Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinTrung Quốc cần tôn trọng phán quyết của PCA

Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của PCA

Tuyên bố của Giám đốc hợp tác liên khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Derry Aman đang khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm khi cho rằng, ASEAN có thể ra tuyên bố chung về Biển Đông sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee

Ngoài ra, tờ The Jakarta Post còn dẫn lời ông Derry Aman, theo đó cơ chế hoạt động của ASEAN đòi hỏi cả 10 quốc gia thành viên phải đạt được đồng thuận trước khi công bố một lập trường thống nhất về Biển Đông.

Sự đồng thuận cần thiết

“Là tổ chức dẫn đầu khu vực với nhiều lợi ích ở Biển Đông, nên sẽ không bình thường nếu ASEAN không đưa ra quan điểm chung”, ông Derry Aman nhấn mạnh. Theo ông Derry Aman, các thành viên ASEAN đang tích cực thảo luận để tiến tới đồng thuận và không rõ vấn đề tuyên bố chung có được đưa ra tại cuộc họp đặc biệt giữa các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc diễn ra ở Vân Nam trong 2 ngày 13 và 14-6. Theo tờ The Jakarta Post, cuộc họp đặc biệt này diễn ra trước thềm hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) sẽ diễn ra trong tháng 7. Trước đó (9-6), cuộc họp lần thứ 12 giữa các quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc (SOM) về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tham vấn về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự đồng chủ trì của Trung Quốc và Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee khẳng định, mặc dù nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng ông hy vọng luật pháp phải được tôn trọng. Đồng thời cho rằng, Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan trong vụ kiện về “đường lưỡi bò” mà Philippines đang theo đuổi, nhưng Bắc Kinh luôn từ chối. Tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore hồi đầu tháng 6, ông Gerry Brownlee cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần giải thích về hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nếu không Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây mất ổn định giữa các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tự do. Và lo ngại rằng Trung Quốc có thể biến các bãi ngầm thành đảo nhân tạo, rồi tuyên bố chủ quyền hoặc các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh đó. Trước đó, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA.

can ton trong phan quyet cua pca

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

Theo nhận định của Giáo sư Julian Ku Trường Đại học Hofstra (Mỹ) phán quyết của PCA về vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông là một trong những “phán quyết pháp lý quốc tế được chờ đợi nhất trong lịch sử hiện đại”. Và cho dù Bắc Kinh có từ chối tham gia bất kỳ tiến trình nào của vụ kiện, nhưng phán quyết của PCA vẫn có thể tác động mạnh tới các mối quan hệ trong khu vực và quốc tế. Căng thẳng ở Biển Đông có thể tăng hoặc giảm nhiệt đáng kể tùy thuộc vào phán quyết sắp tới của PCA. Một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đổi giọng nếu phán quyết của PCA chống lại nước này mạnh mẽ. Tờ Global Times vừa dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định, việc Mỹ điều nhiều tàu sân bay tới Biển Đông có lẽ vì muốn “làm chỗ dựa cho Philippines”, nhất là khi PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết vụ kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Chuyên gia này cho rằng, Biển Đông không lớn, nên sự xuất hiện của cụm tàu sân bay chiến đấu John Stennis và cụm tàu Ronald Reagan tại đây, trong khi khu vực này không có chiến sự khiến dư luận coi đây có thể là “gây sức ép với Trung Quốc”.

can ton trong phan quyet cua pca

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Những cảnh báo

Giáo sư Jerome Cohen Trường đại học New York (Mỹ) dự báo, những nỗ lực ngày càng quyết liệt của các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhằm thúc đẩy giải pháp thông qua đường ngoại giao, trong đó có luật pháp quốc tế, có thể phát huy tác dụng. Theo nhận định của ông Scott Kennedy, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục bị căng thẳng bởi những vấn đề thương mại và chiến lược, trong khi đó có tới 77% số công ty Mỹ cho biết, họ nhận thấy môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên kém thân thiện hơn trước. Ông Scott Kennedy cho rằng, Bắc Kinh đang cạnh tranh mạnh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực và Washington nên kiên nhẫn vì căng thẳng phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Ngày 9-6, tờ ETtoday Đài Loan cho rằng, khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Và theo Giáo sư Hoàng Tĩnh đến từ Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc lập Singapore, ADIZ là cái bẫy Mỹ – Nhật giăng ra cho Trung Quốc. Nếu ADIZ thiết lập trong “đường lưỡi bò” sẽ tự mâu thuẫn, còn nếu ở ngoài “đường lưỡi bò” thì có cũng như không bởi nó sẽ buộc Trung Quốc phải triển khai “nhiệm vụ tuần tra không ngừng”. Ngoài ra, nếu áp đặt ADIZ ở Biển Đông thì việc này không những có thể xâm phạm trực tiếp chủ quyền không phận các quốc gia ven Biển Đông, mà còn không có khả năng thực thi vì phạm vi quá rộng. Và khi đó, các nước như Philippines, Malaysia, Brunei, Ấn Độ đều có thể tuyên bố ADIZ của họ, tạo ra chồng lấn, có khả năng gây ra một cuộc tranh chấp quốc tế mới. Theo ông Ernest Bower, người đứng đầu chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ, Mỹ, Nhật Bản, Australia, và các quốc gia châu Âu sẽ thách thức hành động này bằng cách đưa máy bay chiến đấu đến đó.

