Chuyên gia phân tích cho rằng, ông Erdogan đang dùng lệnh phong tỏa căn cứ Incirlik – nơi chứa bom hạt nhân B-61, để ép Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen.
Căn cứ không quân Incirlik là đại bản doanh của không quân liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phong tỏa căn cứ không quân Incirlik
Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra lệnh phong tỏa căn cứ không quân Incirlik, hàng nghìn quân nhân Mỹ cùng gia đình của họ đã bị “nhốt” trong căn cứ không quân này, cùng với đầy đủ các máy bay của Mỹ và các đồng minh Đức, Saudi Arabia…
Được biết, hiện quân đội Mỹ có khoảng 2.200 binh lính và nhân viên dân sự triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. 1.500 trong số đó và hầu hết máy bay đang đồn trú ở căn cứ không quân Incirlik. Quân nhân Mỹ trong căn cứ có đầy đủ các lực lượng kỹ thuật, hậu cần, quân y, vận tải…
Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/7 đã trôi qua được 5 ngày nhưng lệnh phong tỏa vẫn chưa được gỡ bỏ. Đã 5 ngày liên tiếp, liên quân Mỹ không thể sử dụng căn cứ này để tiến hành cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria và Iraq.
Quyết định phong tỏa căn cứ này của ông Erdogan được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, một máy bay chiến đấu F-16 của phiến quân đã được 1 máy bay tiếp dầu của căn cứ này bơm nhiên liệu, đồng thời 42 máy bay trực thăng vũ trang của căn cứ này cũng “không cánh mà bay”.
Liên quan đến vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt giữ Tư lệnh căn cứ Incirlik là Chuẩn tướng Bekir Ercan, vì tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính hôm 16/7 và sự biến mất bí ẩn của 42 chiếc trực thăng quân sự, mà 3 chiếc trong số đó đã tham gia cuộc đảo chính.
Trong chiến dịch thanh trừng quy mô lớn của chính quyền Erdogan sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, các sĩ quan cảnh sát và các nhà điều tra của Văn phòng Tổng Công tố và Bộ Tư pháp là những người duy nhất được phép vào căn cứ Incirlik và chỉ trong trường hợp khẩn cấp mới có thể rời khỏi đó.
Căn cứ không quân Incirlik còn đang bị lực lượng cảnh sát bao vây, bị cắt điện trong nhiều ngày, khiến quân đội Mỹ phải sử dụng các máy phát điện dự phòng để duy trì sự hoạt động của các hệ thống chỉ huy, hệ thống thông tin, hệ thống radar cảnh giới và các loại vũ khí
Được biết, căn cứ không quân Incirlik nằm ở tỉnh Adana phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với bờ biển Địa Trung Hải. Nó có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda ở Trung Đông và thậm chí là cả Bắc Phi.
Incirlik nằm rất gần tỉnh tây bắc Syria là Latakia – nơi có căn cứ không quân Hmeymim mà lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga hiện đang đồn trú và căn cứ bảo đảm hải quân Nga là Tartus, đồng thời cách thủ phủ không chính thức của tổ chức khủng bố IS ở Syria là Raqqa chỉ khoảng 285 dặm (460 km).
Hiện chưa rõ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ với các máy bay đồng minh kéo dài trong thời hạn bao lâu, nếu kéo dài thì nó sẽ là quyết định bất lợi cho liên quân Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS, giúp máy bay chiến đấu Nga “độc diễn” ở Syria.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất của lệnh phong tỏa căn cứ này không phải ở chỗ các quân nhân Mỹ và máy bay chiến đấu không được phép hoạt động, mà chủ yếu đến từ sự lo ngại về an ninh của những vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ đang cất trữ ở căn cứ này.
Nguồn tin quân sự của Debkafile cho biết rằng, những hầm sâu nằm gần dải đường băng của căn cứ này chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật B61. Các chuyên gia cho biết, Mỹ vẫn duy trì khoảng 50 quả bom hạt nhân chiến thuật B61 tại căn cứ không quân Incirlik.
Hiện hệ thống điện lưới của căn cứ đã bị cắt, nếu hệ thống máy phát điện của Mỹ trục trặc sẽ rất nguy hiểm cho công tác bảo đảm an ninh vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, Incirlik cũng hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu khủng bố tấn công trong bối cảnh rối ren hiện nay.
Tuy nhiên, điều lạ lùng ở đây đó là không quan chức Mỹ nào công bố những vấn đề nguy hiểm khi Ankara “nhốt” chặt quân Mỹ tại căn cứ Incirlik trước công chúng và các nhân sĩ đối lập Mỹ cũng không nêu sự việc tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa.
Sự việc chỉ được đề cập một cách ngắn gọn trong rằng, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cấm không cho bất cứ máy bay nào được cất cánh từ căn cứ này, đồng thời họ đã tiến hành khám xét, bắt bớ một số sĩ quan chỉ huy ở căn cứ không quân Incirlik.
Kể cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Erdogan hôm 19/7, lệnh phong tỏa căn cứ vẫn không được gỡ bỏ, mặc dù ông Obama đã có những “nhượng bộ” đáng kể và hứa sẽ có biện pháp “hỗ trợ cần thiết” cho cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ còn khoảng 50 quả bom hạt nhân B61 ở căn cứ không quân Incirlik
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng không nói chi tiết về lập trường của Mỹ về việc dẫn độ ông Gulen mà chỉ cho biết, quyết định sẽ được đưa ra căn cứ vào những hiệp định đã ký kết trước đây giữa Ankara và Washington.Một phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố, hai lãnh đạo cũng đã bàn về việc củng cố lòng tin của công chúng vào các thể chế dân chủ và pháp quyền, đồng thời cũng thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang sống tại bang Pennsylvania của Mỹ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik và tuyên bố rằng, Mỹ luôn chắc chắn rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác bền vững, đáng tin cậy và là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Với những động thái trên, các chuyên gia cho rằng, dường như ông Erdogan đang biến căn cứ Incirlik – nơi chứa vũ khí hạt nhân và máy bay Mỹ, cùng hàng nghìn quân thành “con tin”, nhằm gây sức ép buộc Washington dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính quân sự hôm 16/7.