Wednesday, May 1, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMột kiểu kinh doanh thần phật ở Việt Nam

Một kiểu kinh doanh thần phật ở Việt Nam

Theo ông Vương Duy Bảo, Việt Nam không cần những công trình to lớn, hoành tráng bởi đất nước còn khó khăn.

Mô hình chùa Tháp sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên.

Xây tháp nghìn tỷ làm gì?

Liên quan đến ý tưởng xây dựng tháp Phật giáp lớn nhất thế giới tại khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, ngày 8/6, trao đổi với Đất Việt với tư cách là một người làm văn hóa, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng tháp Phật giáo.

“Trong quy hoạch Hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên không đặt ra vấn đề xây dựng tháp này. Khi chúng tôi cùng Bộ trưởng làm việc với Tỉnh ủy Thái nguyên về việc xây dựng khu Hồ Núi cốc không thấy đặt ra vấn đề này. Xây tháp Phật giáo to, hoành tráng để làm gì? Một Bái Đính ở Ninh Bình là đủ rồi.

Mặt khác, Việt Nam có nhiều tôn giáo, phải đối xử với các tôn giáo bình đẳng, hợp lý. Vì thế, trong tình hình hiện nay, đừng nên đặt vấn đề xây dựng tháp Phật giáo nghìn tỷ làm gì. Nếu Xuân Trường thừa tiền hãy giúp xây dựng các công trình phúc lợi văn hóa, nông thôn mới…”.

Cũng theo ý kiến của ông Vương Duy Bảo, công trình này mang mục đích thương mại, khi xây tháp xong người dân sẽ đến lễ bái, góp hòm công đức, phải mua vé vào cửa… giống như Bái Đính.

“Thái Nguyên không phải là đất Phật giáo, đây là đất của người Tày. Hồ Núi cốc là hồ nhân tạo, được khởi công đắp đập ngăn dòng sông Công thành hồ chứ không phải thiên tạo, vì thế đừng áp đặt gì cả. Việt Nam cũng không cần những công trình to lớn, hoành tráng bởi đất nước còn khó khăn, không ai làm chuyện đó”, ông Bảo nhấn mạnh.

Ứng vốn xây dựng đường vào khu vực đặt tháp

Trong một diễn biến có liên quan, Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên cho biết, ngày 5/6, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì cuộc họp rà soát một số dự án đầu tư và xem xét việc ứng vốn đầu tư xây dựng một số công trình có tác động tích cực đến kinh tế, xã hội.

Theo đề xuất từ các sở, ngành chức năng, công trình giao thông đường vào Đền Gàn do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư là một trong những công trình đang có nhu cầu ứng vốn để thực hiện các phần việc nhằm kích cầu nhà đầu tư, bảo đảm tiến độ thực hiện, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh Thái Nguyên.

Vì thế, ông Vũ Hồng Bắc yêu cầu Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cân đối nguồn lực thực hiện ứng vốn đầu tư cho công trình theo đề nghị.

Theo ý tưởng trước đó của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tháp Phật giáo lớn nhất thế giới sẽ được xây dựng tại khu vực Đền Gàn, thuộc xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên).

Trao đổi về việc tỉnh Thái Nguyên ứng vốn đầu tư công trình giao thông đường vào Đền Gàn, ngày 8/6  ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho biết, về vấn đề này Sở đang nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh chứ chưa có gì cụ thể.

Về thông tin UBND tỉnh sẽ tạm ứng nguồn kinh phí khoảng 20 tỷ đồng để có thể triển khai việc giải phóng mặt bằng đúng tiến độ theo đề xuất của Xuân Trường trước đó mà một số tờ báo đưa tin, ông Hoàng Thái Cương không xác nhận mà chỉ nói: “Việc ứng vốn là công việc bình thường. Đây là dự án mà Xuân Trường rất tâm huyết”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cũng khẳng định, việc xây dựng tháp Phật giáo tại Thái Nguyên sẽ làm theo đúng Luật Đầu tư.

RELATED ARTICLES

Tin mới