Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngQuyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa

Quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa

Nếu thiếu những tiếng nói giải thích cho rõ có thể dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong dư luận Việt Nam về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc. Hình minh họa.

Reuters ngày 10/8 dẫn nguồn tin riêng từ một số quan chức quốc phòng và ngoại giao phương Tây nói rằng, Việt Nam đã bí mật bổ sung một số bệ phóng tên lửa di động mới có khả năng tấn công các đường băng Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn lên 5 điểm đảo ở Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời Reuters rằng: “Thông tin này không chính xác”. 

Tuy nhiên bản tin đặc biệt của Reuters lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông quốc tế cũng như phản ứng của các bên liên quan, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

Trong ngày 10/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elizabeth Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Washington đã nắm được thông tin trên, đồng thời tuyên bố:

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, thực hiện các bước thiết thực để xây dựng lòng tin, tăng cường những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp.” 

Trung Quốc cũng đã có phản ứng chính thức. Sáng 11/8, trang China.org.cn dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này trả lời qua văn bản rằng, Trung Quốc “phản đối” hoạt động triển khai quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Tất nhiên Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc rằng Việt Nam “chiếm đóng bất hợp pháp một bộ phận quần đảo Trường Sa”, mà Trung Quốc đòi “chủ quyền”. 

Phòng thủ ở Trường Sa là quyền chính đáng và hợp pháp của Việt Nam

Cá nhân người viết không bàn về thông tin của  Reuters đúng hay sai. Nhưng xin lưu ý một sự thật là, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ là nhà nước đầu tiên đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hợp pháp, hòa bình và liên tục từ khi chúng còn là đất vô chủ.

Sau này các bên liên quan nhảy vào tranh chấp, trong đó đặc biệt là Trung Quốc đã sử dụng vũ lực xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và ít nhất 6 thực thể trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên, Vành Khăn) năm 1988, 1995.

Không những thế, kể từ khi chiếm đóng trái phép, Trung Quốc đã xây dựng các pháo đài quân sự kiên cố bất hợp pháp ở các điểm chiếm đóng này.

Đặc biệt từ năm 2013, Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đắp các đảo nhân tạo quy mô lớn trên 6 thực thể ở Trường Sa làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc, diện mạo các thực thể này. Đồng thời họ cũng bồi đắp mở rộng một số thực thể ở Hoàng Sa.

3 đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có thể sử dụng cho mục đích quân sự và các máy bay quân sự hiện đại nhất của nước này có thể cất hạ cánh.

Mới đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây xong các nhà chứa máy bay bên cạnh đường băng quân sự ở Trường Sa.

Cùng với hoạt động bố trí bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-63 ở Phú Lâm, Hoàng Sa, 3 sân bay ở Trường Sa sẽ tạo ra mối uy hiếp an ninh nghiêm trọng tới lãnh thổ các nước trong khu vực ven Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. 

Do đó, việc nâng cao năng lực phòng thủ chống lại các mối đe dọa này là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam cũng như các nước khác ven Biển Đông

Việc này giống như Indonesia tăng cường phòng thủ Natuna, Malaysia tăng cường phòng thủ ở Sabah, Sarawak và Biển Đông, và Philippines cho phép Hoa Kỳ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Giáo sư người Nga Dmitry Mosyakov ngày 11/8 bình luận trên Sputnik tiếng Việt rằng:

“Lịch sử thập kỷ gần đây là câu chuyện về cách quần đảo Trường Sa dần dần chuyển vào sự kiểm soát của Trung Quốc như thế nào. Trong đó cũng đã rõ trận hải chiến năm 1988, khi  người Trung Quốc đánh chìm ba tàu của Việt Nam. 

Và nếu bây giờ Trung Quốc bố trí căn cứ của mình trên các hòn đảo, chuẩn bị  để sử dụng  vào mục đích quân sự, thì chuyện đương nhiên là Việt Nam thông qua biện pháp đáp trả  với mục đích đảm bảo quyền của nước mình với những hòn đảo. 

Chính Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Hague, thay vì đàm phán lại bắt đầu quân sự hóa những hòn đảo, và như vậy không thể không tạo phản ứng đáp lại”.

Người viết cho rằng nhận xét của Giáo sư Dmitry Mosyakov về quyền phòng thủ của Việt Nam là rất thỏa đáng. Trung Quốc hãy xem lại những hành động leo thang, uy hiếp láng giềng từ phía mình thì sẽ hiểu tại sao các nước láng giềng lại cảnh giác với mình đến thế.

Việt Nam luôn phản ứng một cách kiềm chế, đề cao đối thoại, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã nói với Reuters bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore tháng Sáu vừa qua, Việt Nam không có bệ phóng tên lửa hay vũ khí nào đã bố trí sẵn sàng ở Trường Sa, nhưng Việt Nam có quyền thực hiện bất kỳ biện pháp phòng thủ nào.

“Chúng tôi có quyền lợi hợp pháp để phòng thủ và di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ đâu trong phạm vi chủ quyền, lãnh thổ của mình.” Reuters dẫn lời tướng Vịnh.

Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu này của tướng Vịnh phản ánh rõ thiện chí mong muốn bảo vệ hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế từ phía Việt Nam.

Điều này không mâu thuẫn gì với trả lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam đến Reuters rằng “thông tin này không chính xác” và không có giải thích gì thêm, theo hãng tin của Anh.

Tuy nhiên nếu thiếu những tiếng nói giải thích cho rõ có thể dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong dư luận Việt Nam về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Những người Việt trong và ngoài nước quan tâm và đau đáu hướng về Hoàng Sa, Trường Sa sẽ không khỏi lo ngại trước thông tin dồn dập về các hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi rất thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ các cơ quan chức năng.

Một khi thông tin về các diễn biến mới ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông nói chung chủ yếu đến từ nước ngoài, cụ thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì không tránh khỏi những cái bẫy hoặc chí ít là sự hiểu lầm.

Người viết cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong việc cung cấp các thông tin về hoạt động bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.

Đây không chỉ là việc làm quan trọng, cần thiết và cấp bách để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đồng bào trong cũng như ngoài nước, mà còn là hình thức đấu tranh hiệu quả chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc từ phía Trung Quốc hoặc một bên thứ 3 nào đó có ý đồ chính trị riêng.

Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với DOC, không phải là “quân sự hóa” Biển Đông như tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Việt Nam là nước có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì việc thực thi chủ quyền của mình là đương nhiên và cần thiết. Nó khác về bản chất với các hoạt động của Trung Quốc trên các thực thể nước này xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1974, 1988.

Thứ hai là tính chất và quy mô của các hoạt động củng cố năng lực phòng thủ ngoài thực địa.

Hoa Kỳ và dư luận quốc tế cũng đã đều thấy và thừa nhận rằng, các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa không chỉ thay đổi hoàn toàn cấu trúc, diện mạo các thực thể, mà diện tích còn lớn chưa từng có, gấp nhiều lần tổng diện tích bồi đắp củng cố của các bên cộng lại.

Thứ ba là các công trình Trung Quốc xây dựng như sân bay quân sự, ra đa cao tần có mục đích tấn công chứ không phải phòng thủ.

Các công trình và hoạt động củng cố năng lực quân sự của Việt Nam ở Trường Sa là để phòng thủ chứ không phải tấn công hay đe dọa bất kỳ nước nào.

Người viết hiểu rằng, vì thể hiện thái độ thiện chí và không để các bên, đặc biệt là Trung Quốc lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc các hoạt động phòng thủ chính đáng của Việt Nam qua đó kích động đối đầu, xung đột nên lâu nay chúng ta vẫn im lặng.

Mặc dù trên thực tế xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống cùng mồ hôi, nước mắt, tất cả các nguồn lực quốc gia đã được dồn cho việc củng cố, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cũng như các quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa từ năm 1975 đến nay.

Ngay cả trong những thời kỳ đất nước đối mặt với những tình thế ngặt nghèo nhất, ngàn cân treo sợi tóc, thì củng cố phòng thủ và bảo vệ Trường Sa cũng như thềm lục địa phía Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nếu không có tầm nhìn chiến lược cùng với những nỗ lực bền bỉ, hết mình và sự hi sinh đó, thì liệu các bãi cạn trong thềm lục địa phía Nam và nhiều điểm đảo quan trọng ở Trường Sa có còn không, khi Trung Quốc luôn lăm le thôn tính bất cứ khi nào có thể?

Những nhà dàn DK1, DK2 đứng chân trên các bãi cạn thềm lục địa phía Nam là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm, ý chí và nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội Việt Nam trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của mình.

Người viết cho rằng, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và các quyền, lợi ích hợp pháp của Tổ quốc, Dân tộc là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, mà tập trung cao độ nhất là nhiệm vụ và công việc cụ thể của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Do đó những nghiên cứu đánh giá về vũ khí khí tài, chiến lược chiến thuật, so sánh tương quan lực lượng hay dự kiến các tình huống và kế hoạch phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc là thiên chức mặc nhiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên không nhất thiết, không nên đi quá sâu vào việc mổ xẻ công khai những vấn đề có tính chất quốc phòng, bí mật quân sự. Do đó thông tin công khai đến đâu là việc cần tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc tác động và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Còn đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, truyền thông thuộc về các cơ quan khác, trong đó có mỗi người Việt ở trong và ngoài nước. 

Điều mà mỗi người Việt Nam có thể đóng góp thiết thực nhất lúc này là tìm hiểu cặn kẽ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đến đâu, trên cơ sở pháp lý quốc tế nào, tranh chấp nảy sinh từ bao giờ, giải quyết theo cơ chế pháp lý nào…Nhất là về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7.

Như vậy chúng ta sẽ không bị choáng ngợp và ngụp lặn trong biển thông tin dồn dập thời đại internet, và cũng không bị bất kỳ thế lực nào qua mặt vì thiếu các kiến thức pháp lý cơ bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới