Tân Hoa Xã cảnh báo “những lo ngại này, nếu được ấp ủ trong sợ hãi và thành kiến, có thể biến thể thành xu hướng sợ Trung Quốc, ngáng đường hợp tác hai bên cùng có lợi”.
Trong hai bài viết xuất bản vào tháng Tám, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cáo buộc Anh và Úc mắc phải “hội chứng sợ Trung Quốc” và cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ với Bắc Kinh.
Đây có lẽ là lần đầu tiên một tờ báo chính thống của Trung Quốc đề cập đến cái gọi là “nỗi sợ Trung Hoa” này.
Hai bài báo được tung ra sau khi Anh hoãn dự án điện hạt nhân trị giá 23,5 tỷ USD có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc, và Úc từ chối bán 7,7 tỷ USD cổ phần lưới điện quốc gia Ausgrid cho công ty Trung Quốc.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, Tân Hoa Xã cho rằng hội chứng sợ Trung Quốc đang hiện diện ở Anh và Úc. Câu hỏi là tại sao.
“Không cần thiết và vô căn cứ”
Trong bài báo đăng ngày 11/8, Tân Hoa Xã mở đầu bằng khẳng định: “Trước sự phát triển như vũ, dân số đông đảo và văn hóa đậm đà bản sắc của Trung Quốc, dễ hiểu khi nhiều nước e ngại về vai trò và tác động của Trung Quốc lên thế giới”.
Tuy nhiên, tác giả cảnh báo “những lo ngại này, nếu được ấp ủ trong sợ hãi và thành kiến, có thể biến thể thành xu hướng sợ Trung Quốc, ngáng đường hợp tác hai bên cùng có lợi”.
Anh và Úc lo sợ “an ninh quốc gia” sẽ bị đe dọa vì các món đầu tư từ doanh nghiệp Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng. Hội chứng này được xem như “kỳ cục, lạ lùng và gần như khó hiểu”, bài báo viết.
Bài xã luận thứ hai đăng vào 18/8 thì cho rằng mối lo về an ninh quốc gia của Anh là “không cần thiết và vô căn cứ”.
“London muốn gạt bỏ sự hiện diện của Trung Quốc trong dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đây là một triệu chứng khác của hội chứng sợ Trung Quốc”, tờ báo viết.
Giá trị nền tảng khác nhau
Về phần mình, Anh và Úc lại không cho đây là các lo ngại vô căn cứ, không cần thiết hay phi lý.
Sau khi đưa ra quyết định về thương vụ bán cổ phần Ausgrid, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu rằng ông “không thể tiết lộ các lời khuyên nhận được từ nhiều cơ quan an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên ông khẳng định “những sự tham vấn này hoàn toàn khách quan. Đây không phải là một quyết định mang tính chính trị”.
Đối với dự án điện hạt nhân tại Anh, báo chí nói chung ủng hộ quyết định của tân Thủ tướng Theresa May.
Ví dụ, tờ Guardian đặt câu hỏi về động cơ của Bắc Kinh trong dự án điện Hinkley Point. Nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu dự án từng bị chính phủ Mỹ cáo buộc là “gián điệp hạt nhân”.
Bia đá dựng ngoài dự án Hinkley Point ở phía Tây Nam của Anh, ghi “an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Ngoài ra, tờ báo nhận xét công ty Trung Quốc và doanh nghiệp phương Tây có giá trị nền tảng khác nhau.
Ở Trung Quốc, lằn ranh giữa lợi ích của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân rất mờ hồ.
Các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc thường phải chịu chính sách đối xử khắc nghiệt.
Còn tờ Independent thì cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự cũng như công nghiệp là trở ngại lớn đối với các nước láng giềng và đồng minh của họ – Mỹ.
Nhất là trong bối cảnh “Trung Quốc có nhiều tuyên bố chủ quyền bành trướng trên Biển Đông”.
“Tự nhìn lại mình”
Nhận định về quyết định của London, ông Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh, đã có bài viết gửi tạp chí Financial Times. Trong đó, ông khẳng định “mối quan hệ Anh – Trung Quốc đang ở ngã rẽ lịch sử”, sau khi London hủy dự án Hinkley Point.
Với giọng điệu gián tiếp nhưng nghiêm nghị, ông Liu cảnh báo sự việc có thể hủy hoại các dự án đầu tư khác của Trung Quốc tại Anh.
Đáp lại, một ngày sau, tờ tạp chí chạy bài viết khác đánh giá sự thất vọng của Trung Quốc ở Anh là “dễ hiểu vì nước này đã rót rất nhiều vốn nhà nước vào dự án này”. Tuy nhiên, Trung Quốc “không nên phản ứng thái quá”.
Financial Times nhìn nhận khách quan rằng Hinkley Point không chỉ phức tạp về mặt thương mại, mà cả chính trị. Những nguyên nhân về sự phức tạp này không liên quan nhiều đến Trung Quốc.
Bài báo kết lại bằng nhận xét: “Trong khi chỉ trích Anh – một trong những nền kinh tế hội nhập nhất thế giới, thì Trung Quốc nên tự nhìn lại mình. Họ đóng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.