Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinẤn Độ ngửa bài với TQ

Ấn Độ ngửa bài với TQ

Ngày 17-8, tờ The Diplomat đăng bài “Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ giữ im lặng về Biển Đông hay không?”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sushma Swaraj tiếp ngoại trưởng Vương Nghị tại New Delhi ngày 13/8

Cùng ngày 17-8, tờ Thời báo Hoàn Cầu ca ngợi Ấn Độ giữ quan điểm trung lập dù bị Mỹ và Nhật Bản thúc ép sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ở Lay Haye (Hà Lan) ra phán quyết về “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc tự vẽ tại Biển Đông. Nhưng trước đó (15-8), tờ Thời báo Hoàn Cầu lại có bài chỉ trích báo chí Ấn Độ kích động tâm lý chống Trung Quốc, phá hoại quan hệ song phương. Trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Ấn Độ, tờ Thời báo Hoàn Cầu đánh tiếng: Nếu Ấn Độ chọn đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, sẽ tổn hại tới quan hệ, đặc biệt là thương mại song phương. Đây được coi là thái độ “bề trên” trong quan hệ quốc tế. Theo tờ The Diplomat, Ngoại trưởng Vương Nghị đã mang theo chính sách “cây gậy và củ cà rốt” khi tới Ấn Độ.

Trong khi đó, tờ Thời báo Tài chính của Anh cho rằng, tình trạng căng thẳng về địa – chính trị cùng mối liên kết chiến lược ràng buộc, đan xen khiến Trung Quốc và Ấn Độ khó xích lại gần nhau. Nhận định này được đưa ra khi ông Vương Nghị kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Ấn Độ (từ 12 đến 14-8), sau khi hội kiến với Thủ tướng Narendra Modi, và hội đàm với Ngoại trưởng Sushma Swaraj… nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại cấp cao về những vấn đề còn tranh cãi.

Giới truyền thông đưa tin, mặc dù từng tìm cách ngăn cản nỗ lực trở thành thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) của Ấn Độ tại phiên họp toàn thể của NSG hồi tháng 6 với lý do, New Delhi không phải là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng trong cuộc hội đàm với bà Sushma Swaraj hôm 13-8, ông Vương Nghị lại chủ động đề cập vấn đề này. Đổi lại, New Delhi tuy luôn khẳng định sự quan tâm tới tình hình Biển Đông, nhưng không đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn ủng hộ các nước Đông Nam Á khi yêu cầu tự do hảng hải phải được đảm bảo, phản đối các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Trước cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ với bà Sushma Swaraj, ông Vương Nghị ngạo mạn tuyên bố, New Delhi cần quyết định nên “đặt chân vào đâu” trong vấn đề Biển Đông.

Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc sợ Ấn Độ “theo đuôi Mỹ”, lên án Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9), nên ông Vương Nghị phải tới New Delhi. Giới chuyên môn coi chuyến công du Ấn Độ của ông Vương Nghị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra trong tháng 9 (tại Trung Quốc) và tháng 10 (tại Ấn Độ). Tờ Times of India từng nhận định, ông Vương Nghị sẽ cố gắng thuyết phục Thủ tướng Narendra Modi không tham gia cùng các nước khác trong việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị Thượng đỉnh G20. Sở dĩ ông Vương Nghị phải tới Ấn Độ để thuyết phục ông Narendra Modi bởi G20 khác với ASEAN.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng thừa nhận, Trung – Ấn còn tồn tại một số vấn đề, nhưng hy vọng song phương có thể quản lý tốt bất đồng, không để vấn đề này ảnh hưởng tới 2 nước. Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon cho rằng, quan hệ song phương đang rất căng thẳng, buộc New Delhi và Bắc Kinh phải nhanh chóng có biện pháp tái cân bằng. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran nhấn mạnh, thách thức của Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ để tránh nguy cơ bùng phát xung đột. Ông Shyam Saran tuyên bố, không thể kỳ vọng vào việc giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại giữa 2 nước, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang đầu tư 46 tỉ USD vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Pakistan để triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường” đầy tham vọng được Trung Quốc công bố trước đây không lâu.

Ngày 21-8, mạng tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, lực lượng không quân nước này đang tăng cường xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng dọc biên giới với Trung Quốc tại bang Arunachal Pradesh (Arunachal Pradesh là 1 trong 28 bang của Ấn Độ, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền và gọi đây là Nam Tây Tạng). Dự kiến, công việc này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Thông tin này xuất hiện sau khi trang mạng IANS của Ấn Độ cho biết, New Delhi có kế hoạch xây 54 trạm kiểm soát biên giới tại bang Arunachal Pradesh để tăng cường đảm bảo an ninh dọc biên giới với Trung Quốc. Việc này do Chỉ huy lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ – Tây Tạng (ITBP) Manoj Singh Rawat thông báo tại cuộc thảo luận với Thủ hiến bang Arunachal Pradesh Pema Khandu hồi thượng tuần tháng 8. Việc này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động xâm nhập lãnh thổ và xâm phạm không phận nước này.

Trước đó, Thủ hiến bang Uttarakhand Harish Rawat xác nhận, một máy bay trực thăng của Trung Quốc đã xâm phạm không phận tại khu vực Barahoti thuộc huyện Chamoli của bang này. Đó là vụ xâm phạm không phận Ấn Độ mới nhất của Trung Quốc trong thời gian qua. Barahoti là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ năm 1958, nhưng cả 2 nước đều chưa đóng quân có vũ trang ở đây. Ngoài ra, Ấn Độ và Trung Quốc còn có tranh chấp tại 2 khu vực Aksai Chin và Arunachal Pradesh. Theo tờ Swarajya, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, Ấn Độ đã thúc giục các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Giới chuyên môn cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài có thể tác động đến tranh chấp lãnh thổ Trung – Ấn tại Arunachal Pradesh.

RELATED ARTICLES

Tin mới