Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCrimea nóng lên, kinh tế Nga lạnh dần

Crimea nóng lên, kinh tế Nga lạnh dần

Theo hãng tin Bloomberg, phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng khả năng phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga đang giảm đi sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine có âm mưu khủng bố ở Crimea.

Căng thẳng ở bán đảo Crimea có thể sẽ khiến khiến tăng trưởng kinh tế Nga chững lại.

Khảo sát của Bloomberg cho thấy, trong số những nhà kinh tế học được hỏi, 52% số người tin rằng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga trong vòng 12 tháng tới.

Con số này thấp hơn nhiều so với kết quả của cuộc thăm dò trước đó một tháng, khi có 69% các nhà kinh tế học tin EU sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trong khi đó, chỉ 10% người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận với Nga, thấp hơn 9% so với cuộc khảo sát trước đó.

“Việc căng thẳng ở bán đảo Crimea đang nóng lên sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và khiến lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga được giữ nguyên, đồng thời tỉ lệ đầu tư từ nước ngoài vào Nga sẽ giảm”, ông Christopher Shiells, một nhà phân tích kinh tế người Mỹ cho biết.

“Điều này sẽ khiến giá đồng ruble giảm và buộc ngân hàng trung ương Nga phải có bước đi thận trọng hơn”.

Lệnh cấm vận đối với Nga kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, cùng với tình trạng giá dầu giảm đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, dòng tiền ồ ạt chảy khỏi đất nước và giá đồng ruble giảm mạnh.

Hiện tại, mặc dù giá dầu đang ở mức gần 50USD/thùng, chính phủ Nga vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng và được dự báo rằng kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng ở mức dưới 1% trong năm tới.

Lãi suất vẫn được giữ nguyên ở mức 10,5% trong vòng hai tháng trở lại đây.

Giá đồng ruble so với đồng USD cũng đã tăng 13% trong năm nay, tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn chưa đủ để bù đắp 20% giá đồng ruble đã giảm trong năm ngoái.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine lại nóng lên trong tháng 8 này, sau khi Tổng thống Putin cáo buộc chính phủ Ukraine tổ chức các cuộc tấn công ở bán đảo Crimea, khiến hai binh sĩ Nga tại đây thiệt mạng.

Ukraine khẳng định vụ việc này là không có thật, và một số nhân chứng đã thấy có những hoạt động điều quân giữa hai nước ở quanh bán đảo.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã phát biểu rằng hiện châu Âu vẫn chưa thể nới lỏng lệnh cấm vận đối với Nga bởi nước này vẫn chưa cho thấy họ đang tích cực đáp ứng những điều kiện nêu ra trong lệnh ngừng bắn được các bên liên quan trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thông qua tại Minsk vào năm 2015.

“Với việc lệnh cấm vận của EU còn kéo dài cho đến đầu năm 2017 cũng như những phát biểu cứng rắn của bà Merkel, có thể thấy rằng khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt trong vòng 12 tháng đang rất thấp”, ông Andreas Schwabe, một nhà kinh tế học châu Âu cho biết.

“Để lệnh cấm vận được nới lỏng, phương Tây đang yêu cầu Nga phải thỏa hiệp, điều mà nước này vẫn chưa làm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới