Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh với thắng lợi thuộc về phe ủng hộ Anh rút khỏi EU (Brexit) có thể là điểm khởi đầu cho xu hướng dẫn đến Czexit, Frexit, Italexit, Finexit…
Liệu có hiệu ứng Domino sau sự kiện Brexit?
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố với việc các cử tri ủng hộ Brexit thắng thế, lãnh đạo một số quốc gia châu Âu khác là thành viên EU như Czech, Pháp, Italia, Phần Lan cũng đang tính đến phương án tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Mặc dù xu hướng “domino” có thể sẽ không xảy ra vì khác với Anh, các nước này không có đủ cơ sở để có thể làm nảy sinh xu hướng này.
Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo nước này đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Czexit (đưa Czech rút khỏi EU) vì ông không có đủ thẩm quyền để quyết định tổ chức trưng cầu dân ý.
Cho dù bản thân ông Zeman là người ủng hộ giữ Czech ở lại trong thành phần EU nhưng ông cho rằng việc lắng nghe ý kiến của người dân và tạo cho họ cơ hội bày tỏ ý kiến của mình là điều cần thiết.
“Rất nhiều người chỉ đơn giản là muốn lắng nghe ý kiến của người dân và Milos Zeman đang cố gắng thực hiện động thái này nhưng điều đó sẽ không thể được thực hiện thông qua Quốc hội.
Tôi nghĩ rằng Brexit đang khiến nhiều nước quan ngại, trong đó có Czech”- Tổng biên tập tạp chí “Praha Express” Irina Schulz nhận định.
Được biết, Tổng thống Czech Milos Zeman là chính trị gia có quan điểm thân Nga và đã không ít lần thực hiện các động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Moscow. Ngoài ra, Milos Zeman còn nổi tiếng như là “tổng thống của nhân dân”.
Rất nhiều người dân ủng hộ Milos Zeman nên nếu như Czech tổ chức trưng cầu dân ý thì sẽ có đến khoảng 62% cử tri tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ Czexit.
Ngoài Milos Zeman, thủ lĩnh đảng cánh hữu “Mặt trận dân tộc” Pháp Marine Le Pen cũng đã tính đến sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Frexit. Marine Le Pen cho rằng Pháp có nhiều lý do để rời khỏi EU hơn Anh.
Bà Marine Le Pen được cho là đã theo đuổi mục đích này từ năm 2013 nên đã đưa ra lời hứa sẽ đứng ra tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này nếu như được bầu làm Tổng thống Pháp.
Theo Marine Le Pen, nếu như kết quả cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra theo hướng Frexit thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng sẽ làm nảy sinh một “châu Âu mới”.
Trên chính trường Pháp, Marine Le Pen có thể tìm được không ít đồng minh ủng hộ mình. Hiện tâm lý của người Pháp nói chung với EU là không mấy thiện cảm do những vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng nhập cư.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội mới nhất, có đến 61% người dân Pháp có thái độ tiêu cực với EU.
Tuy nhiên, quan điểm của bà Marine Le Pen không nhận được sự ủng hộ của đương kim Tổng thống Pháp F.Hollande khi ông Hollande tuyên bố rằng “sự kiện Brexit là một tấm gương tiêu cực”.
Bất chấp quan điểm này của ông Hollande, đảng “Mặt trận dân tộc” của bà Marine Le Pen sẽ vẫn đưa vấn đề về cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào trong chương trình vận động tranh cử của mình.
Tình hình tương tự như ở Pháp cũng đang diễn ra ở Italia với sự khởi xướng của các chính trị gia có thái độ tiêu cực với EU đến từ đảng “5 ngôi sao”.
Thủ lĩnh đảng này là Beppe Grillo đã không ít lần đưa ra các tuyên bố về sự cần thiết phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Italexit.
Đảng này đang nhận được khá nhiều lợi thế trong việc triển khai thực hiện ý tưởng của mình khi thành viên của đảng là Virzinio Radzi mới được bầu làm Thị trưởng Roma.
Ở Phần Lan, các đại diện của đảng theo chủ nghĩa dân tộc mới được thành lập “Người Phần Lan thực sự” cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Phần Lan ra khỏi EU (Finexit).
Một thành viên tích cực của đảng này là Sebastian Triukkunen thậm chí còn đứng ra viết đơn thỉnh cầu với yêu cầu về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Chủ tịch đảng “Người Phần Lan thực sự” Thimo Soini dù đã bác bỏ thông tin cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về Finexit sẽ được tổ chức trong thời gian tới nhưng vẫn cam kết rằng sau 2,5 năm nữa, sau khi chương trình mới của Chính phủ được hình thành, “Người Phần Lan thực sự” sẽ đưa ra ý tưởng về tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này.
Quan điểm nước đôi này của Soini hoàn toàn có thể giải thích được.
Sau khi “Người Phần Lan thực sự” giành được vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Phần Lan, Soini được giao tiếp quản Bộ Ngoại giao nên không muốn thực hiện các chính sách đi ngược với chính sách của Chính phủ khi Chính phủ Phần Lan luôn ủng hộ quy chế thành viên của Phần Lan trong EU.
Theo Phó Giáo sư Nikolai Topornin, chuyên gia về luật châu Âu thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow, mặc dù xuất hiện một số quốc gia muốn tổ chức trưng cầu dân ý sau Brexit nhưng hiện vẫn là quá sớm để nói về khả năng sẽ xảy ra “domino”.
“Rõ ràng có tồn tại xu hướng này nhưng đó mới chỉ nằm trong các tuyên bố. Hiện ở tất cả các quốc gia thành viên EU đều có những người ủng hộ xu thế này và sự kiện Brexit đang gieo hy vọng cho họ.
Tuy nhiên, không có bất cứ quốc gia nào trong số các quốc gia nói trên có đủ cơ sở thực sự để tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý. Phần lớn người dân các quốc gia này đều phản đối ý tưởng đưa đất nước họ ra khỏi EU”- Nikolai Topornin đánh giá.