Thursday, May 9, 2024
Trang chủĐàm luận“Lưỡi bò” đã bị cắt, sao Việt Nam chưa kiện TQ?

“Lưỡi bò” đã bị cắt, sao Việt Nam chưa kiện TQ?

Quả là giống thật. Mà lưỡi bò, hay lưỡi ngựa, lưỡi trâu thì cũng vậy thôi. Ông họa sĩ vẽ ra cái lưỡi ấy là một kẻ cực kỳ tham lam, nham hiểm, có hộ khẩu ở Trung Nam Hải.

Sau hơn ba năm rưỡi xem xét đơn kiện của Philippines, Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye đã ra phán quyết cuối cùng. Phi thắng kiện. Ông họa sĩ Tầu thua kiện. Đương nhiên sau khi bị cắt lưỡi, con bò vẫn sống nhăn. Nó nhảy dựng lên, lồng lên và rống lên những tiếng kêu lạ lùng.

Lai lịch của đường lưỡi bò như thế nào? Chuyện này dài như tiểu thuyết truyền thống chương hồi vốn rất thịnh hành từ hàng nghìn năm nay ở Trung Quốc. Nhưng nói ngắn gọn là thế này: Tháng 12-1947, đường chín đoạn trên Biển Đông, Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa được Bai Meichu – một viên chức thuộc nhà nước Cộng hòa Dân Quốc – vẽ. Phía bên trong đường lưỡi bò được coi là các vùng nước lịch sử (historic waters). Không rõ khi vẽ các vạch rời rạc như vậy Bai Meichu có đủ kiến thức về luật hàng hải quốc tế hay không, nhưng có nhiều khả năng là ông ta chủ yếu bị thôi thúc bởi bản năng sở hữu của kẻ có máu bành trướng.

Trước sự ngang ngược của Bắc Kinh, năm 2014, Washington đã hai lần yêu cầu chính phủ Đài Loan làm rõ cái gọi là đường 11 đoạn, mà họ vẽ ra năm 1947 và đang được Trung Quốc sử dụng với tên gọi “đường lưỡi bò 9 đoạn” để nhận vơ “cái ao nhà” của mình. Còn phía Trung Quốc trước đó đã lý giải rất rõ lai lịch của đường lưỡi bò. Ấy là vào ngày 23-3-2012 trên chuyên mục Luận đàm, Thời báo Hoàn Cầu đã viết thẳng tưng:“Năm 1930, chính vào 10 năm hoàng kim của Chính phủ quốc dân, một nhóm chuyên gia bắt đầu sử dụng thủ thuật tự vẽ “đường lãnh hải như một vòng tròn lớn hoa lệ ở biển Đông” để mở rộng lợi ích dân tộc. Một nhóm các chuyên gia du học từ nước ngoài trở về, trong tay cầm các bản đồ hàng hải của các nước Anh, Pháp, Mỹ.

Rồi sau đó họ tìm kiếm các đảo khắp trên bản đồ, chỉ cần có lợi cho Trung Quốc là khoanh vào đấy một đường tròn. Còn một nhóm người trong nước, tuy không đi du học nhưng cũng có cách làm của mình. Họ lật giở hàng đống sách sử để tìm tài liệu. Tìm từ triều Thanh đến triều Minh, triều Minh rồi lại triều Nguyên, rồi lại chuyển sang tận đời Tống, Đường, tìm trong chính sử rồi lại tìm trong dã sử, lần theo con đường hàng hải thái giám Tam bảo để rồi chỉ cần thấy “lão tổ tông (cha ông) đã đi qua nơi này, thấy rõ bãi cát nầy, nên đã vẽ lên trong sách nét bút nầy”.

Như vậy, Bắc Kinh đã kế thừa truyền thống của dân quốc, ngay lập tức vẽ đường biên giới đến tận cửa nhà người khác, cho rằng “dải đất này đều là của chúng ta”.

Đường lưỡi bò đại bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã ra đời như thế!

Trung Quốc đã dày công nhét vào đầu người dân nước này rằng đường lưỡi bò là thể hiện chủ quyền, lãnh hải của mình.

Thế nhưng phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài quốc tế đã ném toẹt cái bản đồ vô lối ấy vào sọt rác lịch sử. Tẽn tò và tức tối, nhưng Bắc Kinh đã không còn dám nhắc đến đường lưỡi bò trong “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông”vào  ngày 12-7. Không nhắc đến đường lưỡi bò trong yêu sách chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của nước này ở Biển Đông, nhưng thực tế họ vẫn in “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu, bản đồ, thư tịch. Và rồi tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế, Trung Quốc mượn mồm Tân Hoa xã xưng xưng nói rằng, rất nhiều quốc gia không ủng hộ phán quyết của PCA. Trên biển họ tiếp tục diễu võ giương oai, tập trận, bồi đắp đảo đá, tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không…

Về chủ quyền đối với các đảo cụ thể ngoài Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh còn yêu sách với cả quần đảo quần đảo Pratas gồm một số đảo nhỏ (họ gọi là Đông Sa) và bãi ngầm Macclesfield chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa”. Nghĩa là phán quyết là việc của Tòa, việc của Trung Quốc là bất chấp luật pháp quốc tế. Và, hỡi các quốc gia biển, hãy cảnh giác, khi “lưỡi bò” này bị cắt thì rất có thể một cái lưỡi khác lại mọc lên. Vì vậy, phải tạo dư luận quốc tế mạnh mẽ, lên án tư tưởng hành động bành trướng, kiên trì đấu tranh, trên cơ sở giữ vững hòa bình, luật pháp quốc tế.

Một giải pháp đấu tranh ngoại giao cần làm ngay là Việt Nam hãy kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế!

Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, nhiều đoàn đại biểu QH đã đề nghị như vậy. Cách đây gần hai năm, ngày 5-12-2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam  đã ra Tuyên bố gửi Tòa trọng tài Liên hợp quốc, bày tỏ thái độ dứt khoát ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.

Việt Nam đề nghị Tòa giải thích rõ và áp dụng ngay các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Đề nghị đó của Việt Nam đã trở thành hiện thực. Việc Tòa ra phán quyết cuối cùng là một dấu mốc lịch sử trong việc thúc đẩy pháp quyền và tìm kiếm giải pháp hòa bình, không bạo lực tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Sau Philippines, Nhật Bản đang chuẩn bị thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc. Cùng với Nhật Bản và có thể là một số quốc gia khác, Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc. Trong những nội dung quan trọng gửi tới Tòa quốc tế, nổi bật là: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

“Đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở nên vô giá trị.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới