Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaGiết người bán xác cho ‘đám cưới ma’: Hủ tục biến tướng...

Giết người bán xác cho ‘đám cưới ma’: Hủ tục biến tướng thành tội ác kinh hoàng ở TQ

Một người đàn ông Trung Quốc mới đây đã bị buộc tội giết hại hai phụ nữ bị bệnh tâm thần để bán xác chết cho các “đám cưới ma”. Từ một tục lệ lâu đời, sự tha hóa đạo đức đã dẫn đến một vấn nạn đe dọa sinh mệnh của những người còn sống.

Giết người để bán cho các đám cưới ma đã là một vấn nạn phát sinh từ tục lệ lâu đời của Trung Quốc.

Theo tin từ BBC, cảnh sát ở tỉnh Thiểm Tây cho biết vụ giết người xảy ra vào tháng 4, khi đó ba người đàn ông đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát giao thông phát hiện thi thể của một phụ nữ ở trong xe của họ.

Cuộc điều tra đã đưa đến một chuỗi các sự kiện rùng rợn: Người đàn ông với tên gọi Ma đã hứa hẹn với hai người phụ nữ là ông ta sẽ tìm giúp họ các ‘đấng lang quân’ nhưng sau đó lại giết những phụ nữ này để bán xác của họ.

Đây chỉ là một vụ việc trong những vấn nạn phát sinh từ một tục lễ có từ 3.000 năm qua.

Đám cưới ma

Theo quan niệm của người dân Trung Quốc, đám cưới ma có mục đích là để người chết chưa lập gia đình không phải cô đơn ở thế giới bên kia.

Trong một đám cưới ma thông thường gia đình “cô dâu” được nhận một khoản tiền, cùng của hồi môn bằng hàng mã bao gồm đồ trang sức, người hầu và lâu đài. Gia đình hai bên sẽ tổ chức tiệc cưới và phần quan trọng nhất đào xương của cô dâu lên và đặt vào bên trong mộ của chú rể.

Theo truyền thống, đám cưới ma chỉ được tiến hành giữa hai người chết. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp người sống kết hôn với người chết, thậm chí giết người để làm đám cưới cho người chết.

BBC đã nêu ra vấn nạn này trong một bài viết ngày hôm nay (24/8). Bài báo cũng trích dẫn kết quả nghiên cứu của một chuyên gia về đám cưới ma. Ông Huang Jingchun, Trưởng khoa Trung Hoa tại Đại học Thượng Hải, đã tiến hành nghiên cứu thực địa về đám cưới ma ở Sơn Tây từ năm 2008 đến năm 2010. Ông cho biết giá của một xác chết hoặc xương của phụ nữ trẻ đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Vào thời điểm mà ông nghiên cứu, di cốt của người quá cố có giá khoảng 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng 100-170 triệu đồng). Ông ước tính giá trị ngày nay có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 335 triệu đồng). Việc bán xác chết bị cấm vào năm 2006 nhưng điều đó không khiến những kẻ cướp mộ chùn bước.

Bức ảnh chụp ông Yang Jinyu, một nông dân đã đánh cắp sáu bộ xương phụ nữ để bán cho các đám cưới ma. Ông ta đã bị công an Trung Quốc bắt giữ vào ngày 28/3/2005 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Getty Images)

Tại sao điều này xảy ra?

Theo bài báo của BBC, có nhiều  lý do khác nhau ở các địa phương. Tại một số nơi như tỉnh Sơn Tây, có nhiều nam thanh niên chưa vợ làm việc tại mỏ than, nơi có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu một thanh niên tử nạn, gia đình anh có thể sẽ tổ chức đám cưới ma để bù đắp tinh thần cho anh ta.

Với tình trạng chênh lệch giới tính nặng nề như ở Trung Quốc, rất nhiều nam thanh niên không cưới được vợ. Kết quả điều tra dân số năm 2014 cho thấy khoảng 115,9 bé trai được sinh ra thì chỉ có 100 bé gái.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Huang cho rằng còn có những lý do văn hóa cơ bản hơn.

Nhiều người Trung Quốc tin rằng họ sẽ gặp bất hạnh nếu mong ước của người chết không được thực hiện, và đám cưới ma là một phương cách để làm yên lòng những người chết.

“Tư tưởng cơ bản đằng sau đám cưới ma là người chết tiếp tục cuộc sống của họ ở thế giới bên kia,” Tiến sĩ Huang nói. “Vì vậy, nếu một người nào đó đã không nhận được kết hôn khi họ sống, họ vẫn cần phải được kết hôn sau khi họ chết.”

Hầu hết các trường hợp đám cưới ma xuất hiện ở miền bắc và miền trung Trung Quốc, ở các khu vực như tỉnh Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây. Tuy nhiên, ông Szeto Fat-ching, một thầy phong thủy ở Hồng Kông, cho biết hình thức này cũng tồn tại trong cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á, theo tin từ BBC.

Những hình thức khác của đám cưới ma cũng có mặt tại các nơi khác trên thế giới như Đài Loan, Sudan, Pháp. Tại Đài Loan, nếu một người phụ nữ chưa lập gia đình qua đời, gia đình cô sẽ đặt những bao lì xì đựng tiền, một lọn tóc, móng tay của cô ở nơi công cộng và chờ một người đàn ông nhặt chúng lên. Người đàn ông đầu tiên nhặt các bao lì xì sẽ được chọn là chú rể và nếu anh ta từ chối lấy cô dâu thì sẽ bị coi là điềm gở.

Năm ngoái, một video gây sốt trên mạng về một đám cưới ma từ Đài Trung (Đài Loan), người đàn ông tổ chức một lễ cưới công phu để kết hôn với người bạn gái đã qua đời.

Tuy nhiên, tình trạng giết người để bán xác cho đám cưới ma gần đây đã trở thành một vấn nạn đáng báo động ở Trung Quốc, một đất nước vốn đã tai tiếng về nạn bắt cóc, buôn người và mổ cướp nội tạng.

RELATED ARTICLES

Tin mới