Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sẽ dùng “sức mạnh mềm” ở Biển Đông?

TQ sẽ dùng “sức mạnh mềm” ở Biển Đông?

Truyền thông thế giới cho rằng, Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng việc kết hợp sức mạnh quân sự với “sức mạnh mềm” và đàm phán song phương.

Tạp chí “Lợi ích quốc gia” Mỹ (National Interest) vừa qua có bài viết bình luận rằng, hải quân Mỹ vẫn đang hiện diện ở Biển Đông để kiềm chế sự “lộng hành” của hải quân Trung Quốc, đang nỗ lực hiện thực hóa âm mưu lâu dài là độc chiếm Biển Đông.

Giới lãnh đạo Nhà Trắng lo sợ rằng, Bắc Kinh có thể sẽ có hành động phiêu lưu nào đó, nhân cơ hội Tổng thống Obama chỉ còn tại vị những tháng cuối cùng và Washington đang bận rộn cho việc bầu chọn tổng thống mới, nhằm tạo ra một “sự đã rồi” đối với chính quyền mới tại Mỹ.

Tờ tạp chí Mỹ bình luận rằng, Trung Quốc sẽ không lùi bước trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, bởi họ đang cố gắng thực hiện một trong những mục tiêu của “Giấc mơ Trung Hoa” được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đưa ra ngày 29 tháng 11 năm 2012.

Nhìn từ góc độ quân sự, việc có thể kiểm soát được Biển Đông sẽ là cơ sở để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từng bước mở rộng phạm vi chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD – Anti access/Area denial) về phía Nam và phía Đông.

Nếu làm được như vậy, PLA có thể sử dụng hiệu quả hơn sức mạnh toàn diện của tàu ngầm và tàu mặt nước tiên tiến mà nước này sở hữu, sau đó, lực lượng không quân sẽ hỗ trợ đắc lực cho hải quân bành trướng thế lực ra khỏi khu vực Biển Đông, tiếp cận với Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không đưa ra những hành động phiêu lưu quân sự, mà nước này đang có những chiến lược dài hơi và rất bài bản. Bắc Kinh đang áp dụng “sức mạnh mềm” và những biến hóa trong ngoại giao để đối phó với phản ứng của dư luận quốc tế.

Bắc Kinh sẽ có những hành động cứng rắn như thế nào?

Với sức mạnh quân sự vượt trội của mình, rõ ràng là Trung Quốc có thể xem xét đến một kịch bản quân sự, nhưng một khi xảy ra xung đột vũ trang, hoặc thậm chí là leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực, Bắc Kinh thừa hiểu hậu quả sẽ như thế nào.

Thậm chí, nếu Bắc Kinh kiên quyết đưa ra những hành động cứng rắn, ngay cả công chúng Trung Quốc cũng sẽ có những hành động phản đối, dẫn đến sự mất ổn định trong nước, tình hình sẽ có những diễn biến rất bất lợi cho nước này.

Do đó, Bắc Kinh sẽ chỉ giới hạn hành động ở việc có thể lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và tăng cường lực lượng tàu Hải cảnh khổng lồ của mình xuống Biển Đông để nắm quyền kiểm soát thực tế khu vực biển này, kết hợp với việc gây chia rẽ ASEAN và tập trung đối phó với từng đối thủ.

Do đó, Trung Quốc có thể đưa ra 2 phương án như sau:

Thứ nhất là Bắc Kinh có thể tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và sử dụng lực lượng không quân bố trí tại các đảo chiếm đóng trái phép ở quân đào Hoàng Sa và Trường Sa, để thiết lập, bảo vệ và duy trì ADIZ trái phép đó.

Việc Bắc Kinh nỗ lực bồi đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và rạn san hô mà nước này đang kiểm soát phi pháp bằng vũ lực trên Biển Đông, sau đó xây dựng căn cứ quân sự để triển khai máy bay, tên lửa và các trang bị khác trên đó, có liên quan đến kịch bản này.

Thứ hai là Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng “Hải quân 2” (hay còn gọi là “Hải quân trắng”), tức các tàu Cảnh sát biển (Hải cảnh) và “lực lượng tàu cá chiến lược” (tàu cá bán vũ trang) để hỗ trợ cho hải quân nước này trấn áp các nước Đông Nam Á nhỏ bé bên bờ Biển Đông.

Trên thực tế là hiện Trung Quốc đang sử dụng lực lượng hải quân hùng mạnh để hỗ trợ cho việc thực hiên phương án thứ 2. Trên Biển Đông thường xuyên hiện diện hàng chục tàu Hải cảnh cỡ lớn, có những tàu lượng giãn nước lên tới hơn 10.000 tấn.

Trong thời gian tới, rất có thể Trung Quốc sẽ kết hợp cả việc sử dụng lực lượng hải quân để trợ uy, dùng lực lượng Hải cảnh để trấn áp các tàu công vụ của các nước khác và thiết lập ADIZ trái phép trên Biển Đông.

“Sức mạnh mềm”: Giải pháp quan trọng của Bắc Kinh

Bắc Kinh thừa hiểu được rằng, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự sẽ là sự lựa chọn rất nguy hiểm. Tổn thất về uy tín và hình ảnh đất nước sẽ thảm họa với nước này, những tuyên bố “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” của nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng sẽ trở thành lố bịch.

Vậy tại sao nước này vẫn đưa ra những tuyên bố sặc mùi hiếu chiến như vậy? Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc muốn sử dụng “cây gậy” răn đe quân sự để làm điểm tựa cho các giải pháp đàm phán song phương mà nước này cho là có lợi nhất.

Sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền về khả năng nước này có thể lựa chọn và đã sẵn sàng cho một giải pháp cứng rắn, thông qua sức mạnh quân sự vượt trội so với các nước đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Đây là sự răn đe Bắc Kinh muốn gửi đến Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á có mâu thuẫn trên Biển Đông, nhằm làm dấy lên tâm lý lo lắng trong đời sống xã hội các nước liên quan, tạo nên “sức mạnh mềm” “bất chiến tự nhiên thành” của nước này.

Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng quan hệ ngoại giao và gây sức ép về kinh tế, Bắc Kinh đã và đang làm cho các nước trong khối Asean không thể đoàn kết đối phó với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng Asean vừa diễn ra tại Lào từ 21 đến 26 tháng 7.

Vì vậy, việc áp dụng cái gọi là “quyền lực mềm”, kết hợp với chính sách ngoại giao phù hợp với từng đối thủ, trên cơ sở kiện định nguyên tắc đàm phán song phương để “Bẻ gẫy từng chiếc đũa” được Trung Quốc coi là giải pháp rất quan trọng, giúp nước này giành phần thắng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Do đó, các nước ASEAN cần phải có tinh thần đoàn kết, tỉnh táo, chuẩn bị sẵn các đối sách để đưa ra các đối sách kịp thời, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; huy động tất cả nội lực, kết hợp với sức mạnh của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn “lưỡi bò xâm lược” của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới