Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTại sao Giang Trạch Dân không thể vui trong sinh nhật lần...

Tại sao Giang Trạch Dân không thể vui trong sinh nhật lần thứ 90 của mình?

Ngay khi Giang Trạch Dân vừa bước sang tuổi 90, thì trên mạng đã xôn xao những lời chúc tụng, hoàn toàn tương phản với tình huống bi đát của cựu lãnh đạo ĐCSTQ ngay tại thời điểm này, cũng như họ đã làm ngơ trước những tội ác kinh hoàng mà Giang đã và đang bị cáo buộc.

 

Cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân tham dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giang Trạch Dân – sinh ngày 17 tháng 8 năm 1926, quê quán ở tỉnh Giang Tô, nằm ven bờ biển phía đông của Trung Quốc – vừa mới đây đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật và được vinh danh trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Nhưng cư dân mạng Trung Quốc đã phải vận dụng chiêu thức nói ẩn ý (tag thêm cụm từ “+ 1S” , có nghĩa “thêm một giây nữa”) khi bàn tán về tuổi thọ của Giang. Trang Free Weibo cho biết, hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền đã chặn những từ khóa như “Giang Trạch Dân” và “trưởng giả” (tiếng Trung Quốc “zhangzhe” hay 长者). Free Weibo là một trang web luôn bị theo dõi và kiểm duyệt. Và người ta không thấy bất kỳ phương tiện truyền thông chính thức nào của ĐCSTQ công bố sự kiện mừng sinh nhật của Giang.

Công an Trung Quốc cũng đã cảnh báo “người hâm mộ con cóc” – không được đăng lên mạng những bài viết liên quan đến tiệc sinh nhật hoặc gửi lời chúc mừng đến Giang, theo tạp chí Financial Times. Cái biệt danh “con cóc” mà người dân tặng cho Giang là do họ lấy cảm hứng từ sự tương đồng của Giang khi so với loài vật này: cặp kính đen với cái gọng rất dày và to, da mềm nhũn ở dưới cằm, và cái bụng tròn lúc nào cũng trương phình.

Tạp chí Financial Times cho rằng, [chính quyền] hạn chế sự kiện mừng ngày sinh nhật của Giang Trạch Dân là do tồn tại một thực tế rằng, Giang “được xem là một mối đe dọa chính trị của đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình”, cho dù năm nay Giang đã bước sang tuổi 90.

Mặc dù đã rời bỏ tất cả các chức danh chính thức kể từ năm 2005, nhưng thông qua các phe cánh chính trị của mình, Giang vẫn tiếp tục thao túng chính sự. Hồ Cẩm Đào, người kế nhiệm của Giang, đã giữ vai trò này trong trạng thái “chân cao chân thấp” và thiếu hào khí lãnh đạo. Vì Hồ Cẩm Đào luôn bị đe doạ bởi cái gọi là “lãnh đạo tập thể” của các đồng minh và tay chân thân tín của Giang, rất nhiều người trong số này đã nắm giữ quyền lực mạnh mẽ trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Nhằm củng cố vị trí của mình ngay từ khi mới lên nhậm chức, Tập Cận Bình đã và đang tiêu diệt tận gốc mạng lưới chính trị do Giang giám sát; một phần cũng là do Tập Cận Bình muốn tránh cho số phận chính trị của mình bị giống như Hồ Cẩm Đào.

Dưới chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, một số quan chức hàng đầu cũng như đồng minh của Giang bao gồm cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang, và mới đây là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu – đều đã bị kết tội tham nhũng và bị thanh trừng. Nhưng trong một số bài phát biểu vào năm ngoái, Tập Cận Bình gợi ý rằng những tội lỗi của những người trong phe cánh của Giang thực ra chính là về mặt chính trị, cho thấy cái cách mà họ đã hình thành “phe nhóm và bè lũ âm mưu” nhằm “làm hủy hoại và gây chia rẽ” hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, tham nhũng, vẫn là một trong những di sản lâu đời nhất và bị thù ghét nhiều nhất do triều đại của Giang Trạch Dân để lại.

