Theo giới nghiên cứu Australia, nước này cần cho phép quân đội Ấn Độ sử dụng cảng Darwin ở miền Bắc để làm khu vực huấn luyện, nhằm gia tăng nỗ lực “chống Trung Quốc”.
(Ảnh minh họa: AP)
Tờ Sydney Morning Herad (Australia) dẫn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ thuộc Đại học Sydney (Australia) đánh giá, Canberra nên chấp thuận Ấn Độ sử dụng sân bay quân dụng tại quần đảo Cocos, phục vụ hoạt động giám sát và trinh sát trên đại dương.
Điều này sẽ góp phần thắt chặt quan hệ quốc phòng hai nước và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Báo cáo nhận xét: “Quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn Độ được một số nhân tố tất yếu thúc đẩy, trong đó yếu tố trực tiếp nhất là cả hai nước cùng cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự khu vực.”
Chuyên gia về an ninh Nam Á tại Đại học quốc gia Australia (ANU), Tiến sĩ David Brewster nhận định, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đang “phát triển thần tốc” và ngày càng sâu sắc hơn, khiến trở thành một phần trong đó là mục tiêu hết sức quan trọng với Australia.
Trong ít ngày tới, Washington và New Delhi sẽ ký kết thỏa thuận mang tính biểu trưng, cho phép quân đội hai nước sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhau, ví dụ như các căn cứ không quân và cảng hải quân.
Brewster nói với hãng tin Fairfax (Australia): “Thỏa thuận Mỹ-Ấn sẽ mở đường cho Australia và Ấn Độ ký kết các thỏa thuận tương tự.”
Ấn Độ có 1.3 tỉ dân và được xem là một nước lớn then chốt trong thế kỷ 21. Nhà lãnh đạo hiện tại của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi, được đánh giá là nhân vật có tầm nhìn quốc tế đưa New Delhi thoát khỏi vị thế chiến lược trung lập truyền thống.
Brewster cho rằng, Canberra cần tích cực, chủ động tiếp cận Ấn Độ hơn, bao gồm tổ chức đối thoại chiến lược cấp cao ba bên Mỹ-Ấn-Australia.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, cơ chế đối thoại 4 bên tương tự, tính cả Nhật Bản, là động thái rõ rệt nhằm chống lại Trung Quốc.
Các cuộc đối thoại chiến lược giữa Mỹ và đồng minh đã “gửi tín hiệu tượng trưng quan trọng đến Trung Quốc, thể hiện các bên tham gia có chung mối lo ngại”.
Theo ông Brewster, Ấn Độ lo lắng về khả năng Mỹ rút bớt lực lượng khỏi châu Á và để lộ khoảng trống cho Trung Quốc “thừa cơ xâm nhập”.
New Delhi cho rằng việc thắt chặt quan hệ hợp tác với Washington là biện pháp hiệu quả để duy trì mức độ tham dự của Mỹ trong các sự vụ châu Á.
Học giả người Australia bình luận, quân đội Ấn Độ hiện diện tại Australia để tập trận trong tương lai “sẽ mang ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng”, giúp cải thiện đáng kể hoạt động hợp tác về quân sự của song phương.
“Dù quan hệ song phương Australia-Ấn Độ đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn chưa đạt mức độ như Mỹ-Ấn. Ngoài ra, các hoạt động chung về quân sự giữa hai nước vẫn còn rất ít,” David Brewster cho hay.