Ngày 4/7/2016 vừa qua, ông Lệnh Kế Hoạch (cựu Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương) đã bị xử tù vô thời hạn vì tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và ăn cắp bí mật quốc gia. Như vậy, kể từ sau Đại hội 18, chính quyền ông Tập Cận Bình đã xử lý 3 quan chức hàng đầu: Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch.
Ông Lệnh Kế Hoạch đã bị xử tù vô thời hạn như ông Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang
Bài này xin nhìn lại những tương đồng và khác biệt trong những vụ xử án đình đám này.
Cấp bậc và thời điểm
Ông Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch đều là quan to đứng đầu bộ máy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Bạc Hy Lai và ông Lệnh Kế Hoạch ngã ngựa ngay trong lúc đương chức, còn ông Chu Vĩnh Khang bị xử lý khi đã về hưu.
Việc xét xử ông Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch có những điểm khác biệt, vì xảy ra ở những giai đoạn khác nhau trong chiến dịch đả hổ của ông Tập Cận Bình, khi tương quan lực lượng giữa hai bên không ngừng thay đổi. Việc xử lý ông Bạc Hy Lai – tấn công vào đầu não của tập đoàn Giang Trạch Dân, giải quyết âm mưu chính biến của tập đoàn họ Giang; còn với việc ông Chu Vĩnh Khang bị xử lý, chính quyền ông Tập Cận Bình đã chặn đứng quá trình leo thang lớn mạnh của thế lực của ông Giang, biến ông Giang Trạch Dân thành mục tiêu cuối cùng trong chính sách “đả hổ”. Đến nay, khi ông Lệnh Kế Hoạch nhận án tù vô thời hạn, những nhân vật cuối cùng sa lưới, cũng là thời điểm mà thế lực của ông Tập Cận Bình được gia cố vững vàng, chuẩn bị cho đòn cuối cùng đối với ông Giang Trạch Dân.
Địa điểm và thái độ
Địa điểm xét xử ông Bạc Hy Lai ở Tế Nam – Sơn Đông, việc xét xử công khai, phát sóng trực tiếp. Xử ông Bạc Hy Lai là một vở kịch hoàn hảo, dù bề ngoài có vẻ lột được bộ mặt nạ ác quỷ của ông Bạc Hy Lai, nhưng về mặt chính trị, chính quyền Trung Quốc đã không cho công bố tội quan trọng nhất là âm mưu chính biến và chống lại loài người qua việc bức hại Pháp Luân Công, khiến phiên tòa biến thành vở náo kịch, không đạt được hiệu quả như nhiều người mong đợi. Khi ông Bạc Hy Lai lật cung tại tòa, quyết không nhận tội và một mực chống án, ông Tập Cận Bình phần nào rơi vào tình huống bị động, gặp ít nhiều khó khăn.
Nhưng tình hình xử vụ án Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch đã thay đổi, nơi xét xử ở Thiên Tân và đã tránh được tình trạng như đã xảy ra trong vụ Bạc Hy Lai. Khác hoàn toàn với Bạc Hy Lai, tại tòa, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch có thái độ hợp tác và cho biết không kháng án.
Vì sao có sự khác biệt hoàn toàn như vậy? Ở đây, ngoài bối cảnh chính trị và vấn đề nhân cách khác nhau của đương sự, chắc hẳn nguyên nhân quan trọng hơn là tình thế chính trị của giới quan chức cấp cao đã hoàn toàn thay đổi. Khi xử Bạc Hy Lai thì Chu Vĩnh Khang chưa ngã ngựa, thế lực phái Giang đứng sau Bạc Hy Lai đang tích cực chống trả, khi đó Bạc Hy Lai còn ôm hy vọng sẽ giành lại ưu thế, vì vậy mà còn dám cứng giọng tại tòa.
Còn khi xử ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch, ông Tập Cận Bình dường như đã khống chế được cục diện, phe ông Giang đã sụp đổ, không còn cơ hội lật lại được thế cờ, việc bắt ông Giang Trạch Dân chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong tình hình này, ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch đã cúi đầu nhận tội, không còn dám cứng giọng như ông Bạc Hy Lai.
Về tội danh
Tội danh giống nhau giữa ông Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch là “tham ô” và “lạm dụng chức quyền”; còn khác nhau là ông Bạc Hy Lai thiên về “tội tham ô”, ông Chu Vĩnh Khang thiên về “làm lộ bí mật quốc gia”, còn ông Lệnh Kế Hoạch thiên về “ăn cắp bí mật quốc gia”.
Thực chất, cho dù có xử tội ba kẻ này khác nhau như thế nào, nhưng điểm chung giống nhau quan trọng nhất mà chính quyền không dám công khai là: Tham gia trong kế hoạch lật đổ ông Tập Cận Bình và tội ác bức hại Pháp Luân Công. Trong đó ông Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang là những vai diễn quan trọng nhất trong tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Còn ông Lệnh Kế Hoạch khi làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương có tham gia bức hại Pháp Luân Công hay không thì chưa rõ, nhưng sau khi ông ta nhậm chức Trưởng ban Mặt trận thống nhất, hoạt động bức hại Pháp Luân Công tại hải ngoại chỉ tăng mà không giảm, vì thế ông Lệnh Kế Hoạch khó thoái thác trách nhiệm. Tội chung của ba nhân vật này đóng vai trò quan trọng giúp ông Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công. Đến nay họ cùng bị xử tù vô thời hạn, đây như một cái giá phải trả cho những tội ác của họ đối với Pháp Luân Công.
Về phe ông Giang
Ông Lệnh Kế Hoạch bị xét xử tháng 7/2016, đây là thời điểm quan trọng nhất mà chính quyền ông Tập Cận Bình đang xiết chặt vòng vây đối với gia tộc ông Giang Trạch Dân, cũng là đêm trước của hội nghị Bắc Đới Hà. Chính quyền Trung Quốc cũng vừa thảo luận thông qua “Điều lệ truy cứu trách nhiệm”, mục đích được cho là để mở đường xử lý ông Giang Trạch Dân.
Những phe khác nhau trong quan trường Trung Quốc có lợi ích và mục đích chính trị khác nhau, nhưng điểm chung là sự tranh giành quyền lực và tiền tài. Vì thế, quan chức tham ô không chỉ là quan chức thuộc phe ông Giang. Nhưng sự khác biệt lớn nhất trong mục đích chính trị của phe ông Giang là gì? Đó chính là bức hại Pháp Luân Công. Vì di sản lớn nhất mà ông Giang Trạch Dân để lại chính là cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Sau khi ông Giang giải nhiệm, vấn đề tìm cách thoái tội vì tham gia bức hại Pháp Luân Công lại trở thành mục tiêu hàng đầu của phe cánh ông Giang.
Trong thời ông Giang Trạch Dân nắm quyền, điều kiện cơ bản để trở thành thành viên phái Giang, từ đó được thăng quan phát tài là phải tích cực bức hại Pháp Luân Công để lập công với ông Giang Trạch Dân. Trong tình hình này, sau khi ông Lệnh Kế Hoạch nhậm chức Trưởng ban Mặt trận thống nhất đã phụ trách hoạt động bức hại Pháp Luân Công ở bên ngoài Trung Quốc đại lục để lập công. Vì thế, nhìn từ góc độ này thì ông Lệnh Kế Hoạch có thể xem là quan chức phái Giang. Có thể nói, tất cả những quan chức tham gia bức hại Pháp Luân Công đều gọi là quan chức thuộc phe ông Giang, cho dù bối cảnh xuất thân như thế nào.
Sau hơn ba năm sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, hàng trăm quan to đã bị ngã ngựa vì tội danh “tham ô”, nhưng có đến 90% những quan chức ngã ngựa này đều tham gia vào tội ác bức hại Pháp Luân Công, tên tuổi đều có trong danh sách truy cứu của Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công. Như vậy, nếu phải xác định chính quyền Trung Quốc đang đánh vào những tham quan như thế nào, câu trả lời chính là phe cánh ông Giang. Những tham quan ngã ngựa tiếp theo trong thời gian tới sẽ tiếp tục minh chứng cho quan điểm này.