Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLàm sạch biển miền Trung: Rất khó

Làm sạch biển miền Trung: Rất khó

Ai nói có thể dùng tiền để làm sạch môi trường đó là nhận định duy ý chí, viển vông.

Ảnh minh họa

5 ngày sau phiên họp chính thức công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, GS.TS Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp phục hồi môi trường và giám sát, thực hiện nhiệm vụ đó thế nào?.

Theo báo Tuổi trẻ, sau khi có giấy phép xả thải, trong Quý 1/2016, Fomorsa đã xả thải 931.830 m3 nước (đã qua xử lý) ra biển, bình quân 10.000m3/ngày đêm, nghĩa là Formosa mới chỉ xả thải chưa đến 1/4 công suất tối đa được phép (45.000m3/ngày đêm). Cũng theo giải thích của GS Dương Đức Tiến, đó mới chỉ là giai đoạn khởi động, xúc rửa đường ống. Nếu Formosa đi vào sản xuất thực sự và xả thải tới công suất được phép thì đó sẽ thực sự là một thảm họa kinh hoàng.

Do đó, theo ông Tiến, trước khi thực hiện các giải pháp xử lý môi trường việc cần làm trước mắt là phải ngăn chặn ngay việc xả thải ra biển, nước thải phải được xử lý trước khi xả thải ra biển.

“Biển là một thủy vực lớn và chuyển động liên tục. Dòng chảy của đại dương mạnh hơn dòng chảy nội địa nên sóng sẽ cuốn trôi đi nên nhanh chóng làm sạch biển. Tuy nhiên phải có thời gian, chứ không thể một sớm một chiều. Hơn nữa, Formosa phải không được thải nước bẩn chưa qua xử lý ra biển, trước khải phải xử lý theo quy trình và đảm bảo chất lượng nước. Có như vậy thì môi trường nước mới không bị ảnh hưởng và thời gian biển sạch trở lại mới nhanh hơn”, ông Tiến cho hay.

Ông Tiến lấy ví dụ, Nhà máy phân đạm Hà Bắc cũng từng xả thải trái phép ra sông Thương gây ô nhiễm, làm chết hết toàn khu vực từ đầu nguồn cho tới cuối nguồn sông Thương. Lúa của người dân hai bên bờ sông Thương cũng bị hủy hoại hoàn toàn do lượng phân đạm quá lớn.

Khi phát hiện sự việc trên, các cơ quan chức năng mới bắt tay vào xử lý. Nhưng tất cả đều phải mất một thời gian rất dài và chủ yếu là tự nó làm sạch. Tương tự, Formosa cũng vậy, tất cả phải dựa vào sự vận động tự thân của các dòng chảy, trong tương lai có thể thiên nhiên sẽ tự vá được các vết thương do con người gây ra, tuy nhiên, thời gian là bao nhiêu thì không ai có thể khẳng định được.

“Để đánh giá được hiện trạng các cơ quan quản lý, các nhà khoa học cùng vào cuộc và cũng mất tới hơn 3 tháng. Nhưng đó mới chỉ ra được hiện trạng ô nhiễm còn để xử lý được hiện trạng đó lại là cả một vấn đề lớn. Để phục hồi được hiện trạng thì tôi thấy chưa được đề cập tới một cách đầy đủ. Tôi hy vọng, với sự tích cực của con người, thiên nhiên cũng sẽ hỗ trợ, tạo sự thay đổi”.

Vị chuyên gia cũng thẳng thắn cho biết, việc xử lý môi trường là vô cùng phức tạp và tốn kém. Nhắc lại ví dụ tại sông Thương, ông cho biết, khi phân tích và khẳng định nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Thương là do nồng độ đạm quá cao thì vấn đề xử lý cũng đã rất phức tạp và phải mất tới nhiều năm sau mới dần trả lại hiện trạng bình thường cho dòng sông này. Trong khi đó, mức độ ảnh hưởng như Formosa là quá lớn và quá nghiêm trọng thì khả năng phục hồi của biển là không thể nói trước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Tiến nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này trong quá trình giám sát, thực thi. Bên cạnh việc buộc Formosa phải chấm dứt xả thải ra biển thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng đóng vai trò rất quan trọng.

“Trách người cũng phải trách mình. Để sự việc xảy ra không thể phủ nhận có trách nhiệm một phần từ phía cơ quan quản lý Việt Nam, đã quá buông lỏng trong khâu giám sát”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, đền bù về con người, sinh kế chỉ là giải pháp trước mắt, vấn đề phục hội lại hệ sinh thái là rất quan trọng. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng phía Việt Nam cần thể hiện thái độ kiên quyết, nghiêm khắc nếu trong trường hợp Formosa tiếp tục vi phạm và có động thái xả thải ra biển cần dút ngay giấy phép kinh doanh, đóng cửa không cho hoạt động, ông Tiến nói.

Không thể dùng tiền để làm sạch biển

Đồng tình với nhận định trên, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nói thẳng, con người không có khả năng để xử lý được môi trường, dù có bao nhiêu tiền cũng không thể làm được việc đó mà chỉ có thể dựa vào khả năng tự làm sạch của các dòng chảy.

Ngay cả với ý tưởng hút trầm tích đáy biển để làm sạch, ông Tề cho biết đó chỉ là giải pháp làm phép, chứ không thể làm sạch được biển. 

“Có tới 50-70 tỷ USD cũng chưa chắc đã xử lý được môi trường. Ai nói có thể dùng tiền để làm sạch môi trường đó là nhận định duy ý chí, viển vông. Tiền chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu, cảnh báo, điều tra, đánh giá môi trường thôi”, ông Tề nhấn mạnh.

Nhưng theo vị chuyên gia, vai trò của con người là hỗ trợ thiên nhiên trong quá trình tự làm sạch nó, cụ thể với trường hợp của Formosa, có thể có hai giải pháp để rút ngắn thời gian làm sạch biển:

Một là, cấm không cho Formosa sản xuất nếu còn tiếp tục xả thải ra môi trường.

Hai là, cho phép hoạt động nhưng phải có xây dựng khu vực xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường.

“Trách nhiệm của Bộ TNMT, Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT là phải trả lại hiện trạng bình thường cho môi trường nước đồng thời phải quản lý, giám sát chặt chẽ để tình trạng này không bao giờ được phép xảy ra nữa”, ông Tề khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới