Bắc Kinh lớn tiếng với các quốc gia và tổ chức thế giới họp bàn liên quan tới các động thái trên Biển Đông, vô hình chung tự đào rọ nhốt mình.
Hội nghị các nhóm G7 diễn ra tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Truyền thông Trung Quốc hôm 26/5 cảnh báo các nhà lãnh đạo nhóm G7 nhóm họp tại Nhật Bản không nên “xen vào” các tranh chấp hiện hữu trên Biển Đông.
Tờ Tân Hoa xã đăng bài khuyên G7 “nên lo việc của mình hơn là chỉ trỏ người khác” và cáo buộc Nhật Bản đang lợi dụng hội nghị để lôi kéo các đồng minh để cô lập Trung Quốc. Tác giả bài báo cho rằng việc thảo luận vấn đề Biển Đông vượt ngoài khả năng của G7 và phản ánh tư tưởng thời chiến tranh lạnh.
Phản ứng này từ phía Trung Quốc đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bô về các quan điểm phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp và hối thúc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế.Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bên lề hội nghị cho rằng G7 cần có lập trường “cứng rắn và rõ ràng” về tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Thủ tướng Anh David Cameron trước khi đến Nhật cũng nhấn mạnh Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực The Hague về vụ kiện của Philippines.
Trong khi đó, người phát ngôn Vương Nghị ngày 26/5 khi được hỏi rằng hội nghị G7 có phải là nơi thích hợp để bàn chuyện Biển Đông hay không đã trả lời rằng việc này tùy thuộc vào nhóm G7.
“Nhưng chúng tôi tin rằng dù chủ đề là gì, họ nên có quan điểm công bằng và vô tư, không áp dụng tiêu chuẩn kép và đặc biệt không nên có hành động khiêu khích hay làm tăng căng thẳng khu vực”, Reuters dẫn lời ông Vương.
Trước đó, ngày 24/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng chỉ trích Mỹ tại Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thông báo tuyên bố chung của hội nghị trên “ủng hộ lập trường của Trung Quốc về biển Đông”.
Cùng ngày, Bộ ngoại giao Trung Quốc thông báo nội dung cuộc gặp giữa Thứ trưởng ngoại giao nước này, ông Lưu Chấn Dân với giới truyền thông Mỹ
Trả lời câu hỏi của tạp chí Newsweek về việc “Trung Quốc có ‘lằn ranh đỏ’ ở biển Đông hay không”, ông Lưu tuyên bố giới hạn của Bắc Kinh là: “Các anh [Mỹ] không được hỗ trợ đồng minh của mình để chống lại Trung Quốc”.
Đề cập đến việc Philippines tích cực thúc đẩy tiến trình vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague, Lưu Chấn Dân gay gắt gọi đây “hoàn toàn là thủ đoạn chính trị mà một bên muốn ‘hạ nhục’ bên còn lại”.
Thứ trưởng Trung Quốc chỉ trích vụ kiện “sẽ trở thành án lệ xấu xí trong lịch sử luật pháp quốc tế”, “các âm mưu đằng sau sẽ bại lộ theo thời gian”.
Tờ báo Trung Quốc tỏ ra bất mãn và đe dọa Mỹ về viễn cảnh “nếu Bắc Kinh cũng quyết định bố trí phần lớn lực lượng hải quân và không quân tới vùng biển Caribbean”.
Hoàn Cầu cảnh cáo Washington khi giả thiết “tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển Caribbean tuần tra mỗi quý hai lần” và “kêu gọi các quốc gia vùng Caribbean đứng ra tranh giành lãnh thổ với Mỹ”.
Truyền thông lớn giọng và những thách thức thực sự
Gần đây, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã liên tục cho các Đại sứ của mình ra mặt để “cướp tiếng nói” trên trường quốc tế về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh sau khi đăng tải bài viết “Ai tạo ra tình hình căng thẳng ở biển Đông?” đăng trên tờ Financial Times, đã tiếp tục tổ chức buổi diễn thuyết tại Sở nghiên cứu chiến lược quốc tế London với chủ đề “Trung Quốc là sức mạnh kiên định gìn giữ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Đại sứ tại Maldives Vương Phúc Khang đăng bài viết “Sự thật về vụ kiện biển Đông” trên báo chí nước này. Đại sứ Trung Quốc tại Romania Từ Phi Hồng gửi bài “Bạn có hiểu về biển Đông?” trên tờ Chân lý, một báo lớn của Romania.
Đại sứ Trung Quốc tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Thường Hoa tung bài “Vụ kiện biển Đông của Philippines vi phạm pháp lý quốc tế”, đăng trên tờ Khaleej Times.
Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng truyền thông và khẳng định thế mạnh ở Biển Đông được dự báo sẽ thúc đẩy “bộ tứ” tại Châu Á- Thái Bình Dương hình thành và chống lại Bắc Kinh.
Viết bài phản đối quyết định của Tòa án Quốc tế về động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Trang The Christian Science Monitor của Mỹ cho biết, biện pháp Mỹ áp dụng để bảo vệ lợi ích của nước này tại Đông Á trong vài chục năm qua là củng cố hàng loạt mối quan hệ song phương.
Đầu tiên là “quan hệ tam giác”. Kể từ năm 2015, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã triển khai các cuộc đối thoại cấp cao về mọi vấn đề trên biển. Tuy nhiên, các diễn biến này chưa cho thấy hiệu quả bởi Bắc Kinh gần như không có dấu hiệu “nhượng bộ” Mỹ và đồng minh ở châu Á.
Nếu Trung Quốc giữ lập trường cứng rắn “không thừa nhận, không tham dự, không chấp hành” khi đối diện với phán quyết của PCA, nhiều khả năng tổ hợp “bộ tứ” (Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ) đối đầu Bắc Kinh sẽ hình thành.
John Rennie Short, Giáo sư Trường chính sách công, Đại học Maryland (Mỹ) nhận định, mâu thuẫn Mỹ-Trung vốn có thể được xử lý ổn thỏa bởi lợi ích kinh tế của hai nước trên toàn cầu tương đồng ở nhiều phương diện.
“Nhưng hiện nay điều đáng ngại nhất là các ‘sự cố nhỏ’ ở biển Đông bị mất kiểm soát và diễn biến thành xung đột, kéo theo sự tham gia của nhiều bên,” ông Short cho biết.