Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngVề phán quyết Vụ kiện Trọng tài Biển Đông (Kỳ 2)

Về phán quyết Vụ kiện Trọng tài Biển Đông (Kỳ 2)

Nội dung thứ 2 trong Phán quyết của Tòa Trọng tài đã phân tích, giải thích cặn kẽ, cụ thể và rất thuyết phục về giá trị hiệu lực của các thực thể địa lý trong Biển Đông để sử dụng cho việc xác định các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông

Liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ: Phán quyết của Tòa Trong tài chỉ nhằm khẳng định rằng ở quần đảo Trường Sa, nếu căn cứ vào các quy định của UNCLOS về hiệu lực của các thực thể địa lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, thì tất cả các thực thể ở đây không đủ điều kiện để hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Kể cả đảo Ba Bình, mặc dù đó là một đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, cho dù cấu tạo bằng đất,san hô hay bằng đá, nhưng đó là một đảo quá bé nhỏ, với diện tích khoảng 0,4 km2, lại nằm trong khu vực địa lý có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho sự sinh sống của con người (nếu không có sự can thiệpcải tạo của con người) và đương nhiên là không có đời sông kinh tế riêng.

Trong phán quyết Tòa không đề cập đến các thực thể này thuộc chủ quyền nước nào và vùng biển mà chúng đang tồn tại trong đó là của ai, vì Tòa Trong tài không có thẩm quyền bàn đến.Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm chính thức bảo lưu chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên việc chúng ta ủng hộ và bảo vệ phán quyết của Tòa Trong tài thì không hề có ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì, về mặt nguyên tắc, Việt Nam đã luôn luôn tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì chúng ta phải bảo lưu lập trường này, giữ gìn nguyên tắc trước sau như một.

Trước khi bước vào đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với các bên liên quan,tuyệt đối không thể vì bất kỳ lý do nào mà từ bỏ bất cứ một thực thể nào trong phạm vi quần đảo Trường Sa, dù là do Philippines, Malaysia hay Đài Loan đang chiếm đóng…Vì vậy, tháng 12 năm 2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói với các nhà báo ở Hà Nội rằng: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”. Đông thời Việt Nam cử đoàn dự phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc, một biểu hiện tích cực hưởng ứng quá trình thụ lý và xét xử của HDTT, là thiện chí của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, hiện đang đứng trước những thách thức về tính hiệu lực của bản “Hiến chương xanh” này!

Nội dung thứ 2 trong Phán quyết của Tòa Trọng tài đã phân tích, giải thích cặn kẽ, cụ thể và rất thuyết phục về giá trị hiệu lực của các thực thể địa lý trong Biển Đông để sử dụng cho việc xác định các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Có thể thấy rằng những lập luận của Tòa đã khiến chúng ta phải soi lại mình để có những hiệu chỉnh cho phù hợp ngay từ trong nhận thức về những khái niệm cơ bản thế nào là đảo, quần đảo, quốc gia quần đảo, các thực thể địa lý (hay còn gọi là các cấu trúc địa lý) không được coi là đảo? Chẳng han, “tổng thể quần đảo Trường Sa” đượcTòa kết luận đó là một “thực thể thống nhât” có quy chế pháp lý riêng, chứ không theo quy chế của “quốc gia quần đảo” tại quy định Điều 47, UNCLOS 1982, như Trung Quốc từng giải thích và áp dụng Điều này để công bố hệ thống đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) năm 1996. Đây chính là việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 của Trung Quốc. Họ cũng đang có phương án lặp lại điều tương tự ở Trường Sa. Tuy nhiên, với phán quyết này, Tòa đã cảnh báo và ngăn chặn tính toán này của Trung Quốc.

Còn Việt Nam chúng ta cũng như một số bên liên quan cho đến nay mới chỉ đưa ra những phát biểu quy định mang tính nguyên tắc về các vùng biển tạo ra bởi các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa theo UNCLOS 1982 chứ chưa công bố chính thức phạm vi cụ thể của các vùng biển này theo UNCLOS 1982. Trở ngại nằm trong chính trong nhận thức của chúng ta. Bởi vì, có không ít người cho rằng Việt Nam cũng nên xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho một số thực thể ở Trường Sa với hy vọng sẽ “dễ quản lý”, không để Trung Quốc và các thế lực khác dễ dàng qua lai tự do trong vùng nước nằm ở khoảng giữa các thực thể này, gây bấy lợi cho việc phòng thủ, bảo về đảo. Tuy nhiên, điều đó có thể gây nên hiệu ứng “lợi bất cập hại”, vô tình “mở đường cho hươu chạy”. Chính phán quyết của Tòa cho thấy chúng ta không thể áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 một cách tùy tiện để phục vụ những mục đích ngắn hạn, nhất thời. Mặt khác, chúng ta càng làm rõ yêu sách các vùng biển tạo ra bởi các thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa mà chúng ta có chủ quyền, cũng như những thực thể chúng ta đang quản lý thực thi chủ quyền trong thực tế, sẽ càng góp phần vào việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ UNCLOS 1982 và hạn chế bớt những mâu thuẫn, tranh chấp có thể nảy sinh do tình trạng nhập nhằng ngoài thực địa.

Như vậy, nội dung Tòa Trọng tài tuyên về hiệu lực của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa như phân tích ở trên, rõ ràng đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức pháp lý hết sức có giá trị để vận dung trong thực tế có hiệu quả nhất. Thiết thực nhất là sẽ có tác động tích cực để gỡ được nút thắt của tiến trình ASEAN và Trung Quốc gặp phải trong quá trình tiến hang tham vấn, đàm phán để ký được một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ai ai cũng đang kỳ vọng. Sở dĩ trước đây COC không đi đến đâu vì tranh cãi chủ yếu xung quanh phạm vi áp dụng nó. Vì muốn hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi hỏi phạm vi điều chỉnh của COC phải nằm trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn. Và tất nhiên không một quốc gia nào ven Biển Đông chấp nhận điều phi lý này. COC không thể ký kết được chính là do cái nút thắt này. Hy vọng phán quyết này sẽ giúp cho các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nó nhằm nhanh chóng ký kết dược COC.

Phán quyết phủ nhận”quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn”: Phán quyết của Tòa nêu rõ: “Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “ quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”.

Như vậy có thể thấy, Tòa không chỉ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông như dư luận mong đợi, mà quan trọng hơn nữa Tòa đã kết luận kông có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với “tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”. Nói cách khác, Tòa đã làm rất rõ về “quyền lịch sử” đối với “tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”, chứ không phải “chủ quyền lịch sử” với các thực thể đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm bên trong đường 9 đoạn” như cách giải thích của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Một là thể hiện rõ tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết vì phán quyết này là việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không liên quan đến “chủ quyền/lãnh thổ” và phân định biển, nên Trung Quốc không thể bác bỏ. Hai là bác bỏ “quyền lịch sử” với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn, hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Điều này cũng sẽ giúp cho chúng ta có thêm cơ sở để bác bỏ quan điểm thể hiện trong các tuyên bố của Trung Quốc rằng Trung Quốc có “chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa từ thời cổ đại” dựa theo cái gọi là nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”, một nguyên tắc hết sức mơ hồ và nguy hiểm đối với sự tồn tại hợp pháp của các quốc gia trên thế giới…

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới