Friday, November 8, 2024
Trang chủBiển nóngTổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ quan tâm hơn vấn đề Biển...

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ quan tâm hơn vấn đề Biển Đông

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, ông Hoàng Anh Tuấn có cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tại Hà Nội.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây dường như chú ý hơn đến vấn đề biển Đông. Ông đánh giá sao về thay đổi này?

Thời gian đầu mới lên nắm quyền, ông ấy phải củng cố các vấn đề nội bộ. Sau khi đã ổn định tình hình trong nước mới chú trọng hơn các vấn đề khác, đặc biệt là môi trường an ninh. Trong khi đó, môi trường an ninh khu vực ngày càng có những diễn biến tác động trực tiếp đến tình hình phát triển của Indonesia. Bốn trụ cột trong chính sách đối ngoại của Indonesia gồm: ngoại giao kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển hàng hải, hỗ trợ ngư dân. Trừ vấn đề kinh tế thì những diễn biến khu vực đang tác động đến ba trụ cột còn lại mà Indonesia phải xử lý, đặc biệt là khu vực quần đảo Natuna.

Indonesia là một trong 5 nước sáng lập ASEAN, nhưng từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Widodo dường như không chú trọng nhiều đến ASEAN?

ASEAN luôn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Indonesia là một trong những thành viên sáng lập, một trong những nước lớn nhất trong ASEAN và có ảnh hưởng nhất trong ASEAN. Có thể nói, tất cả những diễn biến trong ASEAN đều tác động đến Indonesia.  Tùy từng giai đoạn khác nhau và trừ thời gian chuyển giao chính quyền, Indonesia coi ASEAN là trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của họ. Từ khi có sự điều chỉnh chính sách, Indonesia thực thi một loạt hoạt động ngoại giao tích cực để thực hiện ưu tiên đối ngoại này.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Widodo nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập vừa qua, ông nhận thấy những điểm gì đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Indonesia?

Theo tôi có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, so với những bài diễn văn trước, phần liên quan chính sách đối ngoại, chính sách an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia được nhấn mạnh hơn, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và rất đáng quan tâm. Thứ hai, Indonesia khẳng định quyết tâm của mình trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Thứ ba, bài phát biểu nhấn mạnh chính sách đối ngoại tích cực của Indonesia, nhấn mạnh việc sử dụng các biện pháp ngoại giao, mong muốn duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tiếp tục thi hành chính sách ngoại giao tích cực để duy trì môi trường ổn định, an ninh khu vực. Indonesia cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước khác trong việc thực hiện mục tiêu này.

Ông có thể cho biết tình hình bảo hộ ngư dân Việt Nam tại Indonesia thời gian qua?

Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi đưa khoảng 400 ngư dân Việt Nam bị bắt ở Indonesia về nước và vẫn còn khoảng 400 ngư dân của chúng ta vẫn đang bị phía Indonesia giam giữ tại các cơ sở khác nhau. Đối với sứ quán, chúng tôi luôn xác định làm hết mình để bảo vệ ngư dân. Dù đánh bắt trái phép trên vùng biển của Indonesia nhưng ngư dân vẫn có những quyền lợi hợp pháp của họ, đó là được luật pháp quốc tế, luật pháp Indonesia bảo hộ.

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế các vụ việc ngư dân và tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt giữ?

Hiện nay, sứ quán cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các địa phương với Cục Lãnh sự ở Việt Nam để thông tin, tuyên truyền sâu rộng hơn đến ngư dân, đặc biệt là ngư dân ở các tỉnh phía Nam. Điểm thứ hai, tôi cho rằng không chỉ là tuyên truyền đơn thuần mà đối với một số trường hợp vi phạm chúng ta cần sử dụng luật pháp của Việt Nam đối với các ngư dân này để giảm, tiến tới không còn trường hợp ngư dân của chúng ta sang đánh bắt trái phép ở vùng biển của Indonesia. Để làm được điều này  cũng có những khó khăn, trong đó có vấn đề vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia chưa được phân định. Đây cũng là một nguyên nhân khiến ngư dân của chúng ta sang đánh bắt ở vùng biển của Indonesia.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thúc đẩy hình thức hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Indonesia. Qua một số cuộc gặp làm việc vừa rồi giữa Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám với Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, hai bên đã đạt được khá nhiều thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về việc lập đường dây nóng, chia sẻ thông tin về các tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển của Indonesia, gia hạn Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá giữa Indonesia và Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Trước đây, chúng ta đã có hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Indonesia 2011-2015 nhưng văn kiện này đã hết hạn và cần được gia hạn thực thi.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hiện thêm các biện pháp khác, trong đó có việc thúc đẩy các nhà đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản tại Indonesia, đặc biệt là tại vùng Natuna. Indonesia hiện hứa hẹn rất nhiều về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Việt Nam trong hai lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới