Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Gánh vàng đổ ra biển”?

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Gánh vàng đổ ra biển”?

Ngoài rào cản khách quan, nhiều chuyên gia lo ngại ngành thủy sản Việt Nam có tình trạng tự gây khó mình khi không giữ chất lượng, thương hiệu…

Xuất khẩu thủy sản còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: KT)

Trong chuỗi sự kiện hội thảo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) vừa tổ chức, đề cập đến tương lai ngành thủy sản, ngoài những rào cản khách quan, nhiều chuyên gia còn lo ngại tình trạng người Việt tự gây khó mình trên thị trường thế giới.

Thiếu liên kết…

Thông tin tại hội thảo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 6,7 tỷ USD năm 2015 nhưng ngành thủy sản vẫn phụ thuộc 70 – 80% thức ăn chăn nuôi của nước ngoài. Hơn nữa, ngay như ngành hàng cá tra, cá ba sa, Việt Nam được đánh già là một mình một thị trường, sản xuất rất lớn, lẽ ra có thể chủ động quyết giá nhưng thực tế không làm được. Thậm chí, có tình trạng giá giảm đế mức người nuôi bỏ ao.

Bình luận về thực trạng này, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu sự liên kết giữa những người chế biến thủy sản ở nước ta và thiếu tính cộng đồng trong hoạt động xuất khẩu. Ông Thắng đánh giá rằng, việc liên kết giữa những nhà chế biến với nhau hiện rất kém. Trong khi ông cha ta nói “buôn có bạn, bán có phường”, nhưng thực tế ngành thủy sản chưa làm được như thế. “Nếu không xây dựng những nhóm như thế này thì giá cá tra còn xuống nữa.

Cùng chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, kể chuyện thực: “Chúng ta đã có lúc đưa ra quy định giá sàn nhưng lại thối lại cho khách hàng 20 cent, 30 cent. Họ nói mua cá Việt Nam rẻ nhưng chưa bao giờ có lời tại vì vừa mua giá 4 USD nhưng đang đi nửa đường đã có người bán 3,8 USD, hình thành thị trường 3,5 USD. Chính vì thế mới dẫn đến cá bị giảm giá nhanh. Có lúc tôi làm việc với khách hàng, họ nói cá tra, cá ba sa Việt Nam ngon, họ rất thích, giá 10 USD vẫn rẻ, nhưng bây giờ chỉ còn dưới 3 USD. Họ nói Việt Nam giống như gánh vàng ra biển đổ”.

Còn ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản thì bổ sung rằng, giá cá giảm nhanh còn do mất cân đối cung – cầu. Bởi vì sản lượng nuôi đã có lúc bị đẩy lên quá nhanh, mới đầu chỉ khoảng vài trăm nghìn tấn, nhưng vài năm sau con số đã lên cả vài triệu tấn. Nhưng lợi nhuận thì không tăng mà lại suy giảm nên có tình trạng người nuôi chuyển sang làm hàng kém chất lượng.

Thời tiết bất lợi và nạn bơm tạp chất ‘tấn công’

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu thủy sản nước ta năm 2016, bà Lê Hằng, Phó giám đốc trung tâm Vaseppro (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), dự báo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như hạn hán, nhiễm mặn, thuế chống bán phá giá cá tra, tôm cao, giá nguyên liệu tăng khó cạnh tranh…

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cũng cho thấy, sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.149 ngàn tấn. Trong đó, với cá tra, do nhu cầu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp không ổn định dẫn đến giá cá tra lúc tăng lúc giảm, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể (-7%) so với cùng kỳ, ước đạt 358.508 tấn.

Còn với tôm, thời tiết bất lợi trong tháng 5 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất tôm. Diện tích tôm bị thiệt hại khá lớn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nắng nóng, độ mặn cao. Ngoài ra, giống kém chất lượng cũng là một tác nhân lớn làm cho tôm chết khá nhiều. Sản lượng thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long 5 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản 5 tháng đầu năm 2016 đạt 386 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trước đó, năm 2015, xuất khẩu thủy sản đạt 6,57  tỷ USD, giảm 16,1%. Trong đó xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD, giảm 25%; xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, giảm 11,5%. Xuất khẩu giảm mạnh, nhưng diện tích tôm sú tại ĐBSCL tăng cả về diện tích và sản lượng lần lượt là 1,59%; 4,3%.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, những số liệu đó chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất nuôi tôm Việt Nam. Bởi vì, thực chất sản lượng tôm sú 4 tháng đầu năm 2016 tăng là do lượng tồn kho của 2015 chuyển qua chứ không phải tăng do sản xuất. Tại các nhà máy chế biến chỉ bằng 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2015.

Đặc biệt, ông Quang cho hay, “chúng tôi đi về tận ao nuôi để điều tra, diện tích thả giống từ đầu năm đến giờ chỉ được khoảng 20%, nhiều hộ đã phải treo ao”.

Buồn hơn, theo ông Quang, trong khi thị trường ngày càng khó tính, cạnh tranh tăng nhưng lại xảy ra tình trạng tôm sú đang đối mặt với nạn bơm tạp chất, cắm tăm tre, tăm dừa. Dẫn câu chuyện sau chuyến công tác tại Nhật Bản, ông Quang cho biết, khách hàng Nhật cho rằng đó là nguyên nhân khiến họ không mua tôm sú Việt Nam mà chuyển sang mua tôm sú Philippines và Indonesia dù giá tôm sú của hai nước này cao hơn Việt Nam từ 2- 3 USD. Nhiều khách hàng lớn của nhiều nước khác “quay lưng” với tôm sú của Việt Nam.

Nhìn lại giá tôm sú năm 2015, ông Quang nói “giảm thê thảm và hiện nay (giữa năm 2016) cũng đang rất thấp. Ví dụ, giá tôm sú của Indonesia, size 16 – 20 là 15,8 USD, còn tôm của Việt Nam bán cho Nhật Bản chỉ được khoảng 13 USD. Nguyên nhân quan trọng là chỉ vì một vài thương lái làm ăn gian dối, gian lận nên khách hàng từ chối không mua khiến hàng tồn kho, doanh nghiệp phải giảm giá bán.

Phải thành lập các chuỗi giá trị

Theo ông Quang, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Cho nên, muốn cứu con tôm, không còn cách nào khác là phải thành lập các chuỗi giá trị. Từ đó, ràng buộc trách nhiệm các tác nhân tham gia chuỗi, đặc biệt là để thương lái thu gom, nuôi trồng phải có trách nhiệm với sản phẩm công việc của mình, để họ thấy được nếu làm ăn gian dối là tự lấy dao đâm vào mình.

Ông Quang kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần có các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức về tôm sạch cho người nuôi. Rà soát cấp phép và kiểm soát giá, chất lượng vật tư cung cấp cho sản xuất, thực hiện thanh tra xử lý mạnh tay nếu vi phạm.

Chủ tịch Hiệp hội cá tra cũng kiến nghị, Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương cho phép Hiệp hội có quyền công bố danh sách các thành viên trong Hiệp hội không tuân thủ các cam kết/quy chế/điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách…./.

RELATED ARTICLES

Tin mới