Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mới25. Thành Cát Tư Hãn và "gọng kìm" TQ đang dùng để kẹp...

25. Thành Cát Tư Hãn và “gọng kìm” TQ đang dùng để kẹp chặt Mông Cổ

Chính quyền Mông Cổ thừa hiểu mình sẽ thiệt như thế nào nếu làm mếch lòng người láng giềng hùng mạnh.

Với người Trung Quốc, Thành Cát Tư Hãn là…

Ở phía Nam khúc quanh của dòng Hoàng Hà, có một đường cao tốc 4 làn cắt ngang vùng cao nguyên bán sa mạc Ordos rậm rạp. Khung cảnh xung quanh rất ảm đạm. Chăn thả quá mức, thâm canh và khai thác mỏ đã mang lại những hậu quả đáng buồn.

Theo truyền thuyết, trong 1 cuộc chinh phạt cách nay 8 thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn và binh lính đã dừng lại để chiêm ngưỡng khung cảnh trù phú nơi đây. Nhưng nếu ngày nay, ông tìm về mộ phần của mình, thì chẳng còn gì lấy làm ấn tượng.

Lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn nằm cách Cao tốc 201 không xa.

Thành viên bộ lạc Mông Cổ, tương truyền đã được Thành Cát Tư Hãn giao nhiệm vụ canh giữ các tín vật, chắc hẳn không hài lòng với những gì đang diễn ra trên mảnh đất tổ tiên gần đường cao tốc.

Người Darkhat hiện còn vài trăm, và là một phần nhỏ trong số 4 triệu người Mông Cổ đang sinh sống tại khu tự trị Nội Mông (thuộc Trung Quốc). Tại đây, người Mông Cổ bị áp đảo bởi số lượng người Hán – những người di cư theo chương trình khuyến khích của Nhà nước Trung Quốc.

Chỉ trong vòng vài thập niên, người Hán đưa tới các nhà máy, biến đồng cỏ thành nông trại. Thổ dân Darkhat rất vui vì đường cao tốc đưa nhiều khách du lịch hào phóng đến với lăng tẩm. Điều họ bất bình là việc phần lớn đất tổ tiên đã bị chính quyền thu giữ để xây công viên nằm kế khu lăng mộ. Và quyền điều hành nằm trong tay 1 doanh nhân người Hán.

Kinh tế Trung Quốc bùng nổ đã đem lại sự giàu có cho những vùng quê từng một thời nghèo khó.. Trong bối cảnh nhu cầu tài nguyên tăng cao, Nội Mông đạt tốc độ tăng trưởng lớn hơn bất cứ vùng miền nào tại Trung Quốc mặc dù xuất phát điểm rất thấp.

Với cơn sốt than và khí đốt, xung quanh Ordos, cách lăng mộ Thành Cát Tư Hãn 60km, khách sạn hạng sang, nhà hàng và các tòa nhà xa hoa mọc lên như nấm.

Và nơi nào có tiền thì nơi ấy có công viên giải trí. Công viên Thành Cát Tư Hãn được điều hành bởi Tập đoàn Donglian – một tập đoàn xây dựng, bất động sản và giáo dục tư nhân đặt trụ sở ở Ordos.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, Donglian lấy được 80 km2 đất cho dự án này. Trên đó họ cho xây 1 khách sạn hạng sang, có 1 phòng tiệc lớn mô phỏng kiểu lều da Mông Cổ, để du khách có thể vừa dùng bữa vừa thưởng thức phần trình diễn tái hiện cuộc đời Thành Cát Tư Hãn.

Xung quanh công viên mà Donglian quảng cáo là bảo tàng Thành Cát Tư Hãn lớn nhất thế giới (mặc dù số hiện vật ít tới mức đáng thương) là hàng trăm tượng kỵ sĩ và binh lính đúc bằng gang.

Người Darkhat phàn nàn rằng họ không được đền bù xứng đáng với mảnh đất đã mất. Họ cũng bức xúc vì khách du lịch được đưa thẳng đến công viên, trong khi lăng mộ Thành Cát Tư Hãn thì bị che khuất.

Nhiều người Darkhat kiếm sống bằng nghề canh gác lăng tẩm hoặc bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Họ nói: Con đường do tập đoàn Donglian xây dựng nhằm nối 2 khu vực này đã che lấp một di chỉ linh thiêng, vốn là nơi đặt mộ phần của Thành Cát Tư Hãn trước khi chính quyền di dời tới khu lăng tẩm mới hoành tráng hơn vào năm 1956.

Ngang tầm “thần thánh”

Bản thân Mông Cổ cũng nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc suốt 200 năm. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1921, Mông Cổ về tay Liên Xô. Dù không mấy dễ chịu, người Mông Cổ vẫn đùa rằng như vậy vẫn hơn và nhờ Liên Xô, họ không phải chịu chung số phận với Nội Mông, Tây Tạng.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mông Cổ coi sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc là một điều quan ngại. Dù Trung Quốc mang tiền tới nhưng người Mông Cổ vẫn sợ rồi một ngày mình sẽ đi vào vết xe đổ của Nội Mông, chỉ là khác là họ sẽ bị cai trị thông qua kinh tế.

Đối với Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc. Vì thế, dù còn nghèo, năm 2006, kỷ niệm 800 năm Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, nước này vẫn chi hàng triệu USD để ăn mừng.

Dưới thời Liên Xô, chuyện này là cấm kỵ bởi nó gợi lại nỗi nhục nhã mà người Nga phải chịu dưới ách cai trị của Mông Cổ. Nhưng giờ, họ đã có thể tự do tôn sùng Thành Cát Tư Hãn, đưa ông lên ngang thần thánh.

Thành Cát Tư Hãn và gọng kìm TQ đang dùng để kẹp chặt Mông Cổ - Ảnh 1.

Hình Thành Cát Tư Hãn trên vỏ chai vodka.

Từ vỏ bao thuốc lá, vỏ chai vodka cho đến tiền giấy và sân bay tại thủ đô, hình ảnh hiền hòa của Thành Cát Tư Hãn xuất hiện khắp mọi nơi.

Họ còn đặt tượng ông cưỡi ngựa trước tòa nhà Quốc hội. Chẳng mấy khi Thành Cát Tư Hãn mang dáng vẻ của kẻ khát máu như trong tưởng tượng của phương Tây. Với người Mông Cổ, ông là người mang lại hòa bình.

Rộng gấp 4 lần nước Đức nhưng Mông Cổ chỉ có 2,7 triệu người. Số lượng anh hùng dân tộc cũng ít ỏi. Vì thế, họ rất bất mãn khi Trung Quốc nhận Thành Cát Tư Hãn về mình.

Rêu rao rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Quốc, Bắc Kinh có thể chế ngự Mông Cổ.

Hốt Tất Liệt, cháu trai Thành Cát Tư Hãn đã lập ra nhà Nguyên vào thế kỷ 13. Do vậy, theo quan điểm của Trung Quốc, trên danh nghĩa Thành Cát Tư Hãn cũng là hoàng đế. Ở Trung Quốc, người Mông Cổ là 1 trong số 56 dân tộc của nước này. Vì thế, trên lý thuyết, họ cũng chung gốc với người Hán.

Nỗ lực thoát khỏi vòng tay Trung Quốc

Tại thành phố Darkhan, gần đường sắt Bắc – Nam của Mông Cổ, một bức tượng Thành Cát Tư Hãn bằng vàng lấp lánh trong ngăn tủ của vị phó giám đốc nhà máy luyện kim duy nhất của Mông Cổ.

Nơi này chỉ bận rộn khi trời đã tối, nguồn điện dồi dào và nhà máy hoạt động hết công suất. Và họ sẽ còn bận rộn hơn nữa nếu giấc mơ của phó giám đốc thành sự thật và nhà máy được sản xuất thép từ quặng sắt thay vì đống sắt vụn từ thời Liên Xô đang hao dần.

Darkhan đã trở thành chiến trường của những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người lo ngại rằng người ngoại quốc sẽ lấy mất nguồn tài nguyên quý giá mà không mang đem lại lợi lộc gì cho Mông Cổ. Vài năm trở lại đây, các công ty đa quốc gia đổ xô vào Mông Cổ, khai thác mọi thứ, từ than đá, vàng, đồng cho tới quặng sắt.

Thành Cát Tư Hãn và gọng kìm TQ đang dùng để kẹp chặt Mông Cổ - Ảnh 2.

Một dự án khai khoáng tại Mông Cổ.

Những con đường từng vắng vẻ ở Ulan Bator giờ chật cứng xe cộ, thậm chí có cả xe hạng sang. Hàng loạt lều trại tồi tàn mọc lên ở rìa thành phố khi những người chăn thả da súc bỏ nghề để tới Ulan Bator kiếm lợi.

Điều đáng lo ngại là có vẻ như sự bùng nổ này bắt nguồn từ nhu cầu của Trung Quốc. Các công ty Nga, Canada, Úc và Mỹ xới tung Mông Cổ không phải để đem tài nguyên về thị trường của mình, mà để bán lại cho Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn trực tiếp vào ngành khai thác mỏ ở Mông Cổ. Nhưng họ lại thu lời rất nhanh. Trong vài năm qua, tại mỏ quặng Tumurtei, công nhân Trung Quốc khai thác rồi chuyển thẳng về Trung Quốc hàng tá xe tải mỗi ngày.

Cuối những năm 90, Mông Cổ đã trao quyền khai thác cho một tập hợp các công ty Mông Cổ và Trung Quốc, nhờ khoản vay 12,5 triệu USD từ chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ở Darkhan cáo buộc rằng, giấy phép khai khoáng này đã được “bán” một cách bất hợp pháp.Tháng 8 năm đó, chính quyền Mông Cổ khẳng định: Giấy phép đã bị bán trái phép, và tuyên bố quặng thuộc về chính phủ. Nhưng họ lại không có tiền để đầu tư, khai thác.

Chính quyền Mông Cổ đang hứng chịu những mặt trái của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Theo luật, toàn bộ vàng phải được bán cho Ngân hàng Mông Cổ – ngân hàng quốc gia. Thế nhưng, năm 2006, cựu giám đốc Ngân hàng Ochirbat Chuluunbat cho hay, lượng vàng ngân hàng nhận được giảm một nửa trong khi mức độ sản xuất tăng.

Ông Chuluunbat đổ lỗi cho mức thuế trên trời khiến các nhà sản xuất nhỏ lẻ phải tìm tới chợ đen. Phần lớn vàng chợ đen được buôn lậu dọc biên giới Trung Quốc. Mức thuế này cũng không có lợi cho ngành len cashmere – từng là mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất – khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc rẻ tiền.

Tuy vậy, có một điều không thể phủ nhận. Nhờ Trung Quốc, Mông Cổ mới có thêm việc làm, dù những công việc ấy có phần trớ trêu. Cơn sốt vàng đã sản sinh ra hàng nghìn “ninja thợ mỏ”, những người đào vàng trái phép, ngày ngày mang những chiếc bát nhựa để rây đá vụn mong kiếm được thứ kim loại quý.

Trong khi đó, tại nhiều công xưởng, phần lớn lao động lại là người Trung Quốc (nguồn lao động được cho là rẻ hơn và kỷ luật hơn người Mông Cổ).

Trước tình trạng đó, Chính phủ Mông Cổ đành chịu bó tay sau khi áp thuế và đưa ra chính sách mới (nhưng không mấy rõ ràng).

Chính quyền Mông Cổ thừa hiểu mình sẽ thiệt như thế nào nếu làm mếch lòng người láng giềng hùng mạnh. Giới chức Mông Cổ tránh chỉ trích Trung Quốc. Ngay cả chuyến thăm đầu tiên của Đạt Lai Lạt Ma sau 4 năm cũng được giữ kín cho tới phút chót bởi hoạt động này bị Bắc Kinh phản đối.

Để tránh rơi vào vòng xoáy của Nga và đặc biệt là Trung Quốc, Mông Cổ theo đuổi chính sách mà nước này gọi là “hàng xóm thứ ba”. Theo đó, Mông Cổ sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với những “người láng giềng hùng mạnh”, đồng thời tiếp cận các nước như Mỹ, Nhật.

Động thái ấy đã khiến một số người Mông Cổ có được cảm giác tự tôn dân tộc. Còn mối quan hệ với một Trung Quốc đang trỗi dậy, thì người Mông Cổ không hề muốn lịch sử lặp lại chút nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới