Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngÔng Hun Sen ủng hộ quyết liệt TQ

Ông Hun Sen ủng hộ quyết liệt TQ

Trong lần lên tiếng thứ 4 này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết trên Facebook cá nhân của mình vào ngày 4/7.

Cụ thể, theo Khmer Times, ông Hun Sen một lần nữa tái khẳng định ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp và phản đối vai trò của Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở Hà Lan.

Theo ghi chú của Thủ tướng Hun Sen, khi ông tiếp Đại sứ Myanmar Myint Soe hai bên đã trao đổi về chuyện này.

“Campuchia và Myanmar hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua đàm phán giữa các bên liên quan”, Thủ tướng Hun Sen viết trên tường Facebook của mình.

Cùng ngày, Chính phủ Campuchia ra thông cáo báo chí nói rằng 147 tổ chức “xã hội dân sự” và các hiệp hội tại Campuchia đã ra một tuyên bố chung ủng hộ lập trường này của Thủ tướng Hun Sen.

Như vậy, càng đến thời điểm PCA ra phán quyết về vụ kiện đường lưỡi bò (12/7), Thủ tướng Campuchia liên tiếp có tuyên bố về PCA.

Đầu tiên là ngày 20/6, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA về vụ kiện “đường lưỡi bò” vì cho rằng vụ kiện mang tính “chính trị”.

Tiếp đó, thông báo do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) công bố ngày 22/6 nhắc lại nhiều bình luận của Thủ tướng Hun Sen trong bài phát biểu nói trên. Theo đó, Campuchia là một “quốc gia độc lập” và “với tư cách là thành viên ASEAN, Campuchia tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ, nguyên tắc đồng thuận… và coi ASEAN là một kênh ngoại giao trong hợp tác khu vực và quốc tế”.

Đến ngày 28/6, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CPP, ông Hun Sen nói: CPP không những không tán thành mà còn phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN nhằm ủng hộ phán quyết của PCA liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông.

Ở một diễn biến khác có liên quan, Tiến sĩ Veasna Var đang theo đuổi chương trình nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ngày 29/6 có bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia trên Khmer Times.

Theo ông, Campuchia chịu ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và trở thành đồng minh ngoại giao của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.

Thủ tướng Hun Sen gọi Trung Quốc là “bạn bè đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Đầu tháng 6 Vua Norodom Sihamoni thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Campuchia là láng giềng tốt, anh em chân tình, bạn bè thân thiết. Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất của Campuchia, đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Khẳng định lợi ích Trung Quốc mang đến cho Campuchia là không có gì bàn cãi, nhưng nhà nghiên cứu Vaesna Var cho rằng, chính sách viện trợ và đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia làm cho tình trạng tham nhũng trở nên tồi tệ hơn và không được người dân Campuchia đánh giá cao.

Sở dĩ như vậy là vì lợi ích Trung Quốc mang đến cho Campuchia chủ yếu tập trung vào các cơ quan chính phủ, các đảng phái chính trị và giới tinh hoa, giàu có của đất nước Chùa Tháp. Người dân bình thường và tầng lớp trung lưu ít được hưởng lợi ích từ nguồn vốn đầu tư và viện trợ của Trung Quốc.

Một số nhà quan sát lo ngại về các tác động môi trường và sự thiếu minh bạch trong một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm các đập thủy điện và dự án phát triển kinh tế.

Đổi lại các lợi ích kinh tế từ viện trợ và đầu tư của Trung Quốc, chính sách đối ngoại hiện nay của Campuchia được nhìn thấy là để phục vụ một phần lợi ích chính trị và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tiến sĩ Veasna Var khuyến cáo, để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của mình, Campuchia nên tìm kiếm chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng, tăng cường hợp tác với tất cả các nước, tìm thấy giá trị trong việc tham gia các tổ chức khu vực. Lợi ích lâu dài của Campuchia nằm ở khu vực ASEAN và đảm bảo hài hòa các mối quan hệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới