Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Việt Nam có muốn Nhật trở thành Đồng minh?

Liệu Việt Nam có muốn Nhật trở thành Đồng minh?

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Mi-ê, Nhật Bản từ ngày 26-28/5/2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Ngày 14/5/2016, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp và trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản như: Hãng Truyền hình NHK, Hãng thông tấn Kyodo News, Báo Nikkei, báo Yomiuri Shimbun, báo Asahi Shimbun, Hãng truyền hình TV Asahi …

 PV: Sắp tới Ngài sẽ có chuyến thăm làm việc Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, vậy Ngài có hy vọng gì vào Hội nghị lần này và xin Ngài cho biết những chủ đề chính sẽ thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến đi?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhận lời mời của Ngài Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, tôi sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản và sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Abe. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của tôi trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. 

Tôi rất vui mừng khi chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục phát triển rất tốt đẹp.

Chúng tôi hoan nghênh, đánh giá cao Nhật Bản và cá nhân Ngài Thủ tướng Shinzo Abe đã rất nỗ lực trong việc xây dựng Chương trình nghị sự và tổ chức Hội nghị G7 mở rộng phù hợp với các quan tâm chung của thế giới và khu vực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, căng thẳng địa – chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.

Việt Nam mong rằng, tại Hội nghị lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không… Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên.

Trong chuyến thăm, tôi sẽ cùng với Ngài Thủ tướng Shinzo Abe trao đổi về những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…

Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán về chính sách đối ngoại với Nhật Bản. Tôi mong rằng, kết quả chuyến đi sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PV: Chính phủ Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ với Nhật Bản. Là Thủ tướng mới, Ngài đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cho tới nay và muốn tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác như thế nào với Nhật Bản trong tương lai? Xin Ngài cho biết quan điểm về nguồn vốn ODA từ Nhật Bản?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 43 năm, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước tiến dài, phát triển vượt bậc, toàn diện và sâu sắc. Không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật Bản còn là bạn bè tin cậy, văn hóa tương đồng, lợi ích tương hợp và kinh tế tương hỗ, cùng đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Có thể nói, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay.

Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt trên 28 tỷ USD. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, với trên 3.000 dự án và tổng vốn đăng ký 39 tỷ USD. Hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng của Việt Nam. Hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân cũng hết sức sôi động. Năm 2015, gần 700 nghìn lượt người Nhật Bản đã đến thăm Việt Nam và gần 200 nghìn  người Việt Nam đến Nhật Bản. Có được sự phát triển vượt bậc này là nhờ tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo và sự ủng hộ to lớn của nhân dân hai nước, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng.

Việt Nam khẳng định đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán với Nhật Bản. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực vào củng cố hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực. Tập trung vào những hướng lớn sau:

Một là, triển khai Kế hoạch hành động đối với 06 ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó mong muốn Nhật Bản tích cực hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Hai là, thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư để đạt mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư như đã nêu trong Tuyên bố chung năm 2014, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA).

Việc Cộng đồng ASEAN thành lập vào năm 2015 cũng như việc Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia xây dựng các liên kết kinh tế khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh. Việt Nam đánh giá cao và mong muốn các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam, trong đó có những hình thức mới như hợp tác đối tác công tư (PPP).

Ba là, Việt Nam mong muốn Nhật Bản duy trì ODA ở mức cao, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, tái cơ cấu kinh tế và tăng trưởng bền vững. Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản triển khai Chương trình “đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” ở châu Á, một sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành đối tác ưu tiên của Nhật Bản trong chương trình này.

Bốn là, tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Đây là các lĩnh vực mà cả hai nước đều có nhu cầu và tiềm năng phát triển, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển bền vững.

Năm là, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam – một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Với quyết tâm đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực và sâu rộng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng một đất nước Việt Nam thân thiện, hòa bình, ổn định, có nền kinh tế phát triển năng động với những cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với chuẩn mực và cam kết quốc tế. Việt Nam là một người bạn chân thành, một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản – đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam.

PV: Năm nay, Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về việc này? Liệu chúng tôi có thể trông đợi Việt Nam sẽ có một chính sách tương tự như vậy trong tương lai hay không? Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Ngài muốn dồn sức cho vấn đề gì nhất? Và để thực hiện điều đó, Ngài sẽ thực hiện những chính sách cụ thể nào?  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Là những phóng viên thường trú tại Việt Nam, chắc các bạn đều có thể cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước chúng tôi. Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Bằng những biện pháp cải cách sâu sắc và toàn diện, quá trình đổi mới đã đem lại cho đất nước chúng tôi những thành tựu phát triển to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân đồng tình ủng hộ, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc, trong đó thay đổi lớn nhất chính là thế và lực của Việt Nam hiện nay.

Từ một quốc gia nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, trở thành một nền kinh tế năng động, đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình khoảng 7% trong giai đoạn 1991-2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, gấp 11,5 lần sau hơn 20 năm (đạt trên 2.100 USD năm 2015 so với mức 200 USD vào đầu những năm 1990). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh và cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước theo nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Văn hóa – xã hội có bước phát triển tích cực. Chính trị – xã hội ổn định. Quốc phòng an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu nêu trên là tiền đề quan trọng để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới trong thời gian tới, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian tới, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, gắn bó và phục vụ Nhân dân; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, bảo đảm công bằng, minh bạch; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

RELATED ARTICLES

Tin mới