Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ ép Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế về biển Đông

Mỹ ép Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế về biển Đông

Mỹ vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn đưa ra các điều kiện nhằm ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế về biển Đông.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc

Mỹ tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc

Ngày 26/7, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã nói với các đại diện của Trung Quốc trong một loạt cuộc gặp ở Bắc Kinh rằng Washington sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra hải quân trên vùng biển Biển Đông đang tranh chấp.

Quan chức giấu tên cho biết, trong các cuộc gặp với giới chức quân sự và ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, bà Rice đã nói với rằng “những hoạt động đó là hợp pháp. Chúng sẽ được tiếp tục”.

Trong một diễn biến có liên quan, chiều 26/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan.

Phát biểu với báo giới, ông Kerry cho biết ông sẽ khuyến khích Trung Quốc và Philippines tham gia đàm phán để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Những gì chúng tôi muốn thấy là một quá trình đối thoại. Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại và đàm phán song phương với Philippines”, ông Kerry nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ thông báo ông bay đến Philippines chiều 26/7 và có cuộc gặp với Tổng thống Rodrigo Duterte vào ngày 27/7, trong đó sẽ hối thúc Tổng thống Philippines tham gia đối thoại.

Nhà ngoại giao Mỹ một lần nữa khẳng định Washington không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington sẽ đứng về phía Luật pháp quốc tế.

Theo ông Kerry, việc Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài là một thách thức. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, coi phán quyết trên hoàn toàn có tính pháp lý, theo đúng trình tự giải quyết của luật pháp quốc tế.

Mỹ ép Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế về biển Đông?

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng bày tỏ quan điểm về những hành động gây hấn, làm gia tăng các căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc.

Một lần nữa, giới phân tích chỉ ra việc giới chức Washington khôn khéo sử dụng các biện pháp vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn để ép Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế về biển Đông.

Mới đây, hôm 18/7, Đảng Cộng hòa (Mỹ) đã thông qua bản cương lĩnh trong đó cho rằng Trung Quốc đang quyết đoán với những tuyên bố “phi lý” ở Biển Đông để đánh lạc hướng người dân Trung Quốc trước các vấn đề kinh tế trong nước.

Bản cương lĩnh này cũng tái khẳng định cam kết bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Ở một diễn biến khác, Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Hải quân Harry Binkley Harris sắp có mặt tại Nhật Bản và theo nghị trình, ông Harris sẽ cùng với phía Nhật Bản bàn thảo các biện pháp ứng phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh đó, dự kiến hai bên sẽ trao đổi ý kiến về việc chính thức vận dụng các điều khoản liên quan tới việc đảm bảo an ninh, thể hiện rõ mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa Mỹ và Nhật Bản.

Trước đó, tờ Thời báo New York (Mỹ) từng đưa tin ông Haris có lần tuyên bố Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến nổ ra vào đêm nay” và trong vấn đề Trung Quốc, Mỹ phải chuẩn bị tốt để đối phó với mọi hậu quả ở vị thế có lợi, bao gồm chuyện xảy ra ở Scarborough (Hoàng Nham/Panatag), toàn bộ Biển Đông hay một cuộc tấn công mạng nào đó.

Không chỉ thế hôm, phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc tại Bắc Kinh diễn ra từ ngày 5-6/7, Ngoại trưởng John Kerry nói rõ rằng nếu Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”.

Tuy không nêu cụ thể các biện pháp mà Mỹ có thể dùng để đáp trả, nhưng ông Kerry dường như ngầm chỉ việc Washington sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, triển khai các đơn vị quân đội đến Biển Đông.

Ông Kerry cũng đề nghị Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) liên quan đến vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cùng với đó, Mỹ cũng gia tăng sự hiện diện của mình trên các vùng Bắc Kinh chiếm giữ trái phép thời gian qua.

“Là một quốc gia dẫn đầu ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì an ninh, thịnh vượng và một giải pháp hòa bình cho các xung đột, các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở và tuân thủ việc thực hiện tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương”, thông báo của Hạm đội Thái bình Dương Mỹ khẳng định.

Trước đó, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, đã thăm tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis, đang được triển khai đến biển Đông.

Hôm 18/6, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu sân bay và các tàu hộ tống tiến hành diễn tập ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đây được coi là hành động nhằm phô trương sức mạnh của Mỹ nhằm cảnh cáo dã tâm gia tăng gây hấn của Trung Quốc.

Cùng với đó, phi đội máy bay EA-18G Growler đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Clark tại Philippines ngày 15/6 để tham gia huấn luyện với Không quân nước chủ nhà.

Rõ ràng, Mỹ đang tiến hành nhiều biện pháp từ cứng rắn đến mềm dẻo để gây sức ép và buộc Trung Quốc phải tuân thủ các phán quyết PCA cũng như ngừng gia tăng các gây hấn trên biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới