Friday, July 26, 2024
Trang chủBiển nóngVay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Quảng Ninh nói cần thiết

Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Quảng Ninh nói cần thiết

Các sở, ngành tại Quảng Ninh khẳng định việc xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là cần thiết, tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Các sở, ngành tại Quảng Ninh khẳng định rằng việc xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là cần thiết, tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Ảnh minh họa

Vay tiền Trung Quốc làm gì?

Liên quan đến việc Bộ GTVT, Bộ tài chính và Bộ kế hoạch – đầu tư đang xem xét lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay  hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc  để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông khẳng định, cần phải nhìn nhận lại vấn đề này.

Theo TS Sanh, đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có thể xem như dự án thành phần của dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Hiện nay, đoạn Hạ Long Vân Đồn đã có dự án BOT, chỉ còn gần 100 km đoạn Vân Đồn – Móng Cái.

“Cả hai ý kiến của Bộ GTVT, một là gộp vào BOT đang làm và hai là tách ra thành một dự án BOT khác, đều không khả thi và hiệu quả. Như vậy về mặt lý luận, dự án đoạn Vân Đồn – Móng Cái chắc chắn không khả thi, hiệu quả. Nếu không khả thi hiệu quả, thì vay tiền Ngân hàng Trung Quốc để làm gì. Đây là vay, chứ không phải cho không. Tóm lại, xem lại sự cần thiết đầu tư của dự án thành phần này”, TS Sanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý đến việc vay ưu đãi nhưng có ràng buộc về sử dụng nhà thầu Trung Quốc.

“Bộ GTVT chắc chắn biết rõ, có ràng buộc sử dụng Nhà thầu Trung Quốc hoặc không ràng buộc, điều kiện vay trả lãi sẽ hoàn toàn khác nhau.

Giả sử phía Ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay có điều kiện ràng buộc sử dụng Nhà thầu Trung Quốc, thì Bộ GTVT cũng phải cho biết nhà thầu gì (thầu chính, tổng thầu, EPC…), loại hợp đồng nào (trọn gói, điều chỉnh), sử dụng hàng hóa nhà thầu Việt Nam ra sao… Bộ GTVT đã có quá nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, mới đây và thấm thía nhất là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, không nên úp úp mở mở với Chính phủ, với người dân cả nước.

Tóm lại, khi Bộ GTVT vẫn còn chưa minh bạch rõ ràng trong quá trình chuẩn bị, thì việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc trong thời điểm bối cảnh hiện nay, sẽ là một lựa chọn chắc chắn không phù hợp vì thiếu rất nhiều sự đồng thuận đồng tình của nhiều giới nhiều ngành nhiều người dân trong cả nước”, TS Sanh nêu quan điểm.

Từ những lo ngại trên, vị chuyên gia khẳng định, để tránh hiện tượng bỏ thầu giá rẻ, rồi cứ trượt giá đội vốn như một số hợp đồng do nhà thầu Trung Quốc thi công, chỉ có áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, thưởng phạt rõ ràng.

“Tất nhiên, phía Việt Nam, phải chọn Ban quản lý dự án đủ năng lực, nhiều kinh nghiệm và có phẩm chất tốt trong điều hành quan hệ ứng xử với nhà thầu Trung Quốc. 

Thật ra, ai cho vay cũng có toan tính riêng, vấn đề là người đi vay tính sao cho 2 bên đều có lợi.Trên bình diện quốc gia, việc vay – trả còn phức tạp hơn nhiều, phụ thuộc nhiều mục tiêu và nhiều chiến lược phát triển của từng nước.

Riêng về dự án này, có lẽ Bộ GTVT nên đưa ra thêm các số liệu chi tiết về giao thông và vận tải minh chứng cho sự cần thiết phải đầu tư để đảm bảo cân đối hài hòa và mang lại hiệu quả bền vững trong lộ trình đầu tư mạng lưới đường cao tốc cả nước theo định hướng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt”, TS Sanh nhấn mạnh.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mang nhiều ý nghĩa lớn

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở xây dựng Quảng Ninh khẳng định, việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ mang nhiều ý nghĩa lớn cả về kinh tế lẫn xã hội.

“Dự án cao tốc này đã nằm trong quy hoạch mạng lưới quốc gia nên việc xây dựng là cần thiết. Đường cao tốc nối từ Hà Nội xuống Hải Phòng đã khánh thành. Quảng Ninh đã triển khai tiếp cao tốc  từ Hải Phòng sang Hạ Long và từ Hạ Long đi Vân Đồn.

Tuyến từ Vân Đồn đi Móng Cái nếu hình thành được sẽ rất tốt để kết nối hệ thống giao thông đường cao tốc quốc gia và kết nối cửa khẩu Móng Cái với TP Hạ Long, với Hà Nội, với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Về mặt phát triển kinh tế – xã hội thì sẽ rất tốt”, ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, phó Giám đốc Sở xây dựng Quảng Ninh cũng nhận định, đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nếu đi vào hoạt động cũng sẽ có tác động lớn đến các hoạt động thông thương, mua bán trao đổi giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.

“Chắc chắn việc giao lưu với Trung Quốc cũng sẽ thuận lợi hơn. Khu cửa khẩu Móng Cái cũng là một khu kinh tế đã được nhà nước xác định phê duyệt.  Về phía Đông Hưng, 1 thị xã phía bên Trung Quốc thì họ cũng đầu tư rất sầm uất.

Về xu hướng phát triển, giao lưu thông thương hàng hóa đây là một hướng thuận lợi rất lớn để phát triển kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khách du lịch đến các vùng miền. Nếu tận dụng được cơ hội này mà khai thác tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển, nâng cao mức sống của người dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cùng đưa ra quan điểm, đại diện Sở công thương Quảng Ninh cũng khẳng định dự án này sẽ có nhiều tác động đến bộ mặt của tỉnh trong vấn đề thông thương, giao lưu hàng hóa.

“Việc xây dựng đã có kế hoạch của chính phủ rồi. Chắc chắn dự án đi vào hoạt động sẽ có những thuận lợi. Tuy nhiên do dự án chưa triển khai nên chưa thể đánh giá hết được công suất và hiệu quả”, vị lãnh đạo nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới