Sự chuyển giao quyền lực ở một số quốc gia trong khu vực Biển Đông như Philippines, Đài Loan đã thu hút sự quan tâm không chỉ của truyền thông và dư luận trong khu vực mà còn của quốc tế. Chính sách, quan điểm và lập trường của các nước này dưới chính quyền các lãnh đạo mới chắc chắn sẽ có ít nhiều thay đổi, theo đó, tình hình Biển Đông cũng sẽ chứa đựng không ít những yếu tố biến đông và khả năng bất ổn mới. Ngoài thực địa, các hoạt động quân sự của các nước trên các vùng biển tranh chấp lại diễn ra với quy mô, mức độ và tần suất lớn hơn, dày đặc hơn…
Bãi cạn Scarborough.
Tin tức đáng chú ý nhất trong tuần qua đó là Philippines đã chính thức từ chối lời mời mang tính “giăng bẫy” của Tổng thống sắp mãn nhiệm của Đài Loan Mã Anh Cửu, theo tạp chí Focus Taiwan ngày 13/5. Cụ thể, ông Mã đã gửi lời mời từ tháng 3 đến Philippines, đề nghị nước này gửi các đại diện hoặc luật sư đến Ba Bình để trực tiếp tự xác định Ba Bình là một đảo hay đá theo luật quốc tế. Tuy nhiên, phía Philippines đã từ chối lời mời trên bởi nước này vẫn giữ nguyên lập trường, yêu cầu Tòa xác định các cấu trúc Trung Quốc yêu sách là đá, có lãnh hải rộng không quá 12 hải lý hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm, không thể là đảo. Có thể thấy rằng lời mời này của ông Mã nằm trong những nỗ lực gần đây nhằm khẳng định quy chế đảo cho Ba Bình. Trước đó vài tháng, Đài Loan đã sắp xếp đưa một nhóm đại diện các hãng truyền thông quốc tế và chuyên gia đến thăm địa điểm này. Ngoài ra, ông Mã cũng mời 05 trọng tài viên của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan cảnh báo, Tòa Trọng tài không nên đưa ra Phán quyết về quy chế pháp lý của Ba Bình nếu Tòa không đáp lại lời mời của Đài Loan. Trong một diễn biến có liên quan, trong một bức thư gửi đến Tạp chí Phố Wall của Mỹ ngày 16/5, Tổng thống Mã Anh Cửu khẳng định một lần nữa về việc Ba Bình có đầy đủ quy chế pháp lý của một đảo, có thể yêu sách vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, kêu gọi Tòa không ra Phán quyết nhằm “phủ nhận quy chế pháp lý đúng của đảo Ba Bình là một đảo đúng nghĩa”.
Cũng liên quan đến tình hình Đài Loan và Biển Đông, bài bình luận của tác giả Chung Cheh trên Tạp chí The Diplomat ngày 18/5 nhận định, Tổng thống mới đắc cử Thái Anh Văn dường như đang phải đảm nhiệm hai nhiệm vụ khá khó khăn trong việc đưa ra quyết định về vấn đề yêu sách chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình trên Biển Đông: đó là có nên tiếp tục chính sách của ông Mã Anh Cửu hay không và có nên thay đổi các tuyên bố đối với yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông hay không? Trước đó, đáp lại “yêu cầu” của ông Mã đối với bà và đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà là sẽ không có thay đổi nào đối với lập trường của Đài Loan ở Biển Đông, bà Thái đã đề nghị ông Mã không “phán xét sai” quan điểm của DPP mà không đưa ra lời giải thích. Điều này cho thấy vấn đề Biển Đông đối với Đài Loan thực sự phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi bà phải cân nhắc rất thận trọng về các hậu quả có thể xảy ra. Ông Chung Cheh cho biết dù chưa rõ bà Thái có điều chỉnh lập trường đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông hay không, nhất là sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết, nhưng chắc chắn chính quyền của bà Thái sẽ phải đối mặt với nhiều lo ngại, thậm chí là áp lực từ tất cả các quốc gia có lợi ích liên quan. Việc thay đổi lập trường của Đài Loan có thể sẽ khiến các quan chức Mỹ thất vọng, trái lại, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ có lập trường cứng rắn và quyết đoán hơn nếu các yêu sách chủ quyền của nước này bị thách thức đáng kể. Không khó để nhớ lại rằng, trước đây Trung Quốc đã áp dụng “chính sách ngoại giao cưỡng ép” trong khủng hoảng “quốc hữu hóa” đảo Senkaku hồi tháng 7/2012.
Tổng thống mới của Đài Loan Thái Anh Văn trước khi nhậm chức chính thức trong tuần này đã đưa ra kế hoạch quốc phòng tham vọng nhất từ trước đến nay của Đài Loan nhằm phát triển năng lực chiến đấu cân xứng và xây dựng Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian ảo hiện đại đủ khả năng bảo vệ các vùng nước và vùng trời phòng khi có sự tấn công từ lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã từng có báo cáo rằng Trung Quốc đang sắp đạt đến khả năng giành lại hoàn toàn Đài Loan vào năm 2020 bất chấp sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Đài Loan. Hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận thường kỳ ở bờ Tây Nam của Đại lục (tiếp giáp với Đài Loan) nhằm có những phản ứng răng đe kịp thời đối với bà Thái Anh Văn, nhưng dường như cho đến thời điểm hiện nay những nỗ lực này vẫn chưa thể hiện bất cứ tác động nào đối với bà Thái.
Trước kết quả bầu cử Tổng thống mới ở Philippines, Tạp chí Hoàn cầu ngày 18/5 đã có ý mỉa mai khi nhận định rằng tư tưởng dân tộc và chủ nghĩa thực dụng của ông Duterte sẽ định hình lại quan hệ của Philippines với Mỹ và Trung Quốc. Một “Donald Trump của Philippines” sẽ khiến Mỹ lo ngại nhiều hơn bởi những phát biểu đầy khiêu khích và thẳng thắn quá mức của ông này, nhưng bên cạnh đó cũng giúp thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trên khía cạnh thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo này tấn công thẳng vào quan hệ “không mấy gắn bó” giữa ông Duterte và Mỹ cũng như Úc, vào những phát biểu của ông Duterte nhằm công kích chính quyền Aquino, thay đổi cách nhìn đối với đề xuất đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; mặt khác lại lèo lái một cách trắng trợn để dư luận ủng hộ quan niệm rằng chủ nghĩa thực dụng của ông Duterte có thể giúp thu hút đầu tư từ Trung Quốc mà vẫn có thể tiếp tục đảm bảo quan hệ đồng minh với Mỹ về mặt bảo trợ an ninh. Tuy vậy, kỳ vọng về quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền mới của Philippines với Trung Quốc vẫn “bị” nước này đặt trên bàn cân cùng với khả năng tạo dựng một lập trường chung về vấn đề Biển Đông của hai nước, trước mắt là về Phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông.
Trong khi đó, tại Philippines, người đứng đầu mới với phong cách đầy kỳ lạ Rodrigo Duterte tiếp tục có những phát biểu liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông “gây sốc” và “khó hiểu” cho báo giới và dư luận quốc tế, trong khi mọi sự quan tâm đang được đặt vào việc ông này sẽ có lập trường và chính sách như thế nào sau khi tiếp nối chính quyền của ông Aquino. Mới đây, ngày 16/5, trang Philippines News đã đưa tin về câu hỏi đầy khó hiểu của ông Duterte tại một cuộc họp báo, về thắc mắc đặt ra đối với việc trong quá khứ Philippines đã “đánh mất” bãi cạn Scarborough như thế nào, và Trung Quốc đã có thể kiểm soát bãi cạn Scarborough ra sao, đồng thời tỏ ý sẽ không để yên việc ngư dân của nước này không thể đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) khiến nguồn sống của họ đã bị mất đi. Vào tối Chủ nhật trước đó, ông Duterte đã nói với phóng viên rằng ông sẽ có các cuộc hội đàm song phương với Trung Quốc, và sẽ khẳng định lại rằng Bãi cạn Scarborough nằm trên vùng EEZ của Philippines. Câu hỏi được đặt ra dành cho Thượng Nghị sĩ Antonio Trillanes và các cuộc đàm phán bí mật với Trung Quốc dưới thời ông Aquino. Trước câu hỏi của ông Duterte, Thượng Nghị sĩ Trillanes ngay lập tức đã tỏ ra vô cùng giận dữ, đồng thời cảnh báo ông Duterte có thể sẽ phải đối diện với những chỉ trích về cáo buộc đầy nguy hiểm của mình khi cho rằng Philippines “đã đánh mất bãi cạn Scarborough ở vùng biển Tây Philippines đang có tranh chấp” và dường như có ý là “muốn trao cho Trung Quốc quyền chiếm đóng khu vực này”. Ông Trillanes phủ nhận hoàn toàn và cho rằng cáo buộc của ông Duterte là không đúng sự thật, vô căn cứ, khẳng định nhiệm vụ “duy nhất” của ông trong các cuộc đàm phán bí mật chỉ là “xoa dịu căng thẳng” giữa Philippines và Trung Quốc, chứ không giải quyết các yêu sách chủ quyền của hai bên. Ông còn lưu ý rằng tại các cuộc điều trần ngày 20/10/2013, 7/5/2015, các quan chức An ninh và Quốc phòng của Philippines đã khẳng định rõ ràng rằng người Philippines vẫn là chủ nhân của bãi cạn Scarborouh. Ông chân thành khuyến nghị ông Duterte cần có cuộc họp báo với các quan chức an ninh để hiểu rõ hơn về các cuộc đàm phán bí mật và bày tỏ mong đợi rằng chính quyền mới của ông Duterte có thể giải quyết được tranh chấp ở điểm nóng của khu vực. Chính quyền hiện tại của Philippines cũng có phản ứng tương tự, đồng thời đưa ra lời khuyên cho Tổng thống mới đắc cử cần “tiếp nhận một cách đầy đủ và chính xác hơn những thông tin liên quan đến vấn đề lợi ích quốc gia”.
Cuộc hội kiến đầu tiên với các đại diện nước ngoài cũng nằm trong tâm điểm chú ý của tin tức trong tuần. Trong đó, những điểm đáng chú ý nhất là việc ông Rodrigo Duterte đã bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Obama về việc duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng cảnh báo trước rằng vẫn sẽ cùng Trung Quốc tiến hành các cuộc đối thoại song phương để giải quyết tranh chấp. Theo GMA News Online cho biết, sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Obama, ông Duterte một lần nữa tái khẳng định về những lo ngại của mình về cam kết của Mỹ dành cho Philippines nếu một cuộc xung đột với Trung Quốc nổ ra. Năm ngoái, Duterte cũng cho biết Mỹ sẽ không bao giờ lấy Philippines ra làm bình phong để gây ra chiến tranh ở Biển Đông. Khi đó, ông này cũng nhấn mạnh sẽ không có thái độ “mềm mỏng” với Trung Quốc và dễ dãi đối với việc khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Duterte vẫn kiên quyết rằng sự có mặt của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là “bất hợp pháp, dù họ có muốn tin hay không”.
Mặc dù vẫn chưa có nhiều thông tin về chính sách ngoại giao của ông Duterte, nhưng nếu khả năng về việc quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc được cải thiện xảy ra, thì điều này có thểsẽ ảnh hưởng đến cân bằng lực lượng giữa Trung Quốc và các nước đang tranh chấp về vấn đề Biển Đông.Tại cuộc gặp ngày 16/5 của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua với Tổng thống mới của Philippines tại thành phố Davao, Trung Quốc bày tỏ sự kỳ vọng lớn đối với quan hệ song phương giữa hai nước dưới chính quyền của ông Duterte bởi trước đó, ông Duterte đã nói với tổng thống Mỹ rằng ông đã mở ra khả năng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc trong trường hợp những nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông không có hiệu quả. Trong buổi tiếp, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã nhấn mạnh rằng “hai nước cần xử lý phù hợp những khác biệt, tăng cường quan hệ truyền thống hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi”.Trả lời câu hỏi của nhà báo tại thành phố Davao, nguyện vọng của tân Tổng thống là xây dựng mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc hơn thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, ông Rodrigo Duterte cho rằng “Quan hệ tốt không thể thiếu bạn được, tôi mong muốn có hữu nghị với tất cả mọi người”. Quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines đã giảm sút đi nhiều trong giai đoạn 6 năm thuộc nhiệm kỳ Tổng thống Benigno Aquino, mà phần nhiều nguyên nhân có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.
Trong khi đó, ở ngoài khơi, một nhóm Cảnh sát biển và Cục ngư nghiệp và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) đã bắt được hai tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động không có giấy phép tại vùng biển giữa đảo Babuyan và tỉnh Batanes ở phía Bắc Philippines bị nghi là đánh bắt cá trộm, theo Reuters ngày 17/5. Tuy nhiên, vùng biển mà hai tàu cá này bị bắt không nằm trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Hai chiếc tàu cá Trung Quốc treo cờ Philippines bị lộn ngược khi bị bắt giữ. Các nhà chức trách Philippines đã thu giữ những tài liệu trên tàu cá và cho thấy những tàu này được đăng ký tại Trung Quốc và ngư dân trên tàu không thể đưa ra giấy phép đi vào vùng biển Philippines đánh cá, mặc dù họ nói chỉ đi ngang qua. Cục trưởng BFAR Asis Petrez cho biết dựa trên luật pháp hiện hành, cả hai tàu đánh cá nước ngoài treo cờ Philippines đã dẫn đến cơ sở nhận định là những tàu cá này đang tham gia việc đánh bắt cá trộm. Động thái này được đánh giá là có thể sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Trung Quốc – Philippines vốn đang căng thẳng. Tuy nhiên Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phủi tay cho rằng ông không hề có thông tin nào về vụ việc này và cần có thêm xác minh cụ thể.
Tuần qua, Trung Quốc và Mỹ lại xảy ra va chạm trên Biển Đông. NBC News dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết máy bay do thám của Mỹ mang số hiệu U.S EP – 3 Aries khi đang thực hiện hoạt động tuần tra thường xuyên ở Biển Đông đã bị hai chiến đấu cơ J – 11 của Trung Quốc ngăn chặn, áp sát ở cự ly gần đến mức “nguy hiểm”, chỉ 50 feet, buộc phi công của Mỹ phải hạ thấp máy bay đi vài trăm feet. Vụ việc xảy ra ở vùng biển phía Nam Hồng Kông, trong khi đó Hồng Kông chỉ cách đảo Hải Nam – cửa ngõ đi ra Biển Đông và là nơi tập trung nhiều căn cứ hải quân và căn cứ ngầm – chưa đến 500 km. Hai máy bay của Trung Quốc được cho là xuất phát từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã được bố trí trước trên đảo từ tháng 11/2015. Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi ngày 10/5, Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động mới ở Biển Đông ở gần Đá Chữ Thập thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Theo The Diplomat ngày 19/5, dù các vụ đụng độ giữa các phương tiện bay của Trung Quốc và Mỹ vẫn thường xuyên xảy ra trên Biển Đông, đây cũng không phải là lần đầu tiên các chiến đấu cơ của Trung Quốc ngăn chặn máy bay do thám của Mỹ; gần đây nhất là hai vụ đụng độ xảy ra vào tháng 8/2014 và tháng 9/2015 với những cách thức không đổi, song vụ lần này đặc biệt đáng chú ý bởi nó “không an toàn”, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Murphy nhận định vụ đụng độ này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của dư luận bởi nhiều khả năng sẽ là động thái gây phức tạp thêm tình hình, cho thấy Trung Quốc đang ráo riết mở rộng sự hiện diện quân sự ra phạm vi lớn hơn trên các vùng biển bao quanh Đại lục. Trong vụ đụng độ mới xảy ra, các phi công của Trung Quốc có liên quan đã bị đánh giá hành xử thiếu chuyên nghiệp, vi phạm các quy tắc được nêu trong Biên bản ghi nhớ điều chỉnh “các vụ va chạm trên biển và trên không” giữa quân đội hai nước. Theo Người Phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Jeff Davis cho biết, cho đến nay, Mỹ đã nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho lực lượng hoạt động của hai nước bằng các cuộc đối thoại được cải thiện ở nhiều cấp, theo Hiệp định về tham vấn hàng hải quân sự và các biện pháp xây dựng lòng tin song phương, giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao và quân sự, và cũng nhận thấy những tiến triển từ phía Trung Quốc trong việc tiến hành các chuyến bay an toàn và chuyên nghiệp. Đặc biệt là khi hai nước đã nhất trí thông qua Bộ Quy tắc về Va chạm trên biển (CUES) giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược cáo buộc Lầu Năm Góc “cố tình xuyên tạc” sự thật và “làm tổn hại đến lòng tin chung giữa hai nước” và yêu cầu chấm dứt các hành động ở cự li gần như vậy. Thời báo Hoàn Cầu đã lớn tiếng chỉ trích Mỹ, đòi hỏi nước này đánh giá lại hoạt động của mình để không tiếp tục “tái phạm” ở những khu vực tương tự, đồng thời phản đối một cách thái quá về “thứ trật tự pháp lý trên biển độc đoán dựa trên cách diễn giải luật quốc tế của Mỹ”. Không chỉ dừng ở đó, một tờ báo chính thống của Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo ngày 21/5 đăng tải bài viết “Các chuyên gia quân sự: Các cuộc tuần tra trên Biển Đông nên được tiến hành thường xuyên”, trích dẫn lời chuyên gia quân sự Liang Fang của Trung Quốc rằng nước này cần thiết kế các cuộc tuần tra thường xuyên trên Biển Đông để đối phó với các máy bay do thám quân sự của Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc. Ông Liang cũng “thẳng thắn” bày tỏ quan điểm, rằng Mỹ xem Biển Đông như một phần của chiến lược tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như nỗ lực lôi kéo các nước khác chống lại Trung Quốc, mặt khác tiến hành quân sự hóa ở khu vực, do đó đề xuất của các cuộc tuần tra là nhằm đối với với những hành động như thế của Mỹ và bảo vệ khu vực “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Đây có thể vừa là lời cảnh báo của phía Mỹ vừa là bước dọn đường dư luận để Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong thời gian tới, xét về tính chất của tờ báo này.
