Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngThủ tướng Shinzo Abe "tấn công" chiến lược trọng yếu của ông...

Thủ tướng Shinzo Abe “tấn công” chiến lược trọng yếu của ông Tập

Trong khuôn khổ và bên lề hội nghị G7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước đang nằm trên “bản đồ chiến lược” của Trung Quốc.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tổ chức hội đàm với Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena vào ngày 28/5, đạt được nhất trí quan trọng trong lĩnh vực biển và hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2015, ông Sirisena đã có sự điều chỉnh lớn đối với chính sách ngoại giao “thân Trung Quốc” của người tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa nhằm cải thiện tình trạng tham nhũng và kinh tế đình đốn.

Chính quyền mới của Sri Lanka đã xích lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản. Chuyến thăm Nhật vừa qua của Tổng thống Sirisena là minh chứng cho điều này.

Trong hội đàm thượng đỉnh, Thủ tướng Abe đã cam kết cung cấp 2 tàu tuần tra cho Sri Lanka trước cuối năm 2017, đồng thời nhận lời phê duyệt khoản vay khoảng 345 triệu USD cho Sri Lanka để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tải điện, cấp nước.

Thủ tướng Shinzo Abe tấn công chiến lược trọng yếu của ông Tập - Ảnh 1.

Cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Sri Lanka ngày 28/5. (Ảnh: president.gov.lk)

Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc bị Nhật cản bước?

Theo Nikkei, Sri Lanka là một “điểm tựa” đối với Trung Quốc trong chiến lược “một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, cũng như mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương.

Do đó, Bắc Kinh hết sức chú trọng phát triển quan hệ hợp tác về kinh tế và ngoại giao với nước này.

Tuy nhiên, dự án xây dựng cảng Colombo ở Sri Lanka do nhà thầu Trung Quốc phụ trách đang bị chính phủ của ông Sirisena đóng băng do nghi vấn đơn vị này dính líu đến hành vi tham nhũng trong quá trình đấu thầu.

Hiện nay, các dự án xây dựng do Trung Quốc đầu tư có mặt ở khắp nơi trên đất nước Sri Lanka, biến Bắc Kinh thành một “thế lực lớn” có tiếng nói đáng kể trong môi trường phát triển kinh tế và dân sinh tại quốc gia này.

Việc đóng băng dự án của Trung Quốc cũng đẩy chính phủ Sirisena đối diện với áp lực không nhỏ từ người dân trong nước.

Trước sức ép thoát khỏi “quyền lực mềm” của Bắc Kinh, cùng với thái độ đối lập rõ rệt của Washington và Tokyo với phe thân Trung Quốc ở Sri Lanka, Tổng thống Sirisena đã đặt quan hệ hợp tác với Mỹ-Nhật là lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Nikkei đánh giá, Nội các của ông Shinzo Abe đã nắm bắt cơ hộ này và thuận lợi xâm nhập vào công cuộc quy hoạch phát triển lâu dài của Sri Lanka, từng bước tạo thành đối trọng với Trung Quốc tại đây.

Bên cạnh nguyên thủ Sri Lanka, Thủ tướng Nhật Bản còn tiếp lãnh đạo Cộng hòa Tchad và một số nước châu Phi khác, vốn cũng đang là những “địa bàn đầu tư” chủ yếu của Bắc Kinh; thảo luận về hợp tác xây dựng đường sá, thủy lợi, phát triển lĩnh vực y tế, thực phẩm…

Trước đó, hồi đầu tháng 5, Ngoại trưởng Nhật Kishida Fumio cũng có chuyến công du quan trọng tới Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam để thắt chặt mối quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế.

Tại Thái Lan, nhà thầu Trung Quốc thậm chí đã thất bại trước chính đối thủ Nhật Bản trong cuộc đua giành dự án xây dựng hệ thống tàu cao tốc, một điều hiếm thấy khi Bắc Kinh luôn tự hào với gói thầu “chất lượng cao, giá thành thấp” của mình.

Nikkei cho hay, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Chính phủ Nhật là “công kích” Trung Quốc về vấn đề chính sách biển ở phạm vi rộng hơn, không bó hẹp ở phạm vi các hội nghị quốc tế nữa.

Tokyo cần gia tăng các biện pháp đang cho thấy hiệu quả như phát triển quan hệ song phương với các nước đang là mục tiêu trên bản đồ “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, kìm hãm mục tiêu xây dựng hình ảnh một “siêu cường” trong xã hội quốc tế của Bắc Kinh.

Trung-Nhật “xung khắc” ngay ở các hội nghị quốc tế

Ngày 26/5, khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Ise-shima, Nhật Bản, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã rầm rộ tiến hành lễ họp báo nhằm tuyên truyền cho hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra ở Hàng Châu vào tháng 9 tới.

Động thái này được cho là “nhằm vào Nhật Bản”, bởi ngay cả với những sự kiện lớn như hội nghị thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh cũng chỉ họp báo trước… 1-2 tuần.

Trung Quốc được cho là đang cố gắng dùng G20 để tẩy chay G7, trong bối cảnh các lãnh đạo G7 có xu hướng chỉ trích (không đích danh) Bắc Kinh nhiều hơn về vấn đề biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới