Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc trong hôm 9/6 để thể hiện quan ngại của họ sau khi một chiến hạm của Trung Quốc tiến sát khu vực mà Tokyo coi là vùng lãnh hải của mình trên biển Hoa Đông, trong một sự việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực đang tranh chấp giữa hai nước.
Căng thẳng gia tăng trên biển Hoa Đông sau 2 sự kiện liên tiếp xảy ra trên quần đảo tranh chấp. (Nguồn: Reuters).
Phía Nhật Bản cho biết, một tàu khu trục của Trung Quốc đã tiến vào khu vực 38 km của vùng lãnh thổ tranh chấp, một chuỗi đảo mà Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ngay sau lúc nửa đêm hôm trước. Thứ trưởng Nhật Bản Akitaka Saiki sau đó đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để thể hiện “mối quan ngại sâu sắc”; chính phủ Nhật nói trong một tuyên bố.
Các tàu tuần tra biển của Nhật và Trung Quốc thường xuyên đối đầu tại khu vực xung quanh chuỗi đảo này khi cả hai phía đều thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Nhưng từ trước đến nay vẫn chưa có bên nào từng triển khai chiến hạm tới các vùng biển xung quanh, bởi hành động như vậy làm bùng nổ căng thẳng và khiến cho vùng đệm ngăn cách hai bên khỏi xung đột biến mất.
“Chúng tôi quan ngại rằng hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng lên một mức độ cao hơn” – Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong một buổi họp báo tại Tokyo hôm 9-6 – “Các bộ ngành liên quan hiện đang làm việc phối hợp để đưa ra biện pháp phản ứng và chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cũng nói rằng, họ đang xem xét các báo cáo về việc một trong số các chiến hạm hải quân của họ tiến sát quần đảo tranh chấp, thêm rằng lực lượng hải quân của họ có quyền hoạt động trên các vùng biển của Trung Quốc.
“Việc các tàu hải quân Trung Quốc đi qua các vùng biển mà quốc gia của chúng tôi có quyền tài phán là hợp lý và hợp pháp. Không quốc gia nào có quyền phát biểu thiếu suy nghĩ về điều này” – Reuters dẫn một tuyên bố từ phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Trong khi Mỹ không công khai tán thành tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với chuỗi đảo, nằm cách Đài Loan 220 km về phía Đông Bắc, họ nói rằng vùng lãnh thổ mà Nhật Bản quản lý này nằm trong hiệp ước an ninh mà họ ký kết với Tokyo, mà trong đó nêu rõ cam kết rằng Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công.
“Chúng tôi đã nắm được các báo cáo trên và đã liên lạc với chính phủ Nhật Bản” – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, bà Colin Willet, từ Washington cho hay.
Được biết, tàu khu trục nói trên của Trung Quốc đã lưu lại ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng một giờ đồng hồ trước khi đi về phía bờ biển Trung Quốc. Theo nhận định của giới chuyên gia, các nước có thể quản lý khu vực tiếp giáp của họ, gần với vùng lãnh thổ tranh chấp, để kiểm tra thủ tục và các vi phạm di cư, nhưng không thể ngăn chặn đường đi của tàu của các quốc gia khác.
Tình hình càng phức tạp hơn đối với chính quyền Tokyo khi 3 tàu hải quân của Nga cũng tiến vào các hòn đảo tranh chấp trên gần như cùng thời điểm với tàu Trung Quốc, khiến Nhật Bản càng quan ngại hơn về khả năng một cuộc phô trương sức mạnh phối hợp giữa Bắc Kinh và Moscow.
Nga và Nhật Bản hiện cũng đang bị khóa chặt trong một vụ tranh chấp lãnh thổ khác liên quan tới việc trao trả một số hòn đảo mà Moscow chiến đóng từ hồi kết thúc Thế chiến II.
Ông Suga nói rằng chính phủ Nhật đang điều tra để làm rõ bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai động thái từ phía Bắc Kinh và Moscow trong hôm 9/6. Hai sự kiện xảy ra trong lúc Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ chuẩn bị khởi động một cuộc tập trận hải quân chung lớn có tên Malabar, diễn ra từ 10-6 trên vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình với các quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Nam Á – động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuần trước gọi là “đơn phương và mang tính chất đe dọa” – Tokyo và Washington đều lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trên khu vực biển Hoa Đông và xa hơn nữa.
Chuỗi đảo của Nhật tại khu vực trên, gồm cả quần đảo Okinawa là nơi tập trung đông nhất lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, nằm trên tuyến hàng hải mở tới các vùng biển đó. Quân đội Nhật Bản hiện đang củng cố các hòn đảo trên bằng việc xây dựng các trạm radar và hệ thống tên lửa chống hạm.