Hải quân Indonesia vừa bắt giữ 1 tàu cá và 8 thuyền viên Trung Quốc nghi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Tàu khu trục Oswald Siahaan 354 của Hải quân Indonesia
Phát ngôn viên Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, ông Budi Amin, nói với tờ The Straits Times (Singapore) rằng, tàu cá Trung Quốc tên gọi Gui Bei Yu 27088 đã bị một tàu khu trục nhỏ Oswald Siahaan 354 của Indonesia phát hiện và chặn bắt ngày 27/5 khi nó đang ở vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Ông Budi Amin khẳng định tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt cá trái phép trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Indonesia.
“Chúng tôi nghi ngờ tàu Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng biển của chúng tôi vì có rất nhiều cá tươi trên tàu. Đây là những loại cá sống ở vùng nước của Indonesia” – ông Amin cho biết.
Cũng theo phát ngôn viên Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, do động cơ tàu bị trục trặc Hải quân Indonesia phải kéo nó đến cảng ở quần đảo Natuna. 8 thuyền viên Trung Quốc đã bị bắt và đang bị thẩm vấn.
Truyền thông Indonesia còn dẫn lời Thiếu tá Josdy Damopoli, phát ngôn viên của Căn cứ Hải quân thứ 4 (Fourth Naval Base) ở Tanjung Pinang, quần đảo Riaus của Indonesia cho biết, cảnh sát biển Trung Quốc còn đứng cạnh khi Hải quân Indonesia lên tàu cá Gui Bei Yu 27088 và bắt giữ các thuyền viên.
Trong thông cáo báo chí hôm 29/5, quân đội Indonesia cho hay, vụ bắt tàu cá Trung Quốc là một thắng lợi sau khi Tư lệnh Gatot Nurmantyo yêu cầu gia tăng giám sát ở các khu vực biên giới, bao gồm cả Biển Đông.
Đây cũng là lời “cảnh báo đến quốc tế” rằng Indonesia sẽ có hành động cứng rắn chống lại bất cứ tàu thuyền nào vi phạm luật pháp của Jakarta.
Trước đó, hôm 22/4, Hải quân Indonesia đã bắt tàu cá Trung Quốc Hua Li 8 hoạt động trái phép trong vùng biển nước này ở Belawan, tỉnh Bắc Sumatra. Con tàu này lúc đó bị Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại Argentina truy nã về tội xâm phạm lãnh hải.
Ngoài ra, vào ngày 19/3, lực lượng chức năng Indonesia đã bắt giữ 1 tàu cá Trung Quốc ngoài khơi đảo Natuna vì đánh bắt cá trộm trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Tây Kalimantan. Tuy nhiên, 1 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã can thiệp đưa tàu cá này đi,
Vụ việc khiến Jakarta rất bất bình và yêu cầu triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia để giải thích vụ việc tại sao Bắc Kinh nói rằng đường chín đoạn của họ không bao gồm Natuna thì tại sao vẫn xảy ra việc đánh bắt trái phép ở đó. Còn Bắc Kinh thì cáo buộc Jakarta tấn công tàu Trung Quốc hoạt động “hợp pháp” trên “ngư trường truyền thống” của nước này. Sau đó, sự việc đã được dàn xếp và ghi tắt là “sự hiểu lầm” giữa hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đó đã nói rằng chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia và rằng Trung Quốc đã không phản đối những tuyên bố này.