Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBigC Thái hợp nhất Metro Việt Nam nhưng chưa thắng hàng TQ

BigC Thái hợp nhất Metro Việt Nam nhưng chưa thắng hàng TQ

Dù hàng Thái Lan đã đẩy bật một số nhóm hàng Trung Quốc ra khỏi Việt Nam nhưng hiện nay, hàng Trung Quốc vẫn còn rất mạnh.

Việc hợp nhất Metro Việt Nam và BigC Thái Lan sẽ giúp Tập đoàn TCC mạnh hơn rất nhiều

Thua toàn diện

Trước thông tin về kế hoạch hợp nhất hai hệ thống siêu thị Metro Việt Nam và BigC Thái Lan vừa được Chủ tịch Tập đoàn TCC (Thái Lan) tiết lộ, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, xu hướng tích tụ trong tài chính, bất động sản, hệ thống phân phối… là tất yếu. Một khi lớn hẳn, doanh nghiệp sẽ có sức ép với nhà cung ứng, có vốn lớn để đầu tư sản xuất, thu mua hàng hóa, xây dựng thương hiệu và có được giá bán rẻ, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

“Đây là sự tích tụ tư bản để tạo thế cho kẻ mạnh, áp đảo những kẻ yếu trên thị trường. Nếu kế hoạch hợp nhất thành công, Tập đoàn TCC sẽ chiếm ưu thế, mặc dù có thể họ sở hữu những mảnh khác nhau, chẳng hạn Metro bán sỉ nhưng nên nhớ rằng Metro Việt Nam cũng có tới 15-20% bán lẻ”, ông Phú nói.

Từ kế hoạch hợp nhất các kênh bán sỉ, bán lẻ của người Thái, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn lại thị trường Việt Nam và nhận xét, hiện nay, các nhà quản lý Việt Nam đã quên mất vai trò của bán buôn, trong khi đó ai nắm được bán buôn sẽ chi phối được bán lẻ.

“Việc hợp nhất giữa khâu bán buôn và bán lẻ vô cùng quan trọng, bán buôn có nguồn hàng. Metro Việt Nam đặt mấy trung tâm thu mua ở các vùng trên cả nước, chẳng hạn miền Trung là thủy sản, miền Nam là trái cây và lúa gạo… Tất cả đều đã được họ kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ. Doanh số trên thị trường Hà Nội 60% là bán buôn, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào cũng là bán buôn…

Lẽ ra Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phải là Hiệp hội phân phối, quản cả xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, thậm chí cả sản xuất, khi đến thời kỳ tích tụ mọi thứ sẽ trở nên chuyên nghiệp hóa hơn. Bây giơ ai lớn, hiệu quả là thắng, không phân biệt nội ngoại.

Thế nhưng, thực tế cho thấy các nhà bán lẻ Việt Nam nhiều năm nay thất bại trong việc kết hợp, họ muốn tích tụ nhưng lòng lại không tích tụ.

Tôi ví dụ, trong khi những nhà bán lẻ khác đã co cụm hết hoặc bán bớt, còn Sài gòn Co.op và Vingroup liệu họ có kết hợp với nhau thành tập đoàn bán lẻ Việt Nam hay không? Vingroup dù mới nổi lên nhưng rất mạnh, đầu tư cả khâu sản xuất, trong khi đó Sài Gòn Co.op có mạng lưới hơn 60 điểm. Rõ ràng nếu hai đơn vị này ngồi lại được với nhau thì rất tốt nhưng tiếc rằng vẫn chưa thể làm được.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ chăm chăm ‘ăn mảnh’, mỗi người một kiểu. Siêu thị nhận hàng trăm tỷ đồng tiền bình ổn giá nhưng vẫn bán dầu ăn đắt hơn ở bên ngoài. Doanh nghiệp cung ứng gửi hàng vào siêu thị thì bị ép chiết khấu, phải phong bì, chịu đủ loại phí từ phí tạo mã đến phí đầu kệ, sinh nhật…  

Có lần lãnh đạo Bộ Công thương còn chỉ ra thực trạng Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhưng rồi họ lại bán cho nước ngoài, vậy là coi như Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp ngoại. Phú Thái, Kinh Đô, Nguyễn Kim, Fivimart, Citimart… hiện nay đều đã bán một phần hoặc bán hết.

Điều này xuất phát từ tính cách của người Việt Nam – nhanh nhẹn, láu cá, học mót nhanh nhưng tính cấu kết cộng đồng kém nên hay bị dọa phá vỡ. Kinh nghiệm giữa nông dân với người bán lẻ, nhà cung ứng với nhà bán lẻ đã cho thấy điều đó, chỉ có thương lái ở giữa là vỗ tay hưởng lợi.

Bởi vậy, một lần nữa lại phải nhắc lại rằng: chính chúng ta tự hại chúng ta, sự thất bại của bán lẻ nội có tới 70% là do chính doanh nghiệp, chỉ có 30% là tác động từ bên ngoài”, ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Vị chuyên gia về thị trường bán lẻ cảm thấy “thèm” khi nhìn cách doanh nghiệp Thái hành động, đồng thời khẳng định, doanh nghiệp Việt cần xốc lại đội ngũ, phải có một hội nghị Diên Hồng về bán lẻ, không thể để tình trạng đi hội thảo suốt mà không tổ chức thực hiện được, mỗi doanh nghiệp một mảnh nên dễ bị thôn tính.

“Xu hướng là phải tích tụ, đã lớn thì phải lớn hẳn, không thể cứ dở dở dang dang, vào siêu thị mà không có gì đổi mới, không có gì cá biệt, giá lại cao hơn, tất yếu không thể cạnh tranh với hàng Thái.

Trường hợp của một tổng công ty thương mại nhà nước là một ví dụ điển hình. Nhiều năm nay, Bách hóa thiếu nhi của doanh nghiệp này trống trơn, còn trên phố Lương Văn Can, đồ chơi trẻ em Trung Quốc chiếm lĩnh. Bách khoa Tổng hợp bị đại gia mua lại chiếm tới 80-90% thị phần, khách vắng bóng vì toàn bán hàng xịn, vốn của tổng công ty thương mại nhà nước ở Hà Nội có khả năng giảm từ 19% xuống còn 9%. Những địa điểm khác của doanh nghiệp này được đem cho thuê để bán váy cưới, xe đạp điện, mỹ nghệ… Nhà phân phối chỉ có vốn và mạng lưới, bây giờ mất mạng lưới biết lấy gì để cạnh tranh với nước ngoài?

Nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt đã không tích tụ được lại còn bị nước ngoài gặm dần, thị trường bán lẻ Việt Nam như mỡ để miệng mèo. Bộ Công thương đặt ra công cụ ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm) nhưng doanh nghiệp ngoại lách được bằng cách liên doanh, liên kết. Ví dụ, tập đoàn Aeone của Nhật Bản mua Fivimart, lập tức họ có 20 điểm bán hàng. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp bán lẻ Việt đang bị áp đảo ghê gớm, buộc phải đổi mới, nếu không sẽ chết”, ông Phú chỉ rõ.

Trở lại kế hoạch hợp nhất của đại gia Thái Lan, theo ông Vũ Vinh Phú, TCC sẽ càng mạnh hơn nếu hợp nhất được Metro Việt Nam và BigC Thái Lan. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Thái Lan không chỉ đầu tư bán lẻ mà còn đầu tư mạnh vào vật liệu xây dựng, ngân hàng, phân bón, thức ăn chăn nuôi,  gia súc, lợn, gà, trứng… nhiều năm nay, nói cách khác họ đầu tư cả sản xuất, phân phối. Đặc biệt, doanh nghiệp Thái trội hơn Việt Nam về vốn liếng, kinh nghiệm quản lý và quản trị doanh nghiệp. Người khổng lồ ấy giờ lại được tiếp thêm sức mạnh nhờ hợp nhất bán buôn, bán lẻ nên càng trở lên chắc chắn hơn, còn Việt Nam đã thua trận tương đối toàn diện về các mặt. Nếu tính các điểm bán lẻ, doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm vài phần trăm nhưng xét về doanh số, họ đã chiếm một nửa, nghĩa là họ đã khống chế được thị trường Việt Nam.

Hàng Trung Quốc vẫn còn rất mạnh

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tỏ ra không mấy lạc quan về cơ hội của hàng Việt trong kế hoạch hợp nhất các kênh bán sỉ, bán lẻ của Tập đoàn TCC.

Ông lưu ý, hàng Việt Nam sang Thái Lan không được bao nhiêu, đặc biệt, Thái Lan có những mặt hàng trùng với Việt Nam. Giá cả, chất lượng của hàng Thái nổi trội hơn hẳn so với hàng Việt Nam, đặc biệt họ lại đưa  tại chỗ nên có lợi thế hơn Việt Nam.

“Nếu đại gia Thái tuyên bố về việc đưa hàng Việt sang phân phối ở Thái Lan thì tôi e rằng đó chỉ là lời nói chính trị chứ chưa đi vào kinh tế. 5-10 năm nữa hàng Việt mới có thể cạnh tranh với hàng Thái, nếu hàng Thái đứng nguyên. Còn nếu họ tiếp tục tiến lên thì khoảng cách sẽ ngày càng xa. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đang ngày càng xa với thế giới, trong đó có lĩnh vực bán lẻ”, ông Phú cho biết.

Xét ở khía cạnh tích cực, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, Việt Nam phải cảm ơn Thái Lan vì nhờ một số nhóm hàng có thế mạnh của nước này mà đã đẩy bật một phần hàng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.

“Nhưng Trung Quốc hiện nay vẫn mạnh một số nhóm hàng: may mặc, đồ chơi trẻ em, đồ điện tử, thậm chí cả ô tô bán tải nhỏ… Hàng Trung Quốc có giá cực rẻ bởi sản xuất quy mô lớn, chi phí sản xuất thấp. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn mà các nước khác không thể bỏ qua đồng thời sức ép về hàng hóa dư thừa cũng rất lớn và hàng Trung Quốc chỉ chờ thời cơ để vào Việt Nam.

Trung Quốc tìm đủ mọi cách xâm chiếm thị trường Việt Nam: họ lập các kho hàng ở biên giới, có nhiều chính sách khuyến mại, hậu mãi… Trong khi đó, chúng ta không kiểm soát không chặt chẽ ở khâu biên giới mà lại tập trung kiểm soát ở khâu bán lẻ.

Chính vì thế, Việt Nam bắt buộc phải tăng nguồn lực lên, hàng Việt Nam mạnh thì hàng Trung Quốc sẽ tự dẹp”, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới