Tình trạng bạo lực, chiến tranh và những cuộc xung đột khác khiến nền kinh tế toàn cầu tiêu tốn hơn 13,6 nghìn tỉ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu, trong năm 2015.
Lực lượng an ninh Iraq ngăn dòng người biểu tình bạo động tại quảng trường Tahrir ở Baghdad ngày 27/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu cho năm 2016, do Viện Kinh tế và Hòa bình ở Australia soạn thảo, xếp hạng 163 quốc gia về mức độ yên bình mà họ đang chứng kiến. Theo nghiên cứu, “thập niên vừa qua đã chứng kiến một sự suy giảm lịch sử về hòa bình thế giới, làm gián đoạn những cải thiện lâu dài kể từ Thế chiến thứ hai”.
Cả thế giới đang nhìn thấy cách biệt ngày càng lớn giữa những nước yên bình và những nước kém yên bình. Báo cáo cho biết nhiều nước đang chứng kiến mức độ yên bình “cao kỷ lục”, nhưng 20 nước ở cuối bảng xếp hạng “kém yên bình hơn nhiều”. Báo cáo nêu rõ: “Thế giới đã trở nên kém yên bình so với năm trước, và cách biệt giữa những quốc gia yên bình nhất và kém yên bình nhất tiếp tục nới rộng. Có nhiều nước cải thiện hơn là suy giảm, nhưng mức độ suy giảm lớn hơn mức độ cải thiện”.
Báo cáo nhấn mạnh: “Sự suy giảm hòa bình mang tính lịch sử trong khoảng thời gian 10 năm phần lớn được thúc đẩy bởi những cuộc xung đột đang gia tăng cường độ ở [Trung Đông và Bắc Phi]. Chủ nghĩa khủng bố cũng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, những cái chết trên chiến trường do xung đột đang ở mức cao nhất 25 năm qua, và số lượng người tị nạn và người tản cư đang ở mức cao chưa từng thấy trong 60 năm qua”.
Phí tổn của chiến tranh và những hình thức bạo lực khác được tính toán dựa trên chi tiêu quân sự, thiệt hại tài sản và cơ sở hạ tầng, cũng như những phí tổn của tội ác liên quan đến bạo lực.