Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHọc giả TQ phản tỉnh: Phải tuân theo phán quyết PCA

Học giả TQ phản tỉnh: Phải tuân theo phán quyết PCA

Các học giả thúc giục Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA).

Tàu chiến Trung Quốc  (ảnh minh họa).

Trung Quốc đừng nói một đằng, làm một nẻo

Ngày 29/7, học giả nổi tiếng của Trung Quốc, cựu chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa có bài viết “Hoạch định ranh giới Nam Hải (Biển Đông) phải đồng bộ với quốc tế, trong đó chỉ rõ: Cựu Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc nói: “Trung Quốc luôn là nước tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) và xử lý các vấn đề về biển theo UNCLOS”, nhưng thực tế không phải như thế.

Lý Lệnh Hoa bác bỏ luận điệu ngang ngược, vô trách nhiệm “phán quyết PCA chỉ là mớ giấy lộn” của Đới Bỉnh Quốc.

Ông viết: Đối với Trung Quốc, hiểu toàn diện và chấp hành tinh thần cùng các điều khoản của UNCLOS là rất cần thiết. Khi đã ký vào UNCLOS, Trung Quốc cần phải hành xử theo tinh thần và điều khoản của nó.

Trung Quốc cần phải gây chữ Tín với thế giới, không nên nói một đằng, làm một nẻo. Việc phân định ranh giới Biển Đông phải đồng bộ với quốc tế, phải vạch ra biên giới của Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa. Chỉ có như vậy, Biển Đông mới có thể thực sự trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Trước đó, ngày 19/7, ông Lý Lệnh Hoa đã viết bài “Xin nhắc nhở Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc”, phê phán bài viết nhan đề “Trung Quốc mới là người tuân thủ pháp luật ở Nam Hải” của Tô Cách, Viện trưởng viện này đăng trên Thời báo Hoàn cầu ngày 19/7.

Trong bài viết, Tô Cách cho rằng: “Phán quyết PCA bất chấp thực tế, đổi trắng thay đen, chủ quan cắt rời sự liền mạch giữa lịch sử và địa lý; cố ý “đoạn chương tầm nghĩa” UNCLOS, dẫn tới phán quyết thiếu tính hợp pháp và tính công minh. Trung Quốc phản đối PCA vì họ thụ lý vụ kiện này là phi pháp và vô hiệu”.

Học giả Lý Lệnh Hoa chỉ rõ, nội dung bài viết của Tô Cách giống hệt bài viết của Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng nghiên cứu Hải dương Trung Quốc.

Ông cho rằng: “Cả 2 ông viện trưởng đều thiếu sự hiểu biết toàn diện về tinh thần và điều lệ của UNCLOS mà chính phủ Trung Quốc đã ký kết, thiếu sự nhận thức chính xác về nhất thể hóa kinh tế toàn cầu và vận mệnh chung của nhân loại hiện nay.

Nếu là những người chịu khó nghiên cứu UNCLOS, họ ắt thấy rằng phán quyết của Tòa thường trực trọng tài Quốc tế (PCA) không mâu thuẫn và xung đột với điều văn của UNCLOS, mà tương thông, liền mạch với nhau về nội dung.

Hơn nữa, phán quyết PCA đã làm rõ hơn các chi tiết của UNCLOS, nhất là thống nhất và quy phạm về địa vị pháp luật của các cấu trúc đảo, đá, bãi ngầm…ở cách xa bờ, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phân định ranh giới biển không chỉ trên Biển Đông mà cả Hoa Đông…”.

Ông Lý Lệnh Hoa cho rằng, các nhân vật quan chức nổi tiếng và “chuyên gia học giả” Trung Quốc cứ luôn miệng rêu rao không ngừng về cái “Đường 9 đoạn” mơ hồ là hoàn toàn không cần thiết. Cục diện căng thẳng ở Biển Đông gắn liền với làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan dâng cao ở trong nước và cũng liên quan đến sự mập mờ của các vị…”.

Trung Quốc khó bỏ qua phán quyết của tòa

Trong khi đó, PGS-TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật TP.HCM cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài đã giáng mạnh vào các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và Bắc Kinh đã có phản ứng tức thì đối với nội dung phán quyết.

Nước này đã tham gia vào một chiến dịch không ngừng phá hoại uy tín của phán quyết cũng như cố gắng gây áp lực để ngăn chặn phán quyết. Tuy nhiên, việc rút khỏi UNCLOS như hình thức để không bị ràng buộc bởi hiệu lực phán quyết sẽ là không thể.

Trước hết, phán quyết đã có hiệu lực và vì vậy việc rút khỏi công ước chỉ có thể là biện pháp tránh một vụ kiện tiếp theo trong tương lai (nếu có).

Mặt khác, UNCLOS cũng đem lại những lợi ích nhất định đối với Trung Quốc trong việc phân định biển khi họ có thể mở rộng ranh giới EEZ và thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở trên biển Hoa Đông (nơi nước này có tranh chấp với Nhật Bản).

Cuối cùng, với tư cách là một cường quốc đang muốn thể hiện vai trò lãnh đạo trên thế giới, việc rút khỏi một điều ước quốc tế mà mình đã ký kết và chịu sự ràng buộc rõ ràng sẽ làm giảm uy tín và hình ảnh của họ trong quan hệ quốc tế.

Ngay cả khi đối mặt với việc Trung Quốc không thi hành thì phán quyết vẫn có thể là một căn cứ được sử dụng bởi các bên liên quan để tác động thay đổi tổng thể trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc và buộc nước này phải tôn trọng luật quốc tế, chẳng hạn như hạn chế các hành vi đơn phương khai thác tài nguyên khoáng sản trên vùng biển của quốc gia khác, cản trở ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông.

Tất nhiên, kết quả cuối cùng vẫn còn phải phụ thuộc vào cách mà các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ phản ứng ra sao với phán quyết.

Ông Dũng khẳng định, việc không tuân thủ của quốc gia này không thể nói lên được rằng phán quyết của Tòa trọng tài thất bại, cũng không phải là một bằng chứng cho thấy chính sách thực tế có hiệu lực cao hơn pháp luật. Thay vào đó, phán quyết đưa một số lợi ích rất thực tế mà không chỉ tập trung vào việc không tuân thủ của Trung Quốc. Mục tiêu của phán quyết là đưa ra kết luận cuối cùng mang tính ràng buộc trong một vụ tranh chấp pháp lý về việc giải thích và áp dụng UNCLOS.

Khi vụ việc lắng xuống, có lẽ Trung Quốc sẽ thấy giá trị của việc giải quyết tranh chấp bằng một bên thứ ba về luật Biển sẽ giống cách mà một phán quyết quốc tế được công nhận giá trị trong các tranh chấp thương mại. Đến lúc đó, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác sẽ khó lòng bỏ qua phán quyết khi đàm phán giải quyết về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới