Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiFormosa tự đổi công nghệ luyện cốc: Hành vi tội ác

Formosa tự đổi công nghệ luyện cốc: Hành vi tội ác

Nếu Formosa tiếp tục sử dụng công nghệ xử lý cốc ướt thì sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề với môi trường.

Tiềm ẩn nhiều độc hại từ công nghệ xử lý cốc ướt mà Formosa đang sử dụng.

Tiềm ẩn nhiều độc hại từ công nghệ xử lý cốc ướt

Mới đây, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ mà không báo cáo cơ quan chức năng.

Cụ thể, Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô- công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt, phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Ths Đỗ Thanh Bái, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội đồng trách nhiệm XH của Doanh nghiệp hóa chất Việt Nam, thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT về chấp hành pháp luật về môi trường tại công ty Formosa.

Theo ông Bái công nghệ xử lý cốc khô và xử lý cốc ướt rất khác nhau vì liên quan đến phương thức cũng như chi phí đầu tư. Nguyên liệu ban đầu của 2 phương pháp này đều từ than và ra sản phẩm là cốc giống nhau. Đến khi tiến hành dập cốc nóng sẽ có 2 phương thức lựa chọn, một theo kiểu truyền thống chứa đựng nhiều rủi ro và một theo kiểu hiện đại, thân thiện và an toàn với môi trường.

“Từ than mà nung trong lò để ra cốc thì sẽ ra than nóng đỏ. Chúng ta cần phải dội nước lạnh và làm nguội nó đi để hình thành từng cục cốc. Quá trình đó gọi là quá trình dập cốc hoặc tôi cốc.

Có 2 cách xử lý cốc. Thứ nhất là cách tôi cốc bằng nước. Công nghệ rất cổ điển là công nghệ làm bằng nước, dập cốc nóng từ 1200-1300 độ xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh.

Phương pháp này sinh ra rất nhiều chất hóa học, trong đó có Phenol, cyanua, amoniac… và rất nhiều những thứ khác. Một lượng hóa chất lớn đã bay lên trời theo hơi nước.

Nhưng công nghệ hiện đại người ta dập cốc nóng đỏ đó bằng khí trơ và trong hệ kín. Khi chúng ta dập như vậy thì có lợi rất lớn. Thứ nhất là lấy được nhiệt để vận hành máy phát điện. Thứ hai là bởi vì có nước nên không hình thành ra Phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác. Đây là công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường nhưng đầu tư công nghệ vào rất lớn”, ông Bái phân tích.

Theo vị chuyên gia, trước đây, ở khu gang thép Thái Nguyên từng có một dây truyền sản xuất cốc nhỏ nhưng bằng công nghệ xử lý cốc ướt. Phương pháp này đã bức tử Thượng Cầu- sông Cầu Thái Nguyên từ nhiều năm về trước và sau đó đã phải đóng cửa.

Đến thời điểm này, Formosa Hà Tĩnh là nhà máy sản xuất cốc đầu tiên ở Việt Nam và cũng là nhà máy thép liên hợp đầu tiên làm cái này. Tuy nhiên với việc sử dụng công nghệ xử lý cốc ướt thay vì công nghệ xử lý cốc khô, vị chuyên gia khẳng định tác động đến môi trường xung quanh sẽ rất lớn.

“Formosa sử dụng công nghệ ướt nên đã thải ra rất nhiều chất thải phenol,  cyanua và là một yếu tố tác động gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Nếu công nghệ này tiếp tục thì nó sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường biển một cách lâu dài”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chôn chất thải dưới đất cực kỳ nguy hiểm

Trước việc cơ quan chức năng phát hiện Formosa chôn 100 tấn chất thải tại trang trại của giám đốc công ty môi trường đô thị Kỳ Anh, Ths Bái khẳng định việc làm này vô cùng nguy hiểm và thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội của Formosa.

“Hiện nay chúng ta chưa biết được rõ chất thải này là gì. Tuy nhiên theo suy đoán của tôi rất nhiều khả năng là chất thải từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp cũng như hệ thống xử lý nhà máy cốc hiện nay chưa xử lý được của Formosa cho nên họ đành phải lưu giữ tạm thời.

Vì doanh nghiệp này cố tình cho rằng đây là chất thải không gây hại nên đã giao cho công ty môi trường đô thị Kỳ Anh và  đem chôn lấp chất thải tại trang trại của ông giám đốc”, ông Bái nói.

Vị chuyên gia cho rằng, việc chôn chất thải trong trường hợp này của Formosa là vi phạm pháp luật và cần phải xem xét, điều tra để xử lý.

“Đây là hành động vi phạm pháp luật. Thứ nhất, chất thải không thể đem chôn dưới đất như vậy được.

Thứ hai công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh làm không đúng chức năng để xử lý chất thải.

Thứ ba là khi chưa biết chất thải là gì và chưa biết tác động của nó như thế nào mà chôn trong môi trường đất thì là hành động cực kỳ nguy hiểm cho môi trường, cho sức khỏe con người, nhiều thứ trong tương lai. Tôi cho rằng đây là một hành vi phạm tội, tội ác về mặt môi trường”, ông Bái nêu quan điểm.

Huy động toàn dân cùng giám sát

Trước những tác động môi trường mà Formosa vừa gây ra tại các tỉnh miền Trung, Ths Bái khẳng định giám sát việc phát sinh và xả thải của doanh nghiệp này là hết sức cần thiết.

Theo vị chuyên gia, đây là việc bắt buộc phải làm về mặt pháp luật. Nếu không giám sát một cách nghiêm túc thì môi trường sẽ bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng không những trước mắt mà về lâu dài.

“Việt Nam đã có hàng loạt hệ thống để giám sát. Đầu tiên đó là hệ thống về pháp luật. Riêng với nước thải thì có tiêu chuẩn về nước thải, khí thải thì có tiêu chuẩn về khí thải, với chất thải rắn có tiêu chuẩn của chất thải rắn…

Bên cạnh đó, nhà nước đã xây dựng cả một hệ thống tổ chức từ cấp xã đến huyện, tỉnh, Trung ương để quản lý việc này.

Ví dụ Trung tâm quan trắc môi trường ở Hà Tĩnh đã làm việc giám sát nước thải và thải ra biển của Formosa, còn giám sát được hay không lại là chuyện khác. Và hiện nay họ cũng đang tiến hành quan trắc khí thải, phác thải từ nhà máy điện cũng như nhà máy cốc của Formosa.

Rồi người ta cũng yêu cầu Formosa xử lý chất thải rắn. Đối với cái chất thải rắn thông thường thì phải giao cho công ty môi trường của Hà Tĩnh xử lý, đối với chất thải rắn nguy hại thì cũng phải ký hợp đồng với các công ty được Bộ TNMT cấp phép.

Ngay thời điểm này ở Hà Tĩnh đang có 1 đoàn cán bộ của Cục quản lý chất thải người ta vào và đào bãi chất thải hàng trăm tấn để đưa mẫu đi xét nghiệm”, Ths Bái dẫn chứng.

Vị chuyên gia cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các ĐBQH về việc tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động về môi trường của Formosa.

“Hệ thống pháp luật có rồi nhưng nếu chúng ta không nghiêm, không đủ năng lực thì xử lý sẽ không hiệu quả. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà máy Formosa và công ty được giao quản lý chất thải. Nếu đạo đức của họ không tốt thì dù chúng ta có giám sát doanh nghiệp vẫn xả trộm. Và trên thực tế ở Hà Tĩnh họ đã xả trộm đã gây tác động rất nhiều đến hệ thống môi trường rồi.

Vì thế phải kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống pháp luật của nhà nước, các giải pháp kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhưng cũng đồng thời phải kết hợp với trách nhiệm xã hội, đạo đức môi trường của bản thân Formosa và các công ty làm nhiệm vụ quản lý chất thải tại Formosa”, Ths Bái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta phải tăng cường sự giám sát của quần chúng nhân dân, huy động người dân cùng lực lượng chức năng phát hiện các sai phạm về môi trường, xả thải để xử lý theo đúng các quy định.

“Chúng ta đang ít và còn thiếu sự giám sát của cộng đồng dân cư. Việc xả thải ra biển của Formosa bị phát hiện là do người dân lặn biển. Gần đây cũng vậy bãi thải ở công ty môi trường đô thị Kỳ Anh cũng do dân nghi ngờ báo cơ quan chức năng chứ không phải do cảnh sát môi trường hay cơ quan quản lý môi trường phát hiện ra.

Thậm chí Sở TNMT còn trả lời không biết gì. Mới đây còn có tin Formosa mang đổ rác thải tại gần bãi biển Thiên Cầm. Những chuyện này chứng tỏ nhân dân biết nhưng tiếng nói của nhân dân chưa được trân trọng, lắng nghe. Chúng ta phải coi trọng điều này”, Ths Bái khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới