Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngLợi ích và chính sách của Ấn Độ ở Biển Đông (Kỳ...

Lợi ích và chính sách của Ấn Độ ở Biển Đông (Kỳ 1)

Là một nước lớn có lợi ích ở Biển Đông, Ấn Độ đang ngày càng thể hiện vị thế và ảnh hưởng trong các vấn đề liên quan Biển Đông. Tuy chưa đóng vai trò quyết định đối với tranh chấp Biển Đông, song các phát biểu và động thái can dự của Ấn Độ sẽ góp phần không nhỏ trong việc duy trì, đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Ấn Độ.

Biển Đông là vùng biển nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có tuyến đường giao thương quan trọng giữa Ấn Độ và các nước Đông Bắc Á. Ấn Độ có bờ biển dài 7.500km, chuỗi đảo Andaman và Nicobar trải dài từ điểm cực Nam cách Indonesia 90 hải lý và điểm cực Bắc cách Myanmar dưới 10 hải lý, là cửa ngõ trên biển về phía Đông của Ấn Độ.

Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích thương mại, năng lượng ở khu vực Biển Đông; khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 55% được vận chuyển qua eo biển Malacca tới các thị trường ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông đang ngày càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm 2015 – 2016 và phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2025 thông qua triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ.

Về an ninh, khi giá trị thương mại giữa Ấn Độ và các nước Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng tăng, việc đảm bảo an toàn các tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột leo thang giữa các bên yêu sách chủ quyền, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cướp biển ở khu vực đã cản trở tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên biển của Ấn Độ. Hơn nữa, Biển Đông và eo biển Malacca là tuyến đường ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, do vậy, Ấn Độ sẽ phải tăng cường tham gia các hoạt động quân sự ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, an ninh quốc gia và theo dõi tình hình hoạt động của các cường quốc hải quân như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga…

Về địa chính trị, sự hiện diện ở Biển Đông cho phép Ấn Độ tìm kiếm một chỗ đứng trong khu vực tương xứng với vị thế cường quốc đang lên của Ấn Độ, mở rộng môi trường chiến lược an ninh, đồng thời tạo thế cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động ở Ấn Độ Dương.

Ấn Độ có một số động thái can thiệp vào vấn đề Biển Đông nhằm thúc đẩy chiến lược “Hành động hướng Đông”, góp phần đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.

Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (5/2015) đã có sự điều chỉnh chính sách đối với vấn đề Biển Đông: Nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông” thông qua bày tỏ lập trường về sự cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông; ký kết Tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; tích cực bày tỏ quan điểm tại các Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cũng như các Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN. Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi tuyên bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Trong đó, Tuyên bố chung Ấn – Mỹ ký kết hồi tháng 9 năm 2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ và Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Việc tăng cường hiện diện hải quân và “quyền tiếp cận” ở Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích của Ấn Độ nhằm đạt được ba mục tiêu chiến lược:

Một là, tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc coi việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải là lợi ích quốc gia. Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định quyền lợi chính đáng liên quan tự do hàng hải và khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông có tác dụng quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nhỏ ở khu vực đối trọng với Trung Quốc.

Hai là, với nền kinh tế đang ngày càng phát triển và năng lực Hải quân không ngừng gia tăng, Ấn Độ có đủ năng lực vươn tới những vùng biển xa, vượt qua eo biển Malacca đến Biển Đông. Theo thống kê, ngân sách quốc phòng dành cho Hải quân Ấn Độ từ năm 2012 – 2013 tăng gần 75% so với ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2011 – 2012 và Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân sự, tăng cường đầu tư, mua sắm, chế tạo các trang thiết bị quân sự mới, đặc biệt là các loại tàu ngầm và tàu sân bay mới.

Ba là, thắt chặt quan hệ với các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Các mối liên kết kinh tế của Ấn Độ ở Thái Bình Dương đang ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. ASEAN và khu vực Đông Thái Bình Dương không chỉ là các khu vực quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Thủ tướng Modi mà còn là nhân tố tạo điều kiện thuận lợi sống còn cho sự phát triển trong tương lai của Ấn Độ. Ấn Độ có những lợi ích về năng lượng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và ngày càng phụ thuộc vào Eo biển Malacca vì mục đích thông thương và dịch vụ. Với thương mại Ấn Độ – ASEAN tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua, ngành kinh tế học ngày càng được nhắc đến trong chính sách biển của Ấn Độ đối với khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những xung đột lãnh thổ ở Biển Đông đang đe dọa quỹ đạo tương lai của các mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ, buộc Ấn Độ phải có cách tiếp cận lấy an ninh làm trọng tâm. Sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực Biển Đông được các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoan nghênh do đã góp phần cho việc đảm bảo tự do hàng hải và thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới