Việc bảo đảm an toàn cho nhà máy phóng xạ trên biển cũng như khắc phục hiện tượng rò rỉ phóng xạ là rất khó khăn.
Một thiết kế nhà máy điện hạt nhân nổi trên mặt nước của Nga.
Khắc phục rò rỉ phóng xạ trên biển là điều vô cùng khó
Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển, có thể được sử dụng để hỗ trợ những dự án phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Hiện Trung Quốc có 30 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và đang tiến hành xây dựng 24 nhà máy điện hạt nhân khác, tất cả đều ở trên đất liền.
Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Hữu Huân – Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng sinh thái biển, viện hải dương học Nha Trang cho biết: “Trên đất liền, nhà máy điện hạt nhân được trang bị một hệ thống đặc biệt an toàn để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ trong trường hợp gặp sự cố mà nhiều khi cũng không tránh khỏi.
Đối với các nhà máy nổi lênh đênh trên biển, có nhiều rủi ro ngoài khả năng dự báo của con người như: bão, sóng thần, va chạm…thì xác suất xảy ra sự cố sẽ cao hơn.
Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn cho nhà máy phóng xạ trên biển là rất khó khăn, nhất là trường hợp mất điện, sự cố FUKUSHIMA cũng do mất điện bơm nước làm mát là ví dụ điển hình.
Và khi sự cố xảy ra, việc khắc phục hiện tượng rò rỉ phóng xạ trên biển là điều vô cùng khó so với trên đất liền vì lúc đó không dễ khoanh vùng và hạn chế lan truyền phóng xạ như trên mặt đất”.
Theo ông Huân, thực ra, đặt nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông sẽ nhiều rủi ro vì đây là khu vực xảy ra nhiều bão, động đất, sóng thần. Hơn thế nữa, đặt di động trên biển sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia vì nếu sự cố xảy ra trên biển sẽ tác động đến cả các vùng biển của nhiều nước trong khu vực. Và tất nhiên, việc đó không thể nào Trung Quốc lại tự tiện được.
Tuy nhiên, Trung Quốc làm các nhà máy điện hạt nhân trên biển cũng không ngoài âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Hơn nữa, trên thế giới, chưa ai làm và cũng chưa dám làm, do vậy, kinh nghiệm ứng phó là không có.
“Về phần liên quan đến biển thì:
Thứ nhất, rủi ro của nhà máy trên biển sẽ gấp nhiều lần trên đất liền vì tính an toàn không cao.
Thứ 2, nếu rủi ro xảy ra, tác động của nó sẽ rất lớn vì phóng xạ lan trong môi trường biển sẽ ảnh hưởng nhanh và trên phạm vi rất rộng hơn trên đất liền.
Thứ 3, khắc phục sự cố trên biển là vô cùng khó khăn, tốn kém vì biển cả mênh mông.
Cuối cùng, về tác nhân: ô nhiễm phóng xạ là nặng nề hơn rất nhiều lần các chất độc hại thông thường khác vì tính bền vững của nó”, ông Huân nhấn mạnh.
Phải có báo cáo phân tích an toàn
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, PGS TS Nguyễn Nhị Điền – Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết: “Có thể đến nay Trung Quốc đã kiểm soát được công nghệ làm nhà máy điện hạt nhân trên biển.
Trên thế giới hiện nay, có Nga là nước đã từng đề xuất đến nhiều ý tưởng, nhưng chưa thực hiện cụ thể, chưa đưa vào khai thác, hoạt động chính thức.
Vấn đề nếu thiết kế tốt thì không quá đáng lo ngại vì nguyên lý hoạt động nhà máy điện hạt nhân trên biển cũng như nhà máy điện hạt nhân trên lục địa. Tàu ngầm nguyên tử cũng chính là một nhà máy điện hạt nhân trên biển, nếu không rò rỉ, xử lý chất thải tốt thì không quá đáng lo”.
Theo ông Điền, hiện nay, mới chỉ có những ý tưởng, còn chưa có thiết kế chi tiết nên loại hình nhà máy điện hạt nhân này chưa được phổ biến rộng rãi.
Đặc biệt, sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima của Nhật, nhiều nước tuyên bố loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân quá cũ hoặc xem xét xây dựng các dự án mới nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn hạt nhân.
Đây là loại hình nhà máy di chuyển chỗ này, chỗ khác được, sau khi khai thác ở vùng này không còn hiệu quả thì di chuyển sang vùng khác. Tuy nhiên, đây là nhà máy công suất không lớn bằng nhà máy trên lục địa nhưng thuận lợi đi đến những vùng hẻo lánh và cung cấp nguồn điện ổn định.
Là một nước láng giềng, với những mối nguy hại về ô nhiễm môi trường biển, ông Điền khẳng định: “Khi làm các dự án trên, Trung Quốc phải được yêu cầu có những báo cáo phân tích an toàn của cơ quan được quyền cấp phép, chúng ta trên cơ sở đó tìm hiểu thêm, để có những phương án dự phòng”.