Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNga không còn ủng hộ Trung Quốc sau phán quyết của PCA?

Nga không còn ủng hộ Trung Quốc sau phán quyết của PCA?

Nếu như gần đây Nga tuyên bố ủng hộ các cuộc đối thoại song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN liên quan tới những tranh chấp ở Biển Đông thì nay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, Moskva đã tỏ ra thận trọng.

 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Trong cuộc họp báo ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc về phát triển Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đồng thời cho biết, Nga giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp tại khu vực này.

Tuy nhiên, diễn tiến của các sự kiện có liên quan trong thời gian gần đây đã khiến giới quan sát quốc tế phải suy ngẫm ít nhiều về lời tuyên bố này, và đã có không ít ý kiến trái chiều nhau. Vậy bản chất vấn đề nằm ở đâu?

Trước hết, lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau 2 ngày kể từ khi có phán quyết của PAC về Biển Đông, điều đó cho thấy người Nga cần có thời gian cân nhắc trước khi đưa ra tuyên bố.

“Quan điểm của Nga về tình hình ở Biển Đông trước sau như một và không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ việc các bên tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển nói trên nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm cách giải quyết các bất đồng bằng con đường chính trị và ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật biển năm 1982, cũng như trên tinh thần các văn bản ASEAN – Trung Quốc” – trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

“Nga không tham gia vào vụ tranh chấp lãnh thổ này và cũng không đứng về phía nào. Chúng tôi tin rằng các bên liên quan phải tổ chức tham vấn và đàm phán theo cách họ tự xác định”, bà Zarakhova tuyên bố.

Tại cuộc một họp báo thường kỳ trước đây, bà Zakharova đã phủ nhận thông tin của một số nhà ngoại giao quốc tế cho rằng Nga đã can thiệp vào vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi tin rằng sự can thiệp của bên thứ ba sẽ càng khiến tình hình càng thêm trầm trọng. Nga không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông” – bà khẳng định.

Như vậy đủ thấy Nga trước sau vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề này.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn một số điều vướng mắc cần lý giải. Trước tiên là trong dư luận có một số ý kiến cho rằng Nga từng ủng hộ chủ trương đàm phán song phương mà Trung Quốc luôn nằng nặc yêu cầu các bên tranh chấp phải tuân theo, như vậy có nghĩa Nga nghiêng về phía Trung Quốc (?). Nhưng có thực sự Nga ủng hộ chủ trương đó?

Được biết, hồi cuối tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có lời phát biểu khẳng định rằng vấn đề chủ quyền với các đảo ở Biển Đông cần được giải quyết chỉ thông qua đối thoại trực tiếp.

“Lập trường của Nga về tình hình ở Biển Đông là không thay đổi – vấn đề này không nên quốc tế hóa, không một ai từ bên ngoài được can thiệp vào quyết định của họ” – ông Lavrov nói.

“Có Công ước LHQ về luật biển, có Bộ Quy tắc cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết, có những nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đó chính là những yếu tố kim chỉ Nam để giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, thông qua đối thoại trực tiếp của các nước liên quan bằng phương cách chính trị và ngoại giao” – Ông Lavrov nói thêm.

Đáng tiếc, giới ngoại giao quốc tế (bao gồm cả một số nước ASEAN) đã lý giải có phần sai lệch ý kiến này của Ngoại trưởng Nga. Ông nói “không nên quốc tế hóa” ngụ ý không nên có sự can thiệp của bên thứ ba, thứ tư, thứ n… vào vấn đề Biển Đông, chứ không phải không nên đưa vấn đề lên bàn nghị sự trên trường quốc tế, và ông cũng không hề có ý kiến nào phản đối việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Cụm từ “thông qua đối thoại trực tiếp của các nước liên quan” thì lại được lý giải (không rõ vô tình hay cố ý) là đối thoại song phương giữa từng nước với Trung Quốc (theo đúng ý đồ của Trung Quốc là bẻ đũa từng chiếc một), trong khi ý ông Lavrov có thể là các nước tham gia tranh chấp cùng đối thoại tập thể (theo chính sách bó đũa) với Trung Quốc để gia tăng áp lực.

Ngoài ra còn có một số ý kiến cho rằng do bị cộng đồng quốc tế cô lập sau sự kiện sáp nhập Crimea và bùng nổ chiến sự ở Đông Ukraine, Nga phải xích lại gần hơn với Trung Quốc để tìm kiếm đồng minh, nên đã có một số động thái (dù không rõ ràng) ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Nhưng giờ đây, khi tòa án quốc tế ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nếu Nga tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh thì sự cô lập quốc tế có nguy cơ sẽ còn gia tăng, mà Nga thì không bao giờ mong muốn điều đó, vì vậy đành phải nhích xa một bước ra khỏi Trung Quốc bằng cách tuyên bố giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những suy luận chưa có cơ sở thực tế vững chắc.

Nhìn chung, trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế ẩn chứa rất nhiều uẩn khúc lắt léo mà chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ. Hãy chờ xem Nga, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN sẽ có những động thái gì tiếp theo trong vấn đề này.

RELATED ARTICLES

Tin mới