Saturday, July 27, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ tức tốc làm lành với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị...

Mỹ tức tốc làm lành với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị Nga “lôi kéo”

Trong bối cảnh Mỹ có thể mất đi một đồng minh đáng gờm trong NATO vào tay Nga, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ để giải tỏa hiểu lầm và tái khẳng định cam kết với Ankara.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Cung điện Beylerbeyi ở Istanbul hồi năm 2014.

Khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay, thách thức khó khăn của Washington thời điểm đó là làm thế nào cân bằng trong việc làm tròn trách nhiệm hỗ trợ cho một đồng minh NATO trước các mối đe dọa an ninh, bên cạnh việc thúc giục Ankara bảo đảm quyền dân chủ về tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến.

Còn trong thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa Washington và Ankara đang trải qua nhiều phép thử về tính bền vững và công việc của nhân vật số 2 nước Mỹ sẽ là khó khăn hơn so với chuyến thăm lần trước.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7. Chuyến thăm của ông Biden được diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng với NATO và trở nên gần gũi với Nga hơn bao giờ hết. 

Mối quan hệ Nga-Thổ mới chỉ một vài tháng trước còn đang trở nên căng thẳng sau vụ việc Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở Syria hồi tháng 11/2015. Thế nhưng mọi thứ đã kết thúc nhanh chóng khi ông Erdogan đến thăm Moscow vào tuần trước và cả hai trở nên khăng khít với nhau đến mức khiến phương Tây lo ngại về tính toàn vẹn của NATO.

Thông tin từ cuộc gặp cho thấy Ankara và Moscow đã tuyên bố thành lập một “cơ chế” hợp tác mới ở Syria. Cơ chế mới này sẽ bao gồm hợp tác chia sẻ tình báo, ngoại giao và quân sự giữa hai nước.

Theo Stratfor, Ankara “rất có khả năng sẽ nhượng bộ với Nga về vấn đề Syria”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ sớm thành lập một liên minh với Nga và Iran, để từ đó “sẽ mềm mỏng hơn về lập trường của mình về sự tại vị của Tổng thống Bashar al-Assad”.

Trước đó, chính quyền Ankara đã cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen là người đứng sau dàn dựng cuộc binh biến và Tổng thống Erdogan đã kêu gọi Mỹ thực hiện dẫn độ nhân vật này.

Tuy nhiên Mỹ đã trả lời Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ cần những bằng chứng kết luận rõ ràng trước khi thực hiện theo ý định của Ankara. Điều này đã khiến Erdogan không hài lòng và làm dấy lên một làn sóng chống Mỹ từ các phương tiện truyền thông thân chính phủ.

Về phần mình, phương Tây cũng bày tỏ quan ngại về những cuộc trừng rộng rãi của chính quyền Erdogan sau cuộc đảo chính, trong đó có khoảng 40.000 người đã bị giam giữ và 80.000 người đã bị sa thải.

“Ông Joe Biden tái khẳng định rằng Mỹ đang làm mọi thứ trong việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, tuy nhiên sẽ đảm bảo quy trình điều tra tuân thủ theo pháp luật”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Obama cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ vừa là một thành viên của NATO và một phần của liên minh Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq.

Quan hệ của Mỹ là vô cùng phức tạp trong cuộc chiến, trong đó Washington ủng hộ các phiến quân người Kurd ở Syria trong việc đối đầu IS. Nhưng Ankara lại coi lực lượng nổi dậy này là mối đe dọa lớn.

Erdogan cũng phàn nàn về những gì mà ông gọi là “sự hờ hững” từ phương Tây, khi nói rằng các nước phương Tây chỉ quan tâm đến cuộc đảo chính sau khi xảy ra mà không có bất cứ hành động gì trong lúc nguy cấp nhất.

Một số nhân vật ủng hộ Erdogan đã cố gắng đổ lỗi cho Mỹ trong cuộc binh biến khi nói rằng nỗ lực đảo chính này có sự hậu thuẫn bởi CIA và một vị tướng quân đội đã nghỉ hưu của Mỹ.

Theo Reuters, chuyến đi của ông Biden đến Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc gặp mặt với Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim được nhiều người coi là động thái của Mỹ trong việc giải tỏa hiểu lầm và cân bằng lại mối quan hệ giữa hai quốc gia.

“Đã có một số chính khách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ tham gia vào cuộc đảo chính, nhưng ông Biden nói rằng đó chỉ là những cáo buộc ngớ ngẩn. Chúng tôi sẽ làm cho mọi thứ rõ ràng trong cuộc gặp mặt này và tái khăng định cam kết của mình với Ankara”, một quan chức giấu tên Mỹ cho biết.

Trong cuộc họp báo cuối tuần với các phóng viên tại Istanbul, Thủ tướng Yildirim nói rằng vấn đề dẫn độ Gulen sẽ nằm trong cuộc thảo luận Mỹ-Thổ và chuyến đi của ông Biden cũng nhắm đến việc cải thiện quan hệ hai nước.

“Ông Biden tới đây để giúp quan hệ của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”.

Trước đó một nhóm điều tra từ Mỹ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trước chuyến thăm của phó Tổng thống Biden để thu thập bằng chứng nhằm đáp ứng với các điều kiện của cơ quan tư pháp Mỹ trong việc dẫn độ theo yêu cầu của Ankara.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay mới chỉ nộp các bằng chứng dựa trên các sự kiện trước cuộc đảo chính.

RELATED ARTICLES

Tin mới