Trung Quốc luôn lớn tiếng phản đối và cáo buộc hành động của Mỹ ở Biển Đông là quân sự hóa và đòi hỏi Mỹ phải đưa các tàu chiến và máy bay quân sự ra khỏi khu vực Trung Quốc kiểm soát, song dường như Trung Quốc mới là bên khiến dư luận quốc tế thực sự lo ngại vì thái độ quyết đoán, không từ bỏ các hoạt động quân sự hóa của mình. Mới đây, Reuters dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang dự định sẽ bổ sung vào hệ thống quân sự trọng yếu trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tiến hành cải tạo; đồng thời cũng bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng các cấu trúc được cải tạo làm căn cứ dân sự – quân sự nhằm mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông một cách đáng kể.
Không chỉ tăng cường ở lĩnh vực tuyên truyền, Trung Quốc đang mở chiến dịch ngoại giao ồ ạt nhằm đối phó với phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông. Reuters ngày 20/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã mạnh miệng khẳng định rằng đã có hơn 40 quốc gia đưa ra tuyên bố hoặc thông qua mọi con đường để bày tỏ lập trường, ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mới đây là Burundi, Slovenia, Niger và Mozambique. Tuy nhiên, điều này khiến chúng ta nhớ lại Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về sự ủng hộ của một số nước song đã gặp phải sự phản ứng từ chính các quốc gia này do sự dối trá của Trung Quốc, điển hình là phản ứng của Fiji và Cam – pu – chia.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và lên án Trung Quốc. Theo thông tin tạp chí The Japan Times cho biết, một quan chức của Nhật Bản đã khẳng định rằng Thủ tướng Abe đang đứng ra vận động các lãnh đạo các nước G7 nhằm “đạt được đồng thuận” về các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cũng liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trên thực địa, mới đây Bắc Kinh đã vô cùng phẫn nộ bởi bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội ngày 13/5 về các hoạt động an ninh và quân sự của Trung Quốc, trong đó khẳng định Trung Quốc đã mở rộng ra thêm gần 1.300 héc – ta đất đá trên các cấu trúc ở Trường Sa chỉ trong vòng 2 năm. Báo cáo cũng cho biết bốn sân bay ở Biển Đông mà Trung Quốc xây dựng trái pháp “đã có đường băng đủ rộng để hỗ trợ bất kỳ máy bay nào của Trung Quốc”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân đã lớn tiếng phản đối quyết liệt và bày tỏ bất bình mạnh mẽ đối với báo cáo của Mỹ, cho biết Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chính sách phòng thủ, việc tăng cường các loại vũ khí là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước này. Ông còn chỉ trích gay gắt báo cáo đã “gây tổn hại nghiêm trọng” lòng tin giữa quân đội hai nước bằng sự “cố tình xuyên tạc chính sách quốc phòng của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cũng đã có phản đối tương tự, cho rằng báo cáo “hoàn toàn mang nặng định kiến chống lại Trung Quốc”.
Trong tuần vừa qua, Ấn Độ cũng đã có những động thái mới liên quan đến khu vực. Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành đối thoại an ninh lần đầu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hải quân của hai nước. Đồng thời, nhằm củng cố cho các lợi ích liên quan ở Biển Đông, thể hiện mục tiêu hoạt động và cam kết của Ấn Độ đối với Chính sách “Hướng Đông”, Ấn Độ đã triển khai 4 tàu từ Hạm đội phía Đông thực hiện chuyến hải trình kéo dài hai tháng rưỡi qua Biển Đông và khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương. Hạm đội này còn thực hiện các cuộc diễn tập đội hình (PASSEX) với hải quân các nước nhằm thực hiện hợp tác và “giương ngọn cờ” trong khu vực “có vị trí chiến lược tối quan trọng với Ấn Độ”, theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Hạm đội Phía Đông của Hải quân Ấn Độ, một trong ba hạm đội lớn nhất của Ấn Độ được phân bố khắp các căn cứ tại bờ Đông Ấn Độ.