Văn phòng ông Tập Cận Bình ở Trung Nam Hải vang lên những cơn thịnh nộ, mà kẻ chịu trận không ai khác là Ngoại trưởng Vương Nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: wealth.com.tw.
Tuần san Tài Tấn, Đài Loan số 509 đăng bài bình luận của tác giả Cao Đạt Mỹ về những thất bại trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc gần đây.
Cao Đạt Mỹ nhận định: “Bắc từ Hàn Quốc, Nam đến Việt Nam, một chuỗi đảo mới vây Trung Quốc đang dần xuất hiện, mà kẻ đứng sau đạo diễn là Hoa Kỳ.
Chiến lược đối ngoại của Tập Cận Bình ra quân thất bại, đối nội thì càng gỡ càng rối, nếu không nghĩ cách giải vây thì “CEO” thất bại sẽ bị buộc phải từ chức.”
Thất bại của ngoại giao Trung Quốc
Cao Đạt Mỹ liệt kê một số sự kiện được tác giả nhận định là thất bại của ngoại giao Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình.
Thứ nhất là vụ Mỹ – Hàn tuyên bố hôm 8/7 rằng sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Bán kính quan trắc hệ thống ra đa của THAAD khoảng 1500 km, bao trùm toàn bộ Đông Bắc Trung Quốc.
Nói cách khác là các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở khu vực Đông Bắc nằm trong tầm ngắm của ra đa Mỹ – Hàn.
Trong khi đó chỉ mới đây thôi, ngày 3/9 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là nhà lãnh đạo “duy nhất từ các nước phát triển” sang Thiên An Môn dự cuộc duyệt binh hoành tráng, làm ông Tập Cận Bình được “nở mày nở mặt”.
Tiếp đến, ngày 12/7 vừa qua Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, hủy bỏ đường lưỡi bò cũng như hiệu lực pháp lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Trước đó tại Đài Loan, Tiến sĩ Thái Anh Văn lên nắm quyền và theo đuổi đường lối thân Mỹ – Nhật, giữ khoảng cách với Bắc Kinh. Còn chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sửa đổi Hiến pháp hòa bình để đối phó với mối uy hiếp từ Trung Quốc.
Ngoại giao thất sách, Vương Nghị bị quở trách
Tác giả Cao Đạt Mỹ nhận định, sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình ra sức thúc đẩy chính sách “ngoại giao nước lớn”, nhưng không ngờ lại sớm thất bại.
Tạp chí Foreign Policy, Hoa Kỳ cho rằng, sự thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài Biển Đông là một đòn thất bại tiếp theo giáng vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tạo cơ hội để Mỹ quay trở lại châu Á.
Một vị giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc giấu tên cho biết, những thất bại liên tiếp là do Bắc Kinh liên tục mắc sai lầm khi nhận định tình hình.
Ngành ngoại giao Trung Quốc đầu năm nay còn trình lên Tập Cận Bình báo cáo nhận định như đinh đóng cột, quan hệ đối tác chiến lược Trung – Hàn đang ở đỉnh cao, Park Geun-hye không thể chỉ một đêm lại ngả theo Mỹ.
Chỉ nửa năm sau, tình báo Hoa Nam nắm được thông tin Mỹ – Hàn chuẩn bị bố trí THAAD tại Hàn Quốc. Văn phòng ông Tập Cận Bình ở Trung Nam Hải vang lên những cơn thịnh nộ, mà kẻ chịu trận không ai khác là Ngoại trưởng Vương Nghị.
Ông Nghị là người thứ 2 bị Tập Cận Bình quở trách, sau Trương Chí Quân – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Đài Loan do dự đoán tình hình eo biển không chuẩn xác.
Còn trong vụ kiện Biển Đông, ông Tập Cận Bình hoàn toàn tin tưởng, yên tâm vào báo cáo của cấp dưới về việc, năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS 1982 Trung Quốc đã bảo lưu quyền miễn trừ giải quyết tranh chấp lãnh thổ và phân định biển thông qua cơ chế tài phán, nên ông chẳng thèm quan tâm tới vụ kiện của Philippines.
Ai ngờ Manila thuê được đội ngũ luật sư “trong mơ” về UNCLOS 1982, tìm ra khe hẹp kiện Trung Quốc về áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 mà không liên quan gì đến tranh chấp lãnh thổ hay phân định biển.
Tháng 11 năm ngoái (thực tế là 25/10/2015), Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có đủ thẩm quyền xem xét, thụ lý vụ kiện của Philippines (7/15 nội dung, 8 nội dung còn lại sẽ xem xét trong quá trình xét xử), giới học giả pháp lý quốc tế và các cơ quan ngoại vụ Trung Quốc đã kiến nghị với ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc nên tham gia vụ kiện.
Tuy nhiên ông Tập Cận Bình quyết theo đuổi chính sách “3 Không”: Không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận vụ kiện.
Sự vắng mặt của Trung Quốc đã trao quyền cho Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển Shunji Yanai người Nhật quyền bổ nhiệm 4 thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên xét xử vụ kiện, đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Trung Nam Hải quay sang lôi kéo Tokyo, Trung Quốc cần hòa bình nếu muốn phát triển kinh tế
Cao Đạt Mỹ dẫn lời một vị giáo sư từ Đại học Bắc Kinh cho biết: giai đoạn trước và sau phán quyết trọng tài, các chuyến bay từ Trung Quốc qua Mỹ thường xuyên có các quan chức và học giả Trung Quốc sang tìm cách thỏa hiệp với Washington về biện pháp kiểm soát rủi ro trên Biển Đông.
Cho dù về mặt ngoại giao, Bắc Kinh vẫn răn đe Nhật Bản không được can thiệp vào Biển Đông, nhưng bên lề hội nghị thượng đỉnh Á – Âu tại Mông Cổ, Lý Khắc Cường vẫn ghặp Shinzo Abe.
Thông tin mới nhất cho biết, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 đầu tháng Chín này tại Hàng Châu, Tập Cận Bình có khả năng cũng sẽ hội đàm với Shinzo Abe để đổi lấy sự hạ nhiệt của Tokyo trong vấn đề Biển Đông.
Trong thời gian diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, tại Bắc Kinh xuất hiện tin đồn, ông Tập Cận Bình đã rút lại ý định thăm dò khả năng bãi bỏ chế độ Thường vụ Bộ chính trị, mà đợi đến Đại hội 19 sang năm.
Trước mắt, mục tiêu của Trung Nam Hải là tổ chức tốt G-20, muốn giải quyết bài toán kinh tế chuyển hướng mô hình tăng trưởng (từ chữ V) sang chữ L thì Bắc Kinh cần duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á.
Vì vậy chính sách đối ngoại của Trung Quốc tới đây cũng phải hết sức thận trọng, tỉnh táo, đầu tiên là kiểm soát xu hướng chủ nghĩa dân tộc (cực đoan), những tiếng nói chỉ trích sẽ ít đi, ngay cả Thời báo Hoàn Cầu cũng không được quá đà, quá trớn.
Chính sách đối ngoại hiện hành của Trung Quốc thất bại vì đứng trên pháp luật
Có chuyện Ngoại trưởng Vương Nghị bị ông Tập Cận Bình quở trách hay không, Trung Nam Hải có nhận thấy những thất bại trong chính sách ngoại giao của mình gần đây hay không, người viết không thể kiểm chứng.
Bài viết của tác giả Cao Đạt Mỹ có ý phê phán chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhưng lại dùng nhãn quan, lăng kính chính trị của Bắc Kinh để mổ xẻ vấn đề, nên khó tránh khỏi việc lập luận thiếu tính thuyết phục.
Người viết không bình luận về nhận xét của nhà nghiên cứu Cao Đạt Mỹ rằng, chính sách đối ngoại hiện hành của Trung Quốc đã thất bại, bởi lẽ mục đích của Trung Nam Hải trong các hoạt động đối ngoại, trong các sự kiện này là gì còn chưa được làm rõ.
Nhưng có một thực tế rất rõ là các hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm xấu đi hình ảnh của nước này.
Một số nhận xét của tác giả Cao Đạt Mỹ còn mang tính chất tìm cách biện bạch cho cái tác giả gọi là sự thất bại của Trung Quốc. Nguyên nhân tác giả chỉ ra không thuyết phục được người viết. Xin chia sẻ cụ thể:
Thứ nhất, việc Mỹ – Hàn tuyên bố sẽ đàm phán việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc không phải Seoul “phản bội” Bắc Kinh, mà chính là hiệu ứng gậy ông đập lưng ông do chính sách của Trung Quốc luôn dùng Triều Tiên như con bài chính trị.
Thiện chí và nhu cầu phát triển quan hệ Trung – Hàn từ Seoul là có thật, không chỉ bởi thị trường 1,3 tỉ dân cũng như nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào của Trung Quốc, mà còn bởi ảnh hưởng của Bắc Kinh đến các hành vi của Bình Nhưỡng.
Chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đã rất kỳ vọng vào ông chủ mới của Trung Nam Hải có thể kiểm soát các hành vi đe dọa từ Bình Nhưỡng, nhưng càng về sau Bắc Kinh càng làm Seoul thất vọng.
Để đảm bảo an ninh, Seoul phải quay về với đồng minh truyền thống – Hoa Kỳ.
Thứ hai, Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông, kéo tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-63 và chiến đấu cơ JH-7, J-11 ra bố trí bất hợp pháp ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), trực tiếp đe dọa an ninh các nước ven Biển Đông trong khi lại chỉ trích, phản đối Mỹ – Hàn lắp THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Đó là kiểu hành xử tiêu chuẩn kép, cái gì có lợi cho mình thì vơ vào mà không quan tâm đến lợi ích hợp pháp hay nhu cầu chính đáng của các nước láng giềng.
Gốc rễ các vấn đề đối ngoại mà Trung Quốc đang gặp phải hiện nay đến từ tư duy Đại Hán, muốn xưng hùng xưng bá trong thiên hạ thay vì trỗi dậy hòa bình như đã tuyên bố.
Thay vì thượng tôn pháp luật, Trung Quốc lại đang thể hiện mình là quốc gia đứng trên pháp luật, ngoài vòng pháp luật.
Chỉ khi nào nhận thức này thay đổi và được thể hiện bằng hành động có trách nhiệm với việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, hợp tác cùng có lợi trên cơ sở luật pháp quốc tế, Trung Quốc mới có thể có chỗ đứng trong lòng người.