Năm ngoái, Tập Cận Bình cũng đã vạch trần vai trò theo kiểu “Bố già” của Giang. Trong một bài phát biểu vào tháng 1 năm 2015, Tập chỉ trích một số lãnh đạo của ĐCSTQ đang thao túng chính trị từ đằng sau hậu trường. Sau đó 8 tháng, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của nhà nước – đã đăng một xã luận nhằm cảnh cáo các lãnh đạo Đảng đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn gây ảnh hưởng đến những vấn đề chính sự thông qua “những phụ tá tin cậy” của họ đang nắm giữ các vị trí chủ chốt.

Trong năm 2016, Tập có biểu hiện cho thấy ông đang đặt nền móng để tiến hành một cuộc điều tra chính thức về Giang.

Từ tháng 3 đến tháng 5, các nhà điều tra chống tham nhũng đã tiến hành một cuộc điều tra có quy mô rất lớn tại các cơ quan chính phủ ở Thượng Hải – thành trì lâu năm của Giang. Nguồn tin từ một quan chức ở Trung Quốc đã nói với thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng, trong năm nay, trưởng bộ phận chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đã lên kế hoạch triệt tiêu “băng đảng Thượng Hải” của Giang.

Vào tháng 3 năm 2016, Trịnh Ân Sủng (Zheng Enchong) – luật sư nhân quyền ở Thượng Hải – đã nói với thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng, Giang Trạch Dân và 2 con trai cũng đang bị hạn chế di chuyển. Hiện nay, luật sư Trịnh đang bị quản thúc tại nhà vì đã va chạm với các nhân tố của “băng đảng Thượng Hải”. Luật sư này tuyên bố rằng, thông tin của ông đến từ nguồn “cực kỳ tin cậy”, và chỉ ra rằng việc ông đang được nới lỏng chính là một bằng chứng hiển nhiên.

Kể từ mùa đông năm 2015, công chúng đã không còn nhìn thấy Giang nữa. Và gần đây, trong đám tang của một đồng chí lão thành cách mạng, vòng hoa phúng điếu của Giang đã không thấy đến được. Sự vắng mặt này của Giang đã khiến người ta nghĩ đến việc Giang đang gặp rắc rối.

Và vào cuối tháng 6, Tập đã ban hành một bộ quy định kỷ luật nêu rõ giới lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sai phạm của cấp dưới. Rất nhiều quan chức đã bị thanh trừng vì tội tham nhũng đều rơi vào một trong hai trường hợp như sau: một là có liên kết trực tiếp với Giang, hai là nghe theo lời xúi giục của Giang để bức hại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.

Theo lệnh của Giang, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết, và trong bất kỳ thời điểm nào, số lượng học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trung Quốc cũng lên đến hàng trăm nghìn người, dựa theo Minghui.org, một website chuyên cung cấp thông tin về cuộc bức hại.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, các học viên Pháp Luân Công đã bị trở thành đối tượng bị thu hoạch nội tạng chính cho số lượng ca phẫu thuật ghép tạng lên đến 1,5 triệu ca. Họ bị mổ cướp mất tạng và bị giết chết trong quá trình đó. Tình trạng mổ cướp nội tạng, do chính quyền Trung Quốc phê duyệt, đã bị Nghị viện Châu Âu và Hạ viện Hoa Kỳ lên án.

Với sự quan tâm nổi bật của công luận quốc tế dành cho những hành động được xem là khía cạnh đồi bại nhất trong chiến dịch đàn áp của Giang, cùng với việc Tập Cận Bình triển khai bộ máy xử lý kỷ luật của ĐCSTQ hòng dập tắt những phe cánh chính trị của Giang, thì chắc chắn rằng, lúc này lửa đã được nhóm lên, nước đang sôi từ từ, còn con cóc thì đang ở trong nồi nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới