Vì là chuyến thăm Trung Quốc của một quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới “đường lưỡi bò”, nên chuyến thăm Bắc Kinh 4 ngày (từ 24-7) của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bởi một trong những nhiệm vụ của bà Susan Rice là thúc giục Trung Quốc tránh leo thang ở Biển Đông, trong khi quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Bà Susan Rice cũng khẳng định, Washington sẽ không để các cuộc khủng hoảng như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine làm chệch chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 25-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thủ đô Vientiane, Lào để tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49). Ông John Kerry tham dự các hội nghị ở Lào trước khi đến Manila hội đàm với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ông John Kerry là quan chức đầu tiên của chính quyền Obama gặp ông Rodrigo Duterte. Tại Manila, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Perfecto Yasay và Tổng thống Rodrigo Duterte. Washington sẽ xử lý các hệ quả của phán quyết Tòa Trọng tài như thế nào được nhiều người coi là thử nghiệm đối với uy tín của Mỹ trong khu vực. Giới truyền thông cho rằng, Mỹ đang sử dụng kênh ngoại giao để thuyết phục Philippines, Indonesia… không tích cực tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tờ Coast Guard News dẫn lời Chuẩn Đô đốc Joseph Vojvodic thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết, sáng 21-7, tàu khu trục lớp Del Pilar thứ 3 (DPCF) của Mỹ đã được chuyển giao cho Philippines tại căn cứ tuần duyên Alameda, bang California, Mỹ. Và từ nay con tàu này có tên là BRP Andres Bonifacio. Trước đó, Washington đã chuyển giao 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton và Manila tiếp nhận tàu Gregorio Del Pilar năm 2011 và tàu Ramon Alcaraz năm 2013. Cả 2 tàu này sau đó đều được trang bị vũ khí, thực hiện các chuyến tuần tra ở nhiều khu vực, trong đó có Biển Đông. Ngày 20-7, tờ Die Zeit của Đức đăng bài “Yêu sách của Trung Quốc được xây dựng trên cát” nhằm phê phán việc Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, quyết tâm thực hiện mưu đồ bá quyền tại Biển Đông. Và cho rằng, châu Âu không thể cứ trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền này.
Ngày 19-7, trên trang web USNI News của Học viện Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc nghỉ hưu Michael McDevitt đã nêu những quan ngại về việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ông Michael McDevitt cho rằng, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham sẽ trở thành căn cứ không quân cho phép Trung Quốc có tầm phủ radar toàn thời gian bao trùm hầu hết đảo Luzon, miền bắc Philippines. Và nếu nơi đây trở thành căn cứ sân bay của Trung Quốc, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham có khả năng biến khu vực này thành Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng khẳng định, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là một phần của lãnh thổ tranh chấp, và cũng như những tranh chấp trong khu vực, khu vực này có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự. Tuyên bố sẽ đánh chìm 3 tàu cá Trung Quốc đúng dịp kỷ niệm 70 năm độc lập của Indonesia (17-8), của Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti được dư luận quan tâm. Bởi trước đó, nữ bộ trưởng này từng thẳng thắn nhấn mạnh, Jakarta không nằm trong sự mở rộng của dự án “Con đường tơ lụa trên biển” đầy tham vọng của Trung Quốc, mặc dù không phủ nhận dự án này có thể giúp Indonesia kết nối với khu vực.
Tờ Thời báo Phố Wall dẫn phân tích của Thẩm phán Antonio Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines cho rằng, không có lực lượng “cảnh sát quốc tế” nào tồn tại để có thể ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng Manila có thể buộc Bắc Kinh phải chấp hành. Theo ông Antonio Carpio, về lâu dài, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được thực thi bởi thế giới không bao giờ chấp nhận để một quốc gia nào tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn vùng biển giáp ranh với nhiều quốc gia khác. Tân Hoa xã đưa tin, ngày 23-7, Trung Quốc đã hoàn tất việc chế tạo thủy phi cơ cỡ lớn AG600 mà Bắc Kinh dự kiến sử dụng để cứu hộ trên biển và đây là một dấu mốc quan trọng đối với Trung Quốc. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, AG600 (có trọng lượng cất cánh tối đa đạt 53,5 tấn và tầm bay tối đa 4.500km) là thủy phi cơ lớn nhất thế giới, có kích cỡ tương đương với Boeing 737.
Ngày 22-7, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, Bắc Kinh sẽ tiến hành tập trận trên biển trong 4 ngày, từ 26 đến 29-7. Liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s cho rằng, Trung Quốc có thể đã rút hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để đưa về đất liền bảo dưỡng. Cùng ngày 22-7, tờ South China Morning Post đưa tin, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc (phụ trách tác chiến tại Biển Đông) vừa công bố một loạt vũ khí chiến lược mới của hải quân, không quân, và đây là một động thái hiếm hoi. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các lực lượng thuộc Chiến khu miền Nam đã thao tác kỹ thuật diễn tập với tên lửa DF-16, có tầm bắn khoảng 1.000 km. Cảnh quay của CCTV cũng cho thấy, máy bay ném bom H-6K mới được triển khai để tuần tra bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Ngày 22-7, ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng Sự vụ Đài Loan ở Bắc Kinh tuyên bố, quan hệ 2 bờ phát triển hòa bình là ý nguyện của nhân dân 2 bờ và chỉ khi nền tảng chính trị là “Đồng thuận 1992” tiếp tục được tuân thủ thì mới có thể thực hiện được ý nguyện này. Bắc Kinh đưa ra phản ứng kể trên sau khi bà Thái Anh Văn trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post hôm 21-7. Đây là lần đầu tiên bà Thái Anh Văn trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, sau khi trở thành người đứng đầu Đài Loan hôm 20-5. Bài trả lời phỏng vấn của bà Thái Anh Văn khiến dư luận cho rằng, người đứng đầu Đài Loan từ chối chấp nhận “Đồng thuận 1992” và ủng hộ tư tưởng độc lập cho Đài Loan.