Biển Đông đang trở thành một trong những địa bàn nóng bỏng nhất trên thế giới khi Trung Quốc tiếp tục tích cực mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh quân sự trên vùng nước này. Các nhà phân tích quân sự đã đưa ra một số giải pháp mà Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn Trung Quốc trên biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS-Ronald-Reagan
Đối thoại Shangri-La gần đây đã chứng minh rằng, những căng thẳng trong khu vực đã gia tăng đáng kể ngay sau đó. Trung Quốc tiếp tục gia tăng hành vi hiếu chiến của họ, và những gì mà Mỹ đã thực hiện dường như không có hiệu lực. Mỹ và các đối tác bây giờ không có sự lựa chọn ngoài việc đưa ra những phản ứng quyết đoán trên phạm vi rộng lớn hơn.
Mỹ không tìm kiếm một cuộc xung đột với Trung Quốc và cũng không ủng hộ một cuộc chiến tranh. Các chính trị gia Washington không tin Trung Quốc là kẻ thù không thể tránh khỏi của Mỹ. Nhưng những nhà hoạch định chiến lược đang ngày càng lo ngại rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không kịp thời ngăn chặn, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia này trên thực tế sẽ thực hiện quyền thống trị một khu vực, nơi có lợi ích chiến lược then chốt đối với Mỹ. Nhiều hành động trực tiếp của Mỹ có thể sẽ có những rủi ro đáng kể – nhưng nếu không hành động, những rủi ro còn có thể cao hơn nữa.
Tại sao Biển Đông lại là vấn đề trọng tâm hiện nay? Đây là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới, lưu lượng vận tải quá cảnh khoảng một phần ba hàng hóa thương mại toàn cầu mỗi năm. Vùng nước này nằm trên ít nhất là bảy tỷ thùng dầu và khoảng 900 triệu feet (83 triệu mét) khối khí đốt tự nhiên. Những đòi hỏi chủ quyền trên một vùng nước quan trọng sẽ trở lên vô cùng sâu sắc. Những tranh chấp liên quan đến một số đồng minh của Mỹ và đối tác có nhiều khả năng sẽ trở lên trầm trọng hơn bởi kết quả của vụ kiện tranh chấp chủ quyền giữa Philiphines và Trung Quốc của tòa án quốc tế đang chuẩn bị được đưa ra trong vài tuần tới.
Những hành động vượt qua cả luật pháp quốc tế của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền quốc gia trên vùng biển quốc tế quan trọng không chỉ đe dọa khả năng tự do hàng hải trên các tuyến vận chuyển thương mại quốc tế và các đối tác của Mỹ trong khu vực, mà còn hình thành một tiền lệ nguy hiểm toàn cầu. Bắc Kinh đang có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thiết lập quyền bá chủ trong khu vực bằng cách tạo ra một vùng “biển gần” mà Trung Quốc sẽ là quốc gia kiểm soát duy nhất.
Trong năm qua, những động thái của Trung Quốc đã phát triển đến mức quyết đoán nhất. Bắc Kinh đã hoàn thành dự án bồi đắp rạn san hô trở thành ba hòn đảo nhân tạo, ba tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc trên Biển Đông và đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Một hòn đảo trong đó đã hình thành một đường băng dài 3000 m, đủ dài để máy bay quân sự có thể cất hạ cánh. PLA đã thử nghiệm hạ cánh máy bay phản lực trên Đá Chữ Thập và triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tóm lại, trên những đảo nhân tạo này đã có được cơ sở hạ tầng quân sự để hinh thành lực lượng tác chiến tiền duyên như máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay trinh sát Trung Quốc. Các phương tiện bay từ các căn cứ đó có thể dễ dàng vươn tới ranh giới và có thể cưỡng bức thực thi tuyên bố của Trung Quốc về một khái niệm hồ đồ phi pháp, “đường chín đoạn” chiếm hầu hết vùng nước Biển Đông.
Các tàu hải quân Trung Quốc, lực lượng tàu vỏ trắng, lực lượng dân quân biển cũng có thể sử dụng các tiền đồn như trạm tiếp nhiên liệu và tạm dừng nhằm mở rộng sự hiện diện sức mạnh cưỡng chiếm vùng biển rộng lớn này.
Các tàu sân bay của quân đội Mỹ là khách của một số vùng nước thuộc biển Đông và không có một quốc gia khác trong khu vực có thể triển khai dự án và duy trì sự hiện diện không quân và hải quân trên Biển Đông được như là các căn cứ cố định hiện nay của Trung Quốc, đang cung cấp điều kiện đó cho hải quân và không quân PLA.
Mỹ đã phản ứng quyết liệt với nguy cơ mở rộng tiếp theo, đưa ra những cảnh báo và hành động mạnh hơn bao giờ hết. Quyết liệt nhất, Mỹ thực hiện các hoạt động tự do cơ động hàng hải (FONOP), tiến hành những hoạt động hải hành không hạn chế trên Biển Đông vào tháng 10.2015, một tàu khu trục Mỹ đã đi qua trong vòng 12 dặm đảo Đá Xu Bi nhằm khẳng định Mỹ bác bỏ bất kỳ mọi tuyên bố hàng hải nào của Trung Quốc bắt nguồn từ đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp. Ít nhất hai hoạt động FONOP khác được thực hiện kể từ thời điểm đó. Người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris tuyên bố rằng các hoạt động FONOP trong tương lai sẽ tăng về số lượng, phạm vi và cấp độ mở rộng các hành động.
Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái đối đầu và thậm chí còn leo thang. Trong những tháng gần đây, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã tiếp cận một cách nguy hiểm máy bay tuần thám của Mỹ trên cả vùng trời biển Đông và Biển Hoa Đông, vi phạm thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đã ký năm ngoái về quy định ứng xử an toàn trên không. Chính phủ Trung Quốc gần đây thông báo rằng Bắc Kinh đang xem xét thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như một tín hiệu tuyên bố đòi quyền kiểm soát an ninh đối với khu vực quan trọng này.
Trung Quốc khá khôn khéo nhưng quyết liệt thiết lập sự hiện diện thường xuyên một lực lượng quân sự mạnh thông qua một loạt các tiền đồn trên biển, không tồn tại cách đây 5 năm. Đây là thực tế mới của Biển Đông mà Bắc Kinh đã tạo ra. Điều tồi tệ là Mỹ và các đối tác khu vực bây giờ có ít lựa chọn hơn để xem xét nhưng lại cần lựa chọn những giải pháp cứng rắn và có phạm vi tác động mạnh mẽ hơn.
Những hành động này cần được thiết kế để đạt được hai mục tiêu chính: Một là ngăn chặn Trung Quốc mở rộng hơn nữa các dự án bồi đắp đảo nhân tạo và thực hiện các hành vi hiếu chiến; Hai là có những vị trí thuận lợi để Mỹ và các đối tác có thể triển khai các hành động quân sự nhằm bảo vệ tài sản chung quốc tế nếu tình huống yêu cầu.
Có thể thấy rằng những mục tiêu này có chút xung đột với nhau, ẩn chứa nhiều nguyên nhân có nguy cơ kích động chính xác các loại hình xung đột mà Mỹ đang tìm cách né tránh. Nhưng nếu không hành động mạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, Trung Quốc sẽ dần dần nhưng chắc chắn giành toàn quyền kiểm soát vùng biển quan trọng này.
Điều đó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế địa chính trị khu vực đồng minh và các đối tác khác của Mỹ, nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc thách thức trực tiếp sự quan tâm của Mỹ về vấn đề rất quan trọng và lâu đời trong sứ mệnh duy trì tự do hàng hải toàn cầu.
Các nhà phân tích – tác giả bài viết đề nghị sáu giải pháp mà Hoa Kỳ và các đối tác cần phải xem xét, các giải pháp này được liệt kê theo thứ tự tăng dần về sự quyết đoán đối phó với Trung Quốc.
1. Tăng cường và mở rộng tính minh bạch hàng hải trên Biển Đông. Mỹ và các đối tác phải nỗ lực hơn nữa để làm rõ ràng thực tế Biển Đông là tuyến đường vận tải biển quốc tế dành cho tất cả.
Sáng kiến an ninh Hàng hải mới là một bước đi đúng hướng, cần phải tiếp tục và phát huy theo thời gian, mở rộng quy mô. Washington và các đối tác cần thúc đẩy tính minh bạch hơn nữa về lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được Bắc Kinh sử dụng như các lực lượng quân sự tiên phong, hoạt động trong “vùng xám” Biển Đông.
Mỹ phải giúp đỡ các quốc gia ven biển nâng cao nhận thức miền hàng hải khu vực, tạo điều kiện thuận lợi hải hành, hải trình an toàn, thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ, ứng phó thiên tai tự nhiên. Bước đi này sẽ củng cố các tiền đề cần thiết khẳng định Biển Đông là một địa bàn quan trọng của chung toàn cầu, không phải là khu vực dành riêng cho một quốc gia .
2. Mỹ phải tiếp tục tăng cường hỗ trợ và duy trì sự hiện diện quân sự ở Philippines. Hợp tác quân sự Mỹ – Philippine và các cuộc tập trận chung hiện tại đang ở mức độ chưa từng có kể từ sự ra đi của lực lượng quân đội Mỹ từ Vịnh Subic Bay và căn cứ không quân Clark vào đầu năm 1990, nhưng còn rất xa so với nhu cầu cấp bách hiện nay của quốc gia này.
Hai nước bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung trong tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố vào tháng Tư rằng Mỹ sẽ luân phiên điều một lực lượng và máy bay chiến đấu đến Philippines trong tương lai. Các bước tiếp theo sẽ là một chương trình diễn tập quân sự quy mô lớn, biểu dương sức mạnh quân sự song phương.
Lính thủy Đánh bộ Mỹ và đối tác Philippines đã thực hành đổ bộ lên đảo Palawan, khu vực tiếp giáp với tuyên bố phi pháp “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Quân đội Mỹ có thể thể hiện khả năng nhanh chóng triển khai từ các căn cứ của Mỹ nhằm thiết lập các khu vực phòng thủ tên lửa và các căn cứ hậu cần kỹ thuật viễn chinh trên các đảo Philiphines từ xa, Không quân Hoa Kỳ có thể mở rộng các cuộc diễn tập phòng không và các giải pháp phân tán căn cứ với lực lượng không quân Philippines.
Cả hai nước sẽ đồng nâng cấp cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự cơ bản mà cả hai quân đội có thể sử dụng trong một cuộc xung đột, bao gồm các khu nhà hầm chứa máy bay, nâng cấp các sân bay phân tán, bảo vệ kho tàng đạn dược dự trữ, và xây dựng các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa.
Một lựa chọn gây tranh cãi hơn, Mỹ có thể thông báo Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines bao gồm cả bãi cạn Scarborough, nơi đang diễn ra các cuộc tranh chấp – tương tự như thông báo 2014 của Mỹ, cho biết quần đảo Senkaku đang tranh chấp cũng nằm trong khuôn khổ phòng thủ chung của liên minh an ninh Mỹ-Nhật Bản. Điều này sẽ tăng cường ý nghĩa cam kết của Mỹ nhằm bảo vệ các đồng minh chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng vô tình có thể thúc đẩy chính quyền Philiphines và quân đội có các hành động khiêu khích hơn.
3. Mỹ cần tăng cường mối quan hệ quân sự với Việt Nam. Quan hệ song phương đã ấm lên đáng kể trong những năm gần đây. Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận từ lâu đời vào tháng 5.2016, chuyến thăm quân cảng gần đây của Mỹ báo hiệu sự khởi đầu mối quan hệ quân sự gần gũi hơn.
Mỹ cần tìm kiếm cơ hội mở rộng mối quan hệ để thực hiện các cuộc diễn tập chung trên không và trên bộ với Việt Nam, trước hết có thể là tuần thám và cứu hộ, bao gồm cả nội dung sử dụng các căn cứ không quân và trang thiết bị quân cảng.
Mỹ cũng có thể cung cấp các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 hay F / A-18, điều đó sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng không của không quân Việt Nam và tạo lên một sức mạnh răn đe trên biển Đông. Những hoạt động này sẽ có triển vọng dài hạn cho khả năng truy cập vào các hải cảng, bay ngang qua không phận và thậm chí các chiến hạm Mỹ, máy bay, các lực lượng khác có thể được phép sử dụng các dịch vụ quân cảng thương mại quân sự của Việt Nam, một mô hình thuận lợi nhưng không nhằm chống lại hoặc khiêu khích của một liên minh.