Nhận định về hành động của Trung Quốc sau phán quyết, ông Chu Công Phùng cho rằng nước này sẽ đàm phán với Philippines. Nhưng đó là cuộc đàm phán “đồng sàng dị mộng”.
Người Philippines vui mừng trước phán quyết của Tòa trọng tài.
Liên quan đến phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Cố vấn Viện chiến lược Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987 – 1991) Chu Công Phùng về một số vấn đề.
Cuộc đàm phán Trung Quốc – Philippines: “Đồng sàng, dị mộng”
PV: Sau khi phán quyết của Toà Trọng tài được đưa ra, các chuyên gia thế giới đã đưa ra 5 kịch bản về phản ứng của Trung Quốc khi thua kiện.
Cụ thể, đó là: Phủ nhận phán quyết của Toà Trọng tài; lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông; hung hăng hơn trên khắp châu Á; đánh chìm “tiền đồn quân sự” của Philippines ở Bãi Cỏ mây (thuộc chủ quyền của VN); đàm phán song phương với Philippines.
Là một người có thời gian công tác tại Trung Quốc khá dài và am hiểu Trung Quốc, ông dự đoán kịch bản nào có khả năng sát với thực tế nhất?
Ông Chu Công Phùng: Tôi cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ là tổng hợp cả 5 kịch bản này.
Kịch bản đầu tiên thì đã rõ rồi, Trung Quốc không công nhận phán quyết của PCA. Và không công nhận thì họ sẽ dùng hành động thực tế của họ để tiếp tục khẳng định về yêu sách “đường 9 đoạn” của họ.
Họ sẽ tiếp tục có nhiều hành động như cho máy bay bay ra Trường Sa, tiếp tục tôn tạo các đảo chiếm đóng phi pháp (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam), tiếp tục xâm phạm biển của Philippines và các nước khác. Trung Quốc sẵn sàng và đang rất muốn dùng vũ lực để thị uy và giải quyết tranh chấp.
Ảnh vệ tinh chụp đá Châu Viên mới đây do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS đăng tải mới đây cho thấy
Trung Quốc đang ráo riết triển khai thiết bị quân sự ra các đảo, đá mà họ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Và nếu Mỹ có đưa tàu chiến vào để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải thì Trung Quốc sẽ không ngần ngại khiêu khích đối đầu nhằm đánh lạc hướng dư luận đang quan tâm về trách nhiệm của nước này sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Còn việc xảy ra xung đột Trung – Mỹ lại là vấn đề khác.
Thứ hai là Philippines rất khôn ngoan. Ngoại trưởng của họ, Tổng thống mới của họ đã tuyên bố sau phán quyết của Toà Trọng tài, nước này sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên biển (đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí) trong vùng thềm lục địa của Philippines (chứ không phải vùng tranh chấp), tức là hợp tác khai thác trong vùng chủ quyền của Philippnes
Về phần Trung Quốc, họ đang bị bẽ mặt sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nếu không ngồi vào đàm phán thì sẽ càng trơ trẽn và cô lập. Tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ đàm phán với Philippines để chứng tỏ với thế giới rằng cũng sẵn sàng đàm phán với các nước và cùng khai thác trên cơ sở “chủ quyền thuộc ngã” (thuộc về họ-PV) chứ không phải chỉ có hành động hung hăng.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán này là “đồng sàng dị mộng” kéo dài vô thời hạn và mỗi bên có một ý đồ riêng, sẽ chẳng có bên nào đạt được kết quả cụ thể.
Và đương nhiên, hai bên sẽ ra sức tuyên truyền theo hướng có lợi cho mình. (Philippines sẽ nói rằng hai nước khai thác trên vùng thềm lục địa của Philippines, Trung Quốc thì nói rằng Trung Quốc khai thác trên vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc).
Hai ngày nay, Trung Quốc đang tẩy chay và chà đạp lên phán quyết của Toà trọng tài. Tôi cho rẳng, nếu nhà văn Lỗ Tấn có sống lại chắc chắn ông ta sẽ có tư liệu sống để viết tiếp cuốn tiểu thuyết “chủ nghĩa AQ hiện đại”.
Rõ ràng, Trung Quốc đang mất nhiều thứ, đó là uy tín của một nước lớn và là Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Hỏi từ nay còn ai tin vào Trung Quốc nữa. Theo cách chơi chữ của người Trung Quốc thì họ đang chìm vào bi kịch “thân bại danh liệt”
Việt Nam nên ứng xử như thế nào?
PV: Lâu nay, phía Trung Quốc vẫn luôn rêu rao là không quan tâm và không coi trọng vụ kiện. Nhưng trước khi có phán quyết, Trung Quốc đi vận động các nước ủng hộ quan điểm của mình. Khi có phán quyết thì đồng loạt các quan chức từ thấp đến cao nhất của Trung Quốc lên tiếng. Những điểm này nói cho thấy điều gì từ phía Trung Quốc, thưa ông?
Ông Chu Công Phùng: Những điều đó cho thấy Trung Quốc ở thế rất yếu, rất lo sợ. Họ biết rằng họ không có chứng cứ lịch sử, chứng cứ pháp lý. Họ cứ nói rằng không coi trọng vụ kiện nhưng họ biết thừa, nếu tham gia thì họ thua. Chính vì thế khi Toà Trọng tài đưa ra phán quyết thì họ “như đỉa phải vôi”.
PV: Với việc họ tổ chức tập trận ngay trước khi Toà Trọng tài đưa ra phán quyết, ông có nghĩ rằng họ làm như vậy là để khoe sức mạnh doạ Philippines?
Ông Chu Công Phùng: Không những doạ Philippines mà còn doạ các nước khác, thậm chí còn có ý răn đe cả Mỹ để khẳng định sức mạnh của mình. Hơn nữa, họ còn kích động cả phía Đài Loan cùng đưa tàu chiến đến Trường Sa để khoe khoang sức mạnh của “đế chế Trung Hoa” . Tuy nhiên Đài Loan cũng có những tính toán riêng của họ, họ không dại gì để Bắc Kinh “xui dại”.
PV: Theo ông, điều gì có giá trị nhất trong phán quyết của Toà trọng tài đối với việc đấu tranh pháp lý của các nước ở Biển Đông?
Ông Chu Công Phùng: Tôi cho rằng, trong 3 nội dung phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế, nội dung có giá trị pháp lý nhất là Tòa đã công khai kết luận “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn”.
Đây là mấu chốt của vụ kiện, là mối quan tâm nhất không chỉ của Philippines mà cũng là mối quan tâm nhất của các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và dư luận quốc tế.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên ứng xử như thế nào?
Ông Chu Công Phùng: Thứ nhất, về đấu tranh ngoại giao, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp giữa hai bên ở Vịnh Bắc Bộ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong các cuộc đàm phán sắp tới, chúng ta đã có thêm công cụ để đấu tranh, đó là phán quyết của Toà Trọng tài.
Thứ hai là, chúng ta cần cương quyết và cứng rắn hơn trong xử lý các vụ việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm biển đảo Việt Nam. Không cho phép những “tàu lạ” hung hăng hoạt động đe dọa an ninh của ngư dân chúng ta tác nghiệp trong vùng biển của Việt Nam.
Thái độ của ASEAN
PV: Ông có nghĩ, phán quyết của Toà Trọng tài sẽ là một “án lệ” để áp dụng cho các trường hợp tranh chấp trong thời gian tới ở Biển Đông?
Ông Chu Công Phùng: Chính xác. Tôi nghĩ rằng đây là vụ kiện thế kỷ. Lần đầu tiên, một nước nhỏ, yếu, bền bỉ 3 năm khiếu kiện một nước mạnh, đồng thời là uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ.
Kết quả cuối cùng, công lý và lẽ phải đã thuộc về quốc gia nhỏ yếu hơn. Phán quyết đó hoàn toàn khách quan.
Phán quyết này sẽ khuyến khích các nước nhỏ vững tin giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước lớn khác khi không thông qua được bằng con đường đàm phán song phương.
Nếu Trung Quốc còn ngang ngược, còn uy hiếp các nước nhỏ trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tôi nghĩ rằng, sẽ còn có “Philippines” thứ 2, thứ 3… tiếp tục khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
PV: Phán quyết của Toà Trọng tài có ảnh hưởng đến các nước ASEAN như thế nào, thưa ông?
Ông Chu Công Phùng: Trong 10 nước ASEAN có những nước không liên quan gì đến tranh chấp trên Biển Đông, có nước vì quyền lợi kinh tế… nên họ giữ lập trường trung lập trong các diễn đàn khu vực về Biển Đông. Trung Quốc đã tận dụng tối đa khía cạnh này để phân hóa, chia rẽ ASEAN.
Tuy nhiên, phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài đã xua tan những nghi ngại của một số nước ASEAN về tính pháp lý ở Biển Đông, chắc chắn góp phần quan trọng vào việc củng cố sự nhất trí của các nước ASEAN trong các diễn đàn đàm phán ASEAN – Trung Quốc để đạt tới ký kết bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ
PV: Quan tâm đến Biển Đông không chỉ có các nước ASEAN có lợi ích trực tiếp mà còn có các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ… Vậy những nước này sẽ hành xử như thế nào sau phán quyết của Toà Trọng tài, thưa ông?
Ông Chu Công Phùng: Hai nước quan tâm nhiều nhất đến Biển Đông trong số các nước trên là Mỹ và Nhật Bản với những lợi ích khác nhau. Nhật Bản là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.
Nước này cũng là nước có lợi ích rất lớn ở Biển Đông khi tự do hàng hải được đảm bảo. Nhật Bản đã ủng hộ rất mạnh mẽ các nước Đông Nam Á trong vấn đề đấu tranh pháp lý với Trung Quốc về Biển Đông.. Vì thế, tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục sự ủng hộ các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông.
Còn với Mỹ, họ đang thực hiện chiến lược tái cân bằng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và gặp phải rào cản lớn là tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Vì quyền lợi trong tự do hàng hải và lợi ích của chính Mỹ với các đồng minh, Mỹ cũng sẽ ủng hộ các nước ở ASEAN trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc.
Lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực Biển Đông
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khả năng đụng độ trực tiếp giữa Mỹ với Trung Quốc tại Biển Đông là rất ít vì cả hai bên đều không muốn mối quan hệ giữa họ bị đổ vỡ. Mỹ sẽ tiếp gia tăng sức ép lên Trung Quốc (bằng pháp lý, bằng thực địa), buộc Trung Quốc lún sâu vào cuộc khủng hoảng Biển Đông, biển Hoa Đông để Mỹ rảnh tay thực hiện các bước đi chiến lược của họ.
PV: Nhìn vào hai ứng cử viên Tổng thống của Mỹ, ông có nghĩ vị Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông?
Ông Chu Công Phùng: Tôi nghĩ rằng dù vị ứng cử viên nào được bầu làm Tổng thống thì phán quyết của Tòa Trọng tài vừa rồi cũng sẽ là cơ sở pháp lý để giúp họ có thêm con bài để ứng xử với Trung Quốc theo chiều hướng tích cực cho các nước ASEAN liên quan.