Giới chức Hàn Quốc ngày 19.7 cho biết, Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên gần đây phát đi một chuỗi chữ số bí ẩn, kỳ lạ, rất đáng ngờ, dấy lên quan ngại, đây có thể là mật lệnh Bình Nhưỡng gửi cho các điệp viên đang hoạt động tại Hàn Quốc.
Triều Tiên bị nghi là truyền mật lệnh cho gián điệp của nước họ đang hoạt động ở Hàn Quốc bằng chuỗi chữ số bí ẩn qua đài phát thanh.
Các nhà mật mã học Hàn Quốc đang đau đầu giải mã một chuỗi số bí ẩn, kỳ lạ được phát sóng trên Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên gần đây.
Theo đó, một nữ phát thanh viên Triều Tiên đã đọc một chuỗi các chữ số bí ẩn trong 2 phút trên sóng vô tuyến vào ngày 24.6. Động thái tương tự như vậy tiếp tục lặp lại vào ngày 15.7 và kéo dài tới 14 phút, theo Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) và Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.
Nữ phát thanh Triều Tiên mô tả, chuỗi chữ số là “các bài tập ôn luyện vật lý (theo chương trình giảng dạy) giáo dục đại học từ xa cho các cán bộ thám hiểm địa chất ở trên khắp đất nước” hoặc các bài tập thực hành về toán học (theo chương trình giảng dạy) giáo dục đại học từ xa cho các cán bộ địa chất thuộc Đội thám hiểm địa chất 27.
Tuy nhiên, cả NIS lẫn Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đều không tin lời giải thích trên của nữ phát thanh viên Triều Tiên.
Các quan chức ở Seoul quan ngại, Bình Nhưỡng dường như đã khôi phục lại phương pháp truyền tin nhắn được mã hóa bằng chữ số từ thời Chiến tranh Lạnh để truyền mật lệnh cho các gián điệp của nước này.
Trong Chiến tranh Lạnh, Bình Nhưỡng thường gửi những chuỗi chữ số bí ẩn thông qua vô tuyến sóng ngắn nhằm truyền mật lệnh cho các gián điệp mà nước này cài cắm ở Hàn Quốc. Những gián điệp Triều Tiên bị bắt đã xác nhận phương pháp truyền tin trên.
Tuy nhiên, sau này, Triều Tiên được cho là đã bỏ phương pháp truyền tin mật thông qua các chương trình phát sóng và chuyển sang liên lạc với các điệp viên được cài cắm ở nước ngoài của mình thông qua Internet.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác ở Seoul lại cho rằng, Triều Tiên đang thực hiện một cuộc chiến tranh tâm lý thông qua động thái trên. Ông Yoo Dongryul, người đứng đầu của Viện Hàn Quốc vì Tự do Dân chủ ở Seoul cảnh báo, Triều Tiên có thể đang cố gắng đánh lừa các quan chức tình báo Hàn Quốc. Theo ông Yoo, Bình Nhưỡng dường như cố tình muốn Seoul tin rằng, nước này đang đẩy mạnh các hoạt động gián điệp.
Chuyên gia này cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không dại gì khôi phục lại phương pháp truyền mật lệnh đã được mã hóa thông qua chương trình phát thanh bởi động thái như vậy sẽ dễ dàng bị tình báo Hàn Quốc theo dõi và phát hiện. Cũng theo ông Yoo, hiện Bình Nhưỡng đang sử dụng phương pháp truyền tin tinh vi và hiện đại được gọi là steganography – các mật lệnh sẽ được cài cắm ẩn trong các tập tin âm thanh và video.
Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc tìm cách cài cắm gián điệp, hoạt động trong lãnh thổ của nhau. Những năm gần đây, cả 2 bên được cho là sử dụng phương pháp truyền thông tin qua Internet và vệ tinh cho các gián điệp ở nước ngoài của mình.