Tuesday, November 5, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnTQ từ chối phán quyết Biển Đông của tòa quốc tế là...

TQ từ chối phán quyết Biển Đông của tòa quốc tế là “dấu hiệu tồi“

Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines là dấu hiệu tồi vì nó cho thấy nước lớn không tuân thủ luật pháp.

TS Trần Trường Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, GS Erik Franckx và Phó Đô đốc Michiel Hijmans (từ trái sang) tham gia toạ đàm.

Tại toạ đàm bàn tròn “Quản lý và giải quyết các vấn đề biển phức tạp” do Học viện Ngoại giao cùng Phái đoàn EU tổ chức ngày 13.6 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng việc giải quyết tranh chấp quốc tế  bằng biện pháp hòa bình, theo luật quốc tế đã được quy định rõ trong Hiến chương LHQ mà các quốc gia đã nhất trí. Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines là dấu hiệu tồi vì nó cho thấy nước lớn không tuân thủ luật pháp.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ phán quyết của PCA

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Phó Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ được quy định rõ tại Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các quốc gia có nghĩa vụ lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án và giải quyết thông qua các tổ chức quốc tế. 

Trong các biện pháp này, giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài được coi là các biện pháp pháp lý. Với các tranh chấp biển, các tòa án và trọng tài quốc tế hiện nay có Tòa Công lý quốc tế ICJ, Tòa án luật biển ITLOS, Tòa trọng tài thường trực PCA và các trọng tài vụ việc bao gồm cả Tòa được thành lập theo Phụ lục VII và Phụ lục VIII của Công ước Luật Biển 1982. 

Liên quan đến vụ Philippines kiện “bản đồ 9 đoạn” của Trung Quốc ra PCA, Giáo sư Erik Franckx, thành viên Toà thường trực PCA, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu, Đại học Vrije, Bỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982 nói chung và cơ chế giải quyết Công ước nói riêng. 

Về tác động tới các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông một khi PCA ra phán quyết, ông Franckx nói, Trung Quốc luôn cho rằng có quyền từ chối tham gia PCA theo Phụ lục VII của UNCLOS. Nhưng với tư cách là một nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một nước lớn, đó là dấu hiệu tồi tệ, vì rằng “nước lớn không tuân thủ luật pháp quốc tế”. 

“Tôi cho rằng mặc dù Trung Quốc tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA, nhưng ít nhất phán quyết của toà cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý để đàm phán giữa các nước liên quan. Ngoài ra, khi đó các nước khác ít nhất cũng sẽ biết phán quyết của toà là gì, để dễ dàng hơn trong việc đối phó về mặt pháp lý với Trung Quốc” – ông Franckx nói.

Theo ông Franckx, chính phủ Việt Nam phải nghiên cứu thật cẩn thận phán quyết của PCA để xem có những lựa chọn nào. “Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ phán quyết của toà theo hướng, dù kết quả là gì thì Việt Nam ít nhất cũng có định hướng khuôn khổ pháp lý trong việc đàm phán với Trung Quốc” – ông Franckx nhấn mạnh. 

Theo chuyên gia này, liệu Việt Nam có hành động pháp lý nào khác với Trung Quốc hay không cũng là một vấn đề khác, điều đó phụ thuộc nhiều vào kết quả phán quyết của toà như thế nào với vụ kiện của Philippines. Việt Nam cùng các nước láng giềng khác (ngoài Trung Quốc) có thể giải quyết một phần tranh chấp này bằng các biện pháp pháp lý khác. 

Theo chuyên gia này, Mỹ cũng sẽ xem xét thận trọng phán quyết của PCA, để tiếp tục củng cố những hành động mà nước này hiện đang thực hiện, nhất là chiến dịch tự do hàng hải ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông, trong trường hợp phán quyết của toà đứng về phía Philippines.

Hải quân là nòng cốt nhưng không phải duy nhất

Phó Đô đốc Michiel Hijmans, cựu Phó trưởng Đại diện quân sự Hà Lan tại NATO và EU trong bài tham luận về đấu tranh chống lại những thách thức hàng hải phi truyền thống đã nhấn mạnh rằng, những phát biểu ông đưa ra xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân. “Mặc dù không phải là luật sư, nhưng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại những thách thức hàng hải phi truyền thống. An ninh hàng hải không phải là ở xa mà gần bờ. Việt Nam có bờ biển dài và điều quan trọng là nó phải được bảo vệ an toàn, và đồng thời mọi người biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải” – ông Hijmans nói.

Cựu đại diện quân sự Hà Lan tại NATO và EU cũng nhất trí rằng, luật pháp quốc tế phải là cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp. Ông dẫn những quy định tổng quan của Tổ chức Hàng hải Thế giới IMO về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… để khẳng định rằng, nếu chúng chồng lấn, phải đàm phán với các nước liên quan để giải quyết.

Những thách thức của an ninh hàng hải phi truyền thống, theo ông Hijmans, bao gồm tranh chấp lãnh thổ, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, thiên tai, cướp biển, khủng bố tàu, cảng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, di cư, đánh cá trái phép. Ông cho rằng, giải pháp nòng cốt cho tất cả các vấn đề hàng hải không chỉ là lực lượng hải quân mạnh, mà còn phải có sự phối hợp tốt với các lực lượng khác như cảnh sát biển, biên phòng, hải quan,  hợp tác không chỉ diễn ra trên biển mà cả trên không và dưới ngầm.

Lấy kinh nghiệm của bản thân, ông Hijman cho biết chiến lược an ninh biển ở EU bao gồm những yếu tố quan trọng như xác định lợi ích chiến lược toàn diện, xác định tất cả các mối đe doạ, thách thức và nguy cơ, chuẩn bị các biện pháp đối phó có kết hợp, có kế hoạch hành động và thực hiện chiến lược. 

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kế hoạch hành động, ông Hijman phân tích rằng nó phải bao gồm việc nhận thức, giám sát, chia sẻ thông tin, bởi “có thông tin là có sức mạnh”. Bên cạnh đó phải chú trọng xây dựng năng lực, không chỉ hải quân, mà còn cảnh sát biển, tập trung trọng điểm vào vùng biển nào cần bảo vệ. Ngoài ra, công tác quản lý rủi ro, bảo vệ cơ sở hạ tầng và đối phó khủng hoảng, nghiên cứu an ninh biển, huấn luyện và đào tạo cũng rất quan trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới