Biển Đông đang được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc từ các quốc gia yêu sách, nhưng nó không thể được giải quyết bằng tư duy “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, ảnh: Nikkei Asian Review.
Nikkei Asian Review ngày 30/5 đưa tin, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nhận định trong một bài phát biểu hôm nay tại Tokyo rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á và nơi điều này phản ánh rõ nhất chính là Biển Đông.
Các tranh chấp trên Biển Đông đang được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc từ các quốc gia yêu sách, nhưng nó không thể được giải quyết bằng tư duy “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Nikkei tổ chức hội thảo quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo trong 2 ngày 30/5 và 31/5, ông Goh Chok Tong là một khách mời của hội thảo.
Xung quanh hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) trên Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng đường băng và cầu cảng lẫn việc triển khai vũ khí khí tài quân sự, ông Goh Chok Tong cảnh báo, hậu quả của nó có thể là Biển Đông bị quân sự hóa hơn nữa.
Theo cựu Thủ tướng Singapore, ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị làm mờ, sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc sẽ làm tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Ông nhắc lại tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Giữ gìn sự toàn vẹ của luật pháp quốc tế và các thỏa thuận quốc tế bao gồm UNCLOS, là việc có ý nghĩa sống còn với Singapore, chứ không phải bất kỳ hành vi nào làm suy yếu luật pháp quốc tế”, ông Goh Chok Tong lưu ý.
Trong bức tranh lớn hơn, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cho hay, Mỹ vẫn là lực lượng toàn cầu có ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai gần, trong khi Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại lớn, buộc các quốc gia trong khu vực phải hiệu chính chính sách.
“Sự cạnh tranh giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi, nhưng không một nước nào muốn mình phải lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hay Hoa Kỳ”, ông Goh Chok Tong nói.
Ổn định ở khu vực châu Á đang phải đối mặ với những thách thức mới, và phụ thuộc khá nhiều vào quan hệ Trung – Mỹ. Tuy nhiên khu vực cũng đủ lớn cho tất cả các nước lớn bao gồm Nhật Bản, cùng tồn tại và phát triển trong hòa bình, giải quyết các vấn đề một cách xây dựng mà không làm leo thang căng thẳng.