Theo tài liệu của Bộ Khoa học Trung Quốc mà Hãng Bloomberg tiếp cận được, Bắc Kinh đang đẩy nhanh nỗ lực thiết kế và xây dựng một cơ sở ngầm có người làm việc dưới đáy Biển Đông (có thể nằm ở độ sâu 3.000m) nhằm tìm kiếm khoáng sản và cũng có thể phục vụ cho mục đích quân sự nhờ tính di động của nó. Dự án này từng được đề cập trong kế hoạch kinh tế của Trung Quốc (công bố hồi tháng 3-2016) và xếp thứ 2 trong số 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên thực hiện. Theo tờ IHS Jane’s, Trung Quốc sẽ dựng một mạng lưới gồm những thiết bị cảm biến mang tên “Dự án Vạn Lý Trường Thành dưới nước” để phát hiện tàu ngầm Nga và Mỹ.

Gia tăng căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư

Ngày 11-6, tờ Đa Chiều dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga tại Nhật Bản phủ nhận việc liên thủ với Trung Quốc khiêu khích Tokyo ở biển Hoa Đông – thực tế không giống như báo chí Trung Quốc tuyên truyền, bởi việc chiến hạm 2 nước phối hợp tiến vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ là một sự trùng hợp gây hiểu nhầm. Vụ việc diễn ra vào đêm 8 rạng sáng 9-6, một tàu khu trục mang tên lửa Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã khiến Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị triệu kiến lúc 2 giờ sáng đến nghe Nhật Bản phản đối. Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa bị triệu kiến đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản để nghe phản đối vì một tàu khu trục mang tên lửa Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là động thái chưa từng có tiền lệ. Khi đó, 2 tàu quân sự Nga cũng di chuyển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không xa, nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, cần phản ứng khác nhau trong vụ này. Trước đó (10-6), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phủ nhận thông tin của một số nhà ngoại giao cho rằng, Moskva đã can thiệp vào Biển Đông.

Ngày 9-6, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho rằng, Washington vẫn chưa rõ Bắc Kinh có ý định gì khi Hải quân Trung Quốc điều một tàu chiến tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông. Ngày 10-6, tờ The Diplomat đưa tin, mặc dù đã bỏ nhiều công sức, tiền của để thuyết phục, nhưng đến nay chỉ có 6 quốc gia (Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan) công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh từng tuyên bố có hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông!

Ngày 10-6, tờ Straits Times cho biết, thời gian qua, nhiều tờ báo Austarlia đã ký các thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh để đăng các bài báo do truyền thông Trung Quốc sáng tác, “gây lo ngại về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lên công luận Austarlia”. Được biết, có khoảng 6 thỏa thuận như vậy được ký gần 1 tháng trước (26-5) nhân chuyến thăm Austarlia của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc Lưu Kỳ Bảo. Và một trong những công ty truyền thông lớn nhất Austarlia Fairfax Media đã phát hành một phụ trương dài 8 trang mang tên China Watch trên 3 tờ báo lớn của công ty là The Sydney Morning Herald, The Age và The Australian Financial Review. Điều đáng lo ngại là nội dung các bài viết phần lớn bênh vực Trung Quốc, lên án Philippines trong vụ kiện tại PCA. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng khó khăn về tài chính của các tờ báo Austarlia để thực hiện một cuộc “đảo chính tuyên truyền”. Giáo sư Rory Medcalf của Đại học Quốc gia Austarlia vạch rõ ý đồ của Bắc Kinh nhằm “thay đổi công luận ở Austarlia về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới