành theo quy luật thị trường.
Chống bán phá giá làm tiệt tiêu lợi thế so sánh của các quốc gia
Theo lịch sử các học thuyết kinh tế, tập quán và nguồn nhân lực là 2 yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế so sánh của một hay một số quốc gia trong một hay một số lĩnh vực sản xuất nào đó.
“Trăm hay không bằng tay quen” luôn là một yếu tố tạo ra sự khác biệt của tập quán sản xuất, truyền thống sản xuất, dù ở bất cứ thời đại nào, giai đoạn nào của sản xuất – kinh doanh.
Điều đó đã trở thành nguyên lý, chứ không phải là khẩu hiệu hô hào để phát huy thế mạnh của quốc gia, đất nước. Cho dù ngày nay công nghệ hiện đại có thể thay thế con người tạo ra hiệu quả, hiệu suất gấp nhiều lần lao động của con người, nhưng khi khoa học được vận dụng và trở thành “tay quen” thì hiệu quả công việc vẫn sẽ cao hơn hẳn.
Một ví dụ đơn giản là hoạt động sản xuất thuỷ hải sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là tại đồng bằng sống Cửu Long. Tập quán, lối sống vùng sông nước đã tạo nên những khả năng riêng có của người dân ở khu vực này.
Khi đưa khoa học – kỹ thuật vào nuôi trồng thì rõ ràng tạo ra hiệu quả rất lớn, mà cụ thể là năng suất cao và đương nhiên giá thành rẻ và người dân có lãi.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá hàng cá da trơn của Việt Nam, cho dù Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các công ty của Việt Nam không bán phá giá các mặt hàng cá da trơn vào Mỹ.
“Việc Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại với tinh thần tự do thương mại…” theo lời người phát ngôn Lê Hải Bình ngày 20/11/2014.
Người viết cho rằng, đây cũng là lý do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố Chương trình Giám sát cá da trơn của Việt Nam vào cuối năm 2015, mà vừa được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu hủy bỏ vào ngày 25/5. Khi diện tích nuôi cá da trơn của Mỹ bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 ha năm 2008 xuống còn khoảng 23.000 ha, USDA đã xây dựng Chương trình Giám sát của mình.
Việc buộc Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ ngay từ quy trình nuôi cá da trơn tại Việt Nam là một sự phi lý. Điều đó thực ra là một trong những biện pháp bảo hộ, giúp cho các công ty cá da trơn của Mỹ trong việc cạnh tranh với những nhà nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam, như lập luận của Thượng nghị sĩ John Mc.Cain, theo VTV ngày 26/5.
Bên cạnh đó những yếu tố về điều kiện tự nhiên không thể không ảnh hưởng tới hiệu suất và hiệu quả công việc. Đặc biệt trong thời kỳ biến đổi khi hậu hiện nay thì việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng tạo nên những lợi thế so sánh của nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ so với những quốc gia hay nền kinh tế khác.
Tình hình đang diễn ra tại Venezuela là một trong những minh chứng rõ nét nhất về việc thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Đúng là chính sách của chính phủ nước này có những nghịch lý và phi lý, nhưng chính sự nghịch lý và phi lý ấy càng chứng tỏ điều kiện tự nhiên ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất – kinh doanh.
Từ những lợi thế so sánh, những chính phủ được điều hành bởi những lãnh đạo tài năng, sẽ biến thành những lợi thế tuyệt đối của quốc gia, đất nước mình qua những kế hoạch, chính sách hợp thời và khoa học.
Chính điều đó đã tạo nên những thần kỳ trong xây dựng và phát triển đất nước, tạo nên những “con rồng” trong lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại.
Có thể thấy rằng, Cộng hoà Liên bang Đức, Nhật Bản, Israel, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan hay Hong Kong đều là những hiện tượng được tạo nên nhờ việc khai thác lợi thế so sánh, tạo nên lợi thế tuyệt đối qua sản xuất – kinh doanh.
Điều đó đã được Trung Quốc học theo và chiến thắng trong việc chiếm lĩnh kênh hàng giá rẻ trên thế giới.
Dù Trung Quốc có thủ đoạn, xảo thuật như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận nước này đã khai thác tốt nhất lợi thế so sánh, tạo nên lợi thế tuyệt đối cho mình trong sản xuất – kinh doanh.
Vì vậy, người viết cho rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thép Trung Quốc, thêm cả thép Nhật Bản nữa, là triệt tiêu lợi thế so sánh trong cạnh tranh.
Chống bán phá giá làm ảnh hưởng đến chính sách điều hành kinh tế của nhà nước
Phần lớn những căn cứ được dùng làm cơ sở để áp thuế chống bán phá giá là sự trợ giúp, ưu đãi trực tiếp của nhà nước cho doanh nghiệp, cho người sản xuất. Và việc không công nhận hay công nhận một nền kinh tế thị trường hay phi thị trường cũng xuất phát từ cơ sở này.
Đó được xem là “bảo hộ chống bảo hộ” khi áp những loại thuế tạo lợi thế cho doanh nghiệp bản địa.
Khi gia nhập WTO thì nền kinh tế Việt Nam được chấp nhận là phi thị trường tự do đến năm 2018. Điều này giúp cho Việt Nam có thời gian và lộ trình hoàn thiện cơ chế của nền kinh tế thị trường tự do.
Nhưng nó cũng gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam vì dưới danh nghĩa này, các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị doanh nghiệp các nước có nền kinh tế thị trường – trong đó doanh nghiệp Mỹ – cáo buộc bán phá giá sản phẩm giá rẻ vào thị trường này, theo BBC ngày 11/4.
Tuy nhiên, khi sản xuất – kinh doanh tại thị trường nội địa bị ảnh hưởng, giảm sút nghiêm trọng vì sản phẩm nước ngoài thì các định chế quản lý và điều tiết kinh tế của các thực thể không ngần ngại sử dụng công cụ thuế chống bán phá giá để tạo sức sống cho kinh tế nội địa.
Và lúc này thì quy chế thị trường hay phi thị trường không còn ảnh hưởng nhiều đến việc áp đặt.
Việc Hoa Kỳ có ý định áp đặt thuế chống bán phá giá thép của Nhật Bản cho thấy rõ điều ấy. Như vậy, dù có “lộ mặt” hay không thì việc áp dụng thuế chống bán phá giá vẫn luôn là công cụ bảo hộ của nhà nước chống đỡ cho doanh nghiệp nội địa trước sự tấn công của doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, người tiêu dùng thì có thể không được bảo hộ bởi loại công cụ này.
Có thể thấy rằng, cùng với việc triệt tiêu lợi thế so sánh của các nền kinh tế, các thực thế kinh tế, thì các biện pháp chống bán phá giá còn tạo ra một lợi thế cho doanh nghiệp bản địa đó là lợi nhuận doanh nghiệp có thể không ngang bằng với lợi ích người tiêu dùng. Cái công cụ vô hình này của chính phủ Mỹ đã khiến doanh nghiệp đứng vững mà không hẳn do sức mạnh của họ.
Trong khi đó, chính phủ nhiều quốc gia có sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá hay có nguy cơ bị áp loại thuế bất công này sẽ phải hết sức hạn chế việc trợ giúp các đơn vị kinh tế của mình vì có thể bị bắt bài và qua đó làm khổ doanh nghiệp.
Việc bị đe doạ áp thuế chống bán phá giá khiến cho nhiều chính phủ không dám “lộ diện” dù các doanh nghiệp có thể “chết dở sống dở”.
Lúc này hiệp hội ngành nghề trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc trợ giúp doanh nghiệp và các chính sách của chính phủ phải hướng vào hỗ trợ hiệp hội như một cách trợ giúp gián tiếp doanh nghiệp.
Ở quốc gia có hiệp hội ngành nghề hoạt động mạnh mẽ, thực chất thì khả năng thoát vòng kim cô thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp còn có hy vọng.
Với những nền kinh tế mà hiệp hội nghề nghiệp hoạt động yếu hay manh tính hình thức thì đây chính là lúc doanh nghiệp phải lãnh hậu quả. Nhìn “đứa con” của mình khắc khoải mà không thể, không dám cứu chính là một trong những lý do khiến cho Bắc Kinh không quá quan trọng việc có được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường đầy đủ hay không.
Việc Trung Quốc chọn sử dụng những biện pháp phi thị trường để bảo hộ sản xuất trong nước là một trong những quyết định chính xác khi doanh nghiệp nước này chưa đủ mạnh, dù có bị trừng phạt của đối tác.
Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực thi thì chắc chắn ngành thép của Trung Quốc vượt qua dễ hơn Nhật Bản, vì vậy thị trường tự do không phải luôn luôn tốt.
Chống bán phá giá là hệ quả tự do cạnh tranh trong sản xuất – kinh doanh
Dù không phải là nét đặc trưng nhưng không thế phủ nhận, thuế chống bán phá giá là biểu hiện của “cá lớn nuốt cá bé”. Bởi lẽ, tất cả những thực thể, những quốc gia áp thuế chống bán phá giá luôn là những thực thể, những thế lực “có máu mặt”, chứ những thực thể yếu và kém thì không thể và không dám sử dụng công cụ này.
Nông dân và doanh nghiệp sản xuất cá da trơn Việt Nam cũng từng là nạn nhân của thủ đoạn “chống phá giá” |
Có thể thấy rằng, các biện pháp chống bán phá giá luôn dựa trên cơ sở lý luận là tạo cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đều có thể đứng vững trên thị trường.
Nó có sức mạnh mà cụ thể là chất lượng và giá cả sản phẩm, dịch vụ của mình đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, vận hành theo quy luật cung – cầu.
Tuy nhiên, nhìn toàn cục thì chống bán phá giá lại tạo ra cơ hội cho những “ông lớn” khống chế, tạo sự lệ thuộc đối với những thực thể kinh tế nhỏ bé phụ thuộc, lệ thuộc vào mình.
“Ông lớn” đó là ai, nếu không phải là những tập đoàn đa quốc gia, những tập đoàn xuyên quốc gia – những đơn vị kinh tế được xem là cấu thành cơ hữu của một nền kinh tế hùng mạnh.
Như vậy, chống bán phá giá không dừng lại ở việc doanh nghiệp tạo sự lệ thuộc mà là nền kinh tế quốc gia tạo sự lệ thuộc cho mình. Vậy là, từ những lý thuyết, học thuyết kêu gọi tạo điều kiện cho tự do và bình đẳng trong kinh doanh, nay chính những cá nhân, người những tổ chức, những thực thể cổ suý cho tự do, bình đẳng lại tạo ra giới hạn của tự do, tạo ra bất bình đẳng.
Theo The Guardian, với việc cổ suý cho tự do và bình đẳng trong sản xuất – kinh doanh mà cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã có thế khiến cho nền kinh tế Xô Viết sụp đổ một cách nhanh chóng vào những năm cuối của thế kỷ 20. Nền kinh tế kế hoạch triệt tiêu cạnh tranh nên khái niệm tự do và bình đẳng trong sản xuất kinh doanh rất mơ hồ, thậm chí không tồn tại.
Vì vậy, khi làn gió cạnh tranh tự do và bình đẳng từ phương Tây thổi tới đã khiền cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế “sản xuất quyết định thị trường” đã nhanh chóng bị đảo ngược.
Song rõ ràng, khi tự do cạnh tranh thì sẽ có hai trường hợp xảy ra là “cá ăn kiến” và “kiến ăn cá” và từ đó sẽ tạo nên sự bất bình đẳng mà không phải “cá” lúc nào cũng có thể “ăn kiến”.
Điều đó có thể gây rối loạn cho nền kinh tế khi những thực thể kinh tế lớn, có ảnh hưởng quyết định đến sức mạnh kinh tế quốc gia có thể bị thiệt, thậm chí thua trên sân nhà bởi những thực thể kinh tế không lớn nhưng mạnh.
Và thế là chính phủ ra tay để bào vệ cho doanh nghiệp bản địa cũng là bảo vệ cho “nồi cơm” của mình.
Tác giả George Monbiot đã khẳng định: “Nỗ lực để hạn chế cạnh tranh được coi là kẻ thù của tự do. Thuế và quy định nên được giảm thiểu, dịch vụ công cộng cần được tư nhân hóa.
Bất bình đẳng cần phải được viết lại có đạo đức. Các thị trường phải đảm bảo rằng tất cả mọi người phải nhận được những gì họ xứng đáng được nhận”, theo The Guardian ngày 15/4.
Như vậy là các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng sẽ làm mất đi một trong hai yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp thể hiện sức mạnh – đó là giá cả.
Bị tước mất 50% sức mạnh thì làm sao có một thực thể kinh tế nào có thể chiến thắng và thế là chống bán phá giá đã tạo ra điều kiện cho cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí không lành mạnh trên thị trường.
Tóm lại, thuế chống bán phá giá mà Mỹ có thể áp với thép của Trung Quốc và Nhật Bản chẳng qua chỉ là bảo vệ thép của Mỹ, tạo ra một sân chơi không bình đẳng, ở đó việc cạnh tranh đã không còn bình đẳng – nguyên lý tồn tại của thị trường tự do mà nhiều người mơ ước.
Vì vậy, việc chưa có được quy chế thị trường tự do như kinh tế Việt Nam cũng chưa hẳn là điều bất lợi.