Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngLợi ích và chính sách của Ấn Độ ở Biển Đông (Kỳ...

Lợi ích và chính sách của Ấn Độ ở Biển Đông (Kỳ 2)

Ấn Độ tích cực can dự vào Biển Đông là do sự thay đổi nhận thức, tình hình và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan.

Ác mộng đụng độ có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Biển Đông

Sau hàng loạt những diễn biến mới phức tạp ở Biển Đông và nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia… đang từng bước điều chỉnh chính sách, thái độ trong vấn đề Biển Đông, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có sự điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt hơn. Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ bày tỏ quan điểm và lập trường ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), nghiêm túc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Tại các hội nghị, diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt như ASEAN +1 với Ấn Độ, ARF, EAS, ADMM+ Ấn Độ đã bày tỏ sự phản đối trước các hoạt động đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông. Phát biểu tại Đối thoại Shangri – la 2016 (03/6), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, quan điểm của Ấn Độ về tranh chấp Biển Đông không thay đổi, cụ thể là các quốc gia liên quan nên giải quyết tranh chấp thông qua thảo luận và không sử dụng vũ lực.

Chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích trong hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, bất chấp đe dọa và cảnh báo từ Trung Quốc. Năm 2006, Tập đoàn OVL của Ấn Độ giành được quyền thăm dò Lô 127, 128, nhưng trước sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn kiên định lập trường và tiếp tục triển khai dự án thông qua các phát biểu chính thức và cam kết song phương với Việt Nam.

Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác hàng hải với các nước có lợi ích ở Biển Đông, như Tuyên bố chung Ấn Độ – Nhật Bản (từ năm 2010 – 2014) đều nhấn mạnh hợp tác an ninh biển song phương, Ấn – Mỹ – Nhật (10/2015) tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương, Ấn – Australia (9/2015) tập trận chung ở Ấn Độ Dương…; ký kết nhiều hợp đồng quân sự với các nước ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về tuyên bố chung hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, nhấn mạnh việc hợp tác về cảnh sát biển; Ấn Độ cũng đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi 100 triệu USD để mua các tàu tuần tra của Ấn Độ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.

Ấn Độ cũng tăng cường hiện diện quân sự trên thực địa, dần khẳng định vị thế một cường quốc trên thế giới. Ấn Độ (5/2015) đã điều 4 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục tàng hình và một tàu hộ tống tham gia tập trận hải quân với Singapore, thăm một số cảng tại Jakarta của Indonesia, Freemantle của Australia, Kuantan của Malaysia, Sattahip của Thái Lan và Sihanoukville của Campuchia. Hiện Ấn Độ đang nỗ lực chạy đua vào vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi hội đồng này được mở rộng. Vì thế, nước này cần phải khẳng định vị trí ngang bằng với 5 cường quốc trong hội đồng hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Để khẳng định vị thế cường quốc của mình, Ấn Độ cần phải thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm và có ảnh hưởng đối với các vấn đề quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, Ấn Độ mới chỉ can dự vào vấn đề Biển Đông ở mức vừa phải là do: Ấn Độ không nằm hoàn toàn ở khu vực Biển Đông, chỉ là nước có liên quan lợi ích tại khu vực; Ấn Độ còn phải tập trung xử lý, giải quyết nhiều vấn đề thách thức tại khu vực Nam Á và ảnh hưởng mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ – Trung Quốc đang ngày càng quan trọng. Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất và là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Ấn Độ, nên Ấn Độ khó có thể đưa ra các quan điểm cứng rắn, chỉ trích Trung Quốc tránh gây tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ thể hiện sự quan tâm, can dự vào vấn đề Biển Đông đã tác động nhất định đến tình hình khu vực và góp phần thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Thứ nhất, Biển Đông từ chỗ chỉ được xem là vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN nay đã trở thành vấn đề quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều nước trên thế giới, trong đó nổi lên một số vấn đề như tự do hàng hải, tự do hàng không, hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như việc tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thứ hai, các nước có lợi ích ở Biển Đông, dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; tôn trọng luật pháp quốc tế; đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực; tiếp tục thực hiện nghiêm túc DOC và thúc đẩy xây dựng COC.

Thời gian tới, Ấn Độ cần tăng cường hiện diện và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với những thách thức về tự do hàng hải cũng như đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cần chú trọng đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc. Từ lâu, cả Ấn Độ và ASEAN đều biết rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác thương mại và quan hệ đồng minh để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, hoặc để tránh bị tổn thương quá lớn trước sức mạnh quân sự đang trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, trước mắt chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, dần dần hướng tới các cuộc đối thoại chính sách chiến lược đa phương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực./.

RELATED ARTICLES

Tin mới