Dù Hiến pháp chưa cho phép Nhật hoàng thoái vị song nếu trở thành hiện thực, quyết định này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các thành viên trong hoàng tộc và đất nước Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito hiện đã 82 tuổi và là vị hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản. Ảnh: Getty
Trong bài phát biểu mới nhất vào sáng 8/8, Nhật hoàng Akihito bày tỏ những lo ngại rằng tuổi tác của mình sẽ ảnh hưởng đến các công việc của Hoàng gia.
Cũng vì những lo ngại này mà hồi tháng 5, Nội cung Hoàng gia Nhật Bản đã ra thông báo về việc cắt giảm các hoạt động của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Việc Nhật hoàng Akihito mong muốn thoái vị là điều hết sức dễ hiểu và cũng được phần lớn người dân Nhật ủng hộ.
Hoàng cung với truyền thống cha truyền con nối lâu đời
Vị hoàng đế cuối cùng thoái vị là Thiên hoàng Kokaku năm 1817, những năm cuối cùng của thời kỳ Edo. Khung pháp lý hiện hành của Luật Hoàng gia không cho phép Nhật hoàng được thoái vị.
Việc thay đổi các điều luật này đều phải thông qua Nghị viện, một hành động được cho là sẽ mang lại những cuộc tranh luận xoay quanh mối quan hệ của Hoàng gia với đất nước, vai trò của Thiên hoàng đối với một Nhật Bản hiện đại và đặc biệt là quyền thừa kế.
Nhật Bản là quốc gia có chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới và chưa từng gián đoạn từ năm 660 trước công nguyên tới nay (2.700 năm). Hiện giờ, ngôi vị Nhật hoàng chỉ mang tính biểu tượng và không nắm quyền điều hành đất nước nhưng vẫn luôn được tôn kính dưới chế độ quân chủ lập hiến.
Nhật hoàng là người định ra niên đại của nước Nhật. Ví dụ năm 2016 là năm thứ 28 Nhật hoàng Akihoto. Và khi có người kế vị, số năm lại được tính lại từ đầu. Khi cha ông Akihoto, Nhật hoàng Hirohito, mất năm 1989, đó là năm 64 của ông.
Nhật hoàng có thể thoái vị hay không?
Theo luật thì không. Luật Hoàng cung hiện tại không có điều luật về thoái vị. Để thoái vị, sẽ cần phải thay đổi luật Hoàng cung – quá trình sẽ cần nghị viện Nhật Bản thông qua. Việc này có thể dẫn tới suy luận là Hoàng cung tác động tới hệ thống chính trị – điều bị cấm theo Hiến pháp hiện tại.
Đây là lý do Nhật hoàng trong bài phát biểu của mình chỉ nói gián tiếp về sức khỏe yếu, về tuổi tác đang ảnh hưởng thế nào tới việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Ông từng phải điều trị ung thư vào năm 2003 và từng phẫu thuật tim năm 2012.
Luật thừa kế?
Theo luật, quyền thừa kế ngai vàng chỉ dành cho con trai. Thái tử Naruhito, 56 tuổi, là người tiếp theo trong danh sách kế vị. Tuy nhiên, ông chỉ có con gái là công chúa Aiko nên những người tiếp theo trong danh sách thừa kế là em trai của ông, Hoàng tử Akishino, và con trai, Hoàng tử Hisahito.
Sơ đồ phả hệ của Hoàng gia Nhật Bản gồm Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko; Thái tử Naruhito, Công nương Masako và Công. chúa Aiko; Hoàng tử Fumihito,
Công nương Kiko, các con gái: Công chúa Mako, Công chúa Kako, con trai: Hoàng tử Hisahito; Cựu công chúa Sayako Kuroda và chồng Yoshiki Kuroda. Đồ họa: CNN
Nhiều chính trị gia và học giả đã kêu gọi thay đổi quyền thừa kế trong Hoàng gia, vấn đề cuối cùng trong công cuộc bình đẳng giới ở Nhật Bản. Thậm chí, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng từng cân nhắc việc thay đổi Hiến pháp để cho phép phụ nữ được quyền thừa kế.
Vấn đề này nay lại trở nên nóng lại và có thể gây chia rẽ Nhật Bản bởi với những người mang tư tưởng bảo thủ, việc một người phụ nữ lên nắm ngai vàng là điều họ ghét cay ghét đắng. Thời kỳ trước Thế chiến II, Thiên hoàng ở Nhật được người dân tôn sùng như thần thánh.
“Kể cả khi người dân đồng ý với quyết định này thì có vẻ như quốc hội hiện tại cũng không thực sự muốn thay đổi điều luật này”, Jeff Kingston, giám đốc VIện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, Tokyo, cho biết.
Vị thái tử ẩn mình
Nếu Nhật hoàng Akihito thoái vị, người sẽ nhận được nhiều sự chú ý bên cạnh Thái tử Naruhito là Công nương Masako. Kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993, Công nương Masako từng được kỳ vọng là sẽ thay đổi hình ảnh truyền thống và có phần cứng nhắc của hoàng gia Nhật Bản. Tuy nhiên, từ sau khi kết hôn, những lễ nghi hà khắc và cuộc sống tù túng đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Công nương Masako.
Từ một người phụ nữ hiện đại, năng động, bà dần trở nên khép kín và ít xuất hiện trước công chúng hơn. Áp lực sinh con nối dõi và sự chỉ trích từ giới truyền thông trong nước được cho là nguyên nhân khiến bà mắc chứng trầm cảm.
“Công nương Masako đã xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Công nương Masako có thể ủng hộ Thái tử Naruhito như Hoàng hậu Michiko với Nhật hoàng Akihito”, ông Kingston phân tích.
Thái tử Naruhito cùng Công nương Masako và con gái vẫy chào người dân từ trong ôtô. Ảnh: Getty
Nhật hoàng Akihito là Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản. Ông sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn Nhật còn tham chiến nên kể từ khi lên ngôi năm 1989, Nhật hoàng Akihito đã thể hiện rõ mình là một người chủ trương hòa bình. Ông nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc trước những hành động của phát xít Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20.
Thái tử Naruhito cũng có đồng quan điểm với cha mình: “Dù bản thân tôi không trải qua thời chiến nhưng tôi tin rằng, kể cả khi những ký ức đau thương của chiến tranh đang phai dần, quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận quá khứ một cách khiêm tốn và truyền đạt thật chính xác lịch sử cũng như những kinh nghiệm đau thương đến người dân, từ những người đã trải qua cuộc chiến đến những người có ít hiểu biết về nó”.
Chuyên gia Kingston cho rằng, sau khi thừa kế ngai vàng, Thái tử Naruhito sẽ tiếp tục vai trò là sứ giả hòa bình của Nhật Bản trong tương